Ngày làm thủ tục ly hôn, em trai gọi điện hồ hởi hỏi một câu khiến tôi vội vàng xé đơn rồi xin chồng quay lại

Nhật Hạ, Theo Phụ Nữ Mới 22:17 26/09/2024
Chia sẻ

Tôi vẫn kiên quyết giữ vững lập trường của mình, không nghe lời khuyên của chồng, hàng tháng vẫn gửi tiền đều đặn về cho em trai.

Tôi 32 tuổi, đã lập gia đình và có một cậu con trai kháu khỉnh. Hiện tại tôi là quản lý bộ phận của một công ty với mức thu nhập hàng tháng khoảng 20 triệu. Còn chồng tôi là kỹ sư xây dựng, thu nhập của anh gần gấp đôi vợ.

Nhờ sự chăm chỉ và nỗ lực, rất nhanh chỉ sau vài năm vợ chồng tôi đã có nhà, có xe riêng. Kinh tế của chúng tôi lúc này cũng thuộc diện khá giả, không phải áp lực quá nhiều về mặt tài chính.

Sau tôi còn có một cậu em trai mới ra trường đi làm được 3 năm và đang cố gắng tiết kiệm tiền để mua nhà, cưới vợ. Là một người chị gái, nên tôi thấy việc giúp đỡ em trai là điều rất cần thiết.

Để giúp em trai có đủ tiền mua nhà, tôi quyết định mỗi tháng sẽ gửi phần lớn tiền lương của mình cho em. Nhưng thật không ngờ điều này lại gây ra mâu thuẫn giữa tôi và chồng.

Ngày trước khi cưới, chồng tôi hứa sẽ coi em trai tôi như em ruột, cố gắng cho em có một tương lai tốt đẹp, bởi bố mẹ tôi đã không còn. Ấy vậy mà mới kết hôn vài năm, anh đã quên lời hứa đó rồi.

Ngày làm thủ tục ly hôn, em trai gọi điện hồ hởi hỏi một câu khiến tôi vội vàng xé đơn rồi xin chồng quay lại- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Những cuộc cãi vã giữa tôi và chồng ngày càng nhiều, ai cũng cho mình là có lý. Tôi luôn khẳng định việc giúp đỡ em trai trong lúc khó khăn là trách nhiệm của một người làm chị. Thế nhưng chồng tôi lại tức giận nói: "Em xem có ai như em, lương được 20 triệu thì gửi cho em trai những 15 triệu. Em nên nhớ rằng em đã có gia đình, việc quan trọng nhất là em phải chăm lo cho gia đình của mình. Hơn nữa, em trai em đã đi làm, kiếm được ra tiền rồi chứ có phải là đứa trẻ nữa đâu".

Sau đó anh bảo nếu em trai muốn mua nhà thì phải tự cố gắng. Vợ chồng tôi có cho thì cũng chỉ vài chục triệu là được rồi. Chứ tôi cho nhiều, sau này em sẽ ỷ lại mà không chịu làm ăn. Anh còn nói nếu tôi cứ tiếp tục cố chấp thì chúng tôi sẽ ly hôn.

Nhưng tôi vẫn kiên quyết giữ vững lập trường của mình, không nghe lời khuyên của chồng, hàng tháng vẫn gửi tiền đều đặn về cho em trai. Điều này khiến cho mâu thuẫn giữa tôi và chồng ngày một tăng lên. Sau nhiều tháng tranh cãi, chúng tôi quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân này.

Vào ngày làm thủ tục ly hôn, em trai gọi đến cho tôi. Tuy nhiên thay vì an ủi chị gái, em lại hồ hởi hỏi: "Chị ơi, chị có thể lấy tài sản được chia sau ly hôn giúp em mua nhà được không? Chứ em và bạn gái sắp kết hôn rồi mà vẫn chưa đủ tiền mua nhà". Đối mặt với yêu cầu của em trai, tôi vô cùng thất vọng.

Lúc này, tôi chợt nhận ra trong mắt em trai, tôi giống như một chiếc máy ATM chứ không phải chị em ruột thịt. Em không quan tâm đến tôi sau ly hôn sẽ sống thế nào, mà chỉ chăm chăm đến túi tiền của tôi thôi. Quá bực tức, tôi không muốn tiếp tục gánh khoản tài chính vốn không thuộc về mình nữa. Tôi vội xé đơn ly hôn và xin chồng tha lỗi cho mình. Ban đầu chồng tôi không muốn nhưng cuối cùng vẫn cho tôi thêm một cơ hội để sửa đổi. Những ngày sau tôi không gửi tiền về cho em trai nữa, mà tập trung lo cho gia đình của mình. Em trai thấy vậy thì bức xúc, trách tôi vô tâm, không chăm lo cho em, còn nhắc lại chuyện tôi từng hứa với mẹ sẽ lo cho em mà giờ lại bỏ mặc em.

Tuy nhiên, tôi cũng đã rút ra được bài học cho chính mình. Nếu chỉ tập trung lo cho em trai thì hôn nhân sẽ bị ảnh hưởng. Tốt nhất là nên cân bằng vai trò và trách nhiệm giữa gia đình ruột thịt và tổ ấm riêng của mình.

Tiền của mình làm ra từ mồ hôi nước mắt, nếu cứ cho đi một cách mù quáng thì người nhận được sẽ không biết trân trọng, thay vào đó họ sẽ cho rằng đó là trách nhiệm mà bạn phải làm. Một khi bạn dừng không cho nữa, họ sẽ quay lại trách móc, đổ lỗi cho bạn mà không hề nhớ đến những gì bạn đã giúp trước kia đâu.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày