Nỗi ám ảnh của các loài động vật
Trong vòng 100 triệu năm đầu tiên kể từ khi xuất hiện trên Trái đất, các loài thú có vú đã luôn phải sống dựa vào bóng tối. Đơn giản là vì Trái đất khi đó thuộc về những gã "cô hồn" mang tên khủng long.
Thế rồi Đại tuyệt chủng xảy ra vào 66 triệu năm trước khiến loài khủng long biến mất, nhờ vậy mà các loài thú mới có thể bước ra ngoài sáng.
Vì các "ông kẹ" này mà động vật vốn phải sống hoàn toàn trong bóng đêm
Tuy nhiên theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science thì ngày nay, rất nhiều loài thú đang chuyển dần sang lối sống về đêm để tồn tại. Lần này, kẻ thù của chúng là một trong những sinh vật đáng sợ nhất trong lịch sử: con người.
Chúng ta không còn lạ lẫm với những tác động tiêu cực mà con người gây ra cho các loài động vật, từ săn bắt quá mức đến phá hủy môi trường sống… Vì lý do đó, rất nhiều loài cảm thấy sợ hãi con người. Đối với chúng, con người là những sinh vật to lớn, ồn ào, lạ lẫm và đầy nguy hiểm.
Con người đã trở thành sinh vật nguy hiểm nhất hành tinh
Qua theo dõi, các nhà nghiên cứu nhận thấy nhiều loài vật có xu hướng lẩn trốn và cố gắng để tránh phải chạm mặt con người. Tuy nhiên điều này thật không dễ khi dân số loài người ngày một tăng và có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Cuộc sống về đêm
Trên tổng số 62 loài động vật được khảo sát, các loài vật hoạt động nhiều về đêm tại các vùng có con người cao hơn 1,36 lần. Thậm chí ở một số loài vốn phân bổ thời gian khá đều giữa ngày và đêm, thì giờ đây chúng tăng thời lượng hoạt động vào ban đêm lên tới 68%.
Những kết quả này được ghi lại và tổng hợp ở khắp mọi nơi trên thế giới, trên mọi lục địa và các kiểu môi trường sống khác nhau.
Từ linh dương trên sa mạc Zimbabwe, lợn lòi ở rừng nhiệt đới Ecuador, linh miêu ở sa mạc phía Tây Nam Mỹ - tất cả đều đang chuyển sang sống về đêm do tác động của con người.
Sự thay đổi này có thể dẫn tới những hậu quả gì?
Chưa có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của sự thay đổi tập tính này lên quần thể động vật và con người nói chung. Tuy nhiên, có một sự thật là những động vật vốn kiếm ăn vào ban ngày sẽ khó mà thích nghi được với việc phải săn mồi trong bóng đêm, cũng như không biết cách lẩn trốn khỏi những kẻ thù nguy hiểm khác trong tự nhiên.
Điều này có thể dẫn tới sự suy giảm số lượng, do chúng không có khả năng tồn tại và duy trì nòi giống.
Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng tổ tiên của hầu hết các loài động vật có vú từng sống dựa vào bóng đêm. Vì vậy, có thể nói rằng chúng có những đặc điểm bẩm sinh để có thể thích nghi với cuộc sống về đêm.
Và đối với con người, việc một số loài động vật chuyển sang ăn đêm lại mang đến những lợi ích nhất định. Ví dụ tại Nepal, ở một số vùng, hổ và người cùng chia sẻ chung một con đường. Tuy nhiên con người sử dụng nó vào ban ngày, còn loài hổ thì vào ban đêm.
Điều này giảm những cuộc đụng độ trực tiếp và do đó an toàn cho cả hai bên. Cơ chế phân chia này được các nhà khoa học gọi là "phân vùng thời gian" - theo đó con người và động vật có thể sinh sống hòa bình khi Trái đất chúng ta đang trở nên đông đúc hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần ý thức về việc bảo tồn các khu vực hoang dã. Đó là cách đúng đắn nhất để bảo vệ môi trường sống của sinh vật, bởi không phải tất cả các loài đều có khả năng thích nghi với lối sống trong bóng tối.