Không khó để nhận thấy rằng các chương trình uống rượu cùng các thần tượng Kpop đang là một xu hướng mới trên nền tảng YouTube. Đây là do các chương trình mang tới góc nhìn khá thoải mái và thẳng thắn, khác hẳn với những gì các ngôi sao thể hiện trên sóng truyền hình. Mặc dù vậy, sự gia tăng ngày một nhiều những chương trình này cũng dấy lên mối lo ngại về tác động của chúng đối với khán giả, đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi.
Một trong những chương trình khá nổi tiếng tại Hàn Quốc hiện nay là Not Many Prepared do Lee Young Ji dẫn chương trình. Mặc dù chỉ mới ra mắt vào tháng 6 năm ngoái nhưng kênh này đã thu hút hơn 2,84 triệu người đăng ký. Mô típ của chương trình này là mời các ngôi sao tới nhà của Lee Young Ji và cùng nhau trò chuyện về cuộc sống, sự nghiệp. Cùng lúc đó, cả người dẫn chương trình và khách mời sẽ uống rượu và ăn uống như những người bạn.
Jisoo - thành viên nhóm nhạc BLACKPINK - trong chương trình Not Many Prepared. (Ảnh: Box Media)
Hiện tượng của Kpop là BTS cũng bắt kịp xu hướng này với thành viên Suga ra mắt chương trình trò chuyện có tự đề Suchwita (từ viết tắt tiếng Hàn có nghĩa "Đã đến lúc uống rượu với Suga"). Chương trình có sự góp mặt của nhiều ngôi sao Kpop nổi tiếng, bao gồm cả các thành viên BTS, mang tới cho người hâm mộ cái nhìn thân mật hơn về cuộc sống của họ thông qua những bữa ăn bình thường. Bắt đầu phát hành vào tháng 12/2022, tập đầu tiên có trưởng nhóm BTS RM làm khách mời đã thu về 7,4 triệu lượt xem.
Với những người hâm mộ, những chương trình này vô cùng thu hút bởi họ tò mò về cuộc sống thường ngày của các thần tượng. Tuy nhiên, nhiều khán giả cũng tỏ ra lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra. Một số chuyên gia văn hóa cũng đồng ý kiến này.
Cụ thể, nhà văn hóa đại chúng Kim Hern Suk phân tích rằng các chương trình uống rượu thu hút bởi chúng hoàn toàn khác biệt với các chương trình truyền hình chính thống. Điều này là do các chương trình truyền hình đối mặt với các quy định chặt chẽ hơn, đây cũng là lí do các chương trình trên YouTube sử dụng rượu và đồ uống có cồn tạo sự khác biệt.
Chương trình Suchwita của Suga (BTS) nhận được nhiều sự quan tâm của những người hâm mộ. (Ảnh: Bighit Music)
Vấn đề ở đây chính là khả năng trẻ vị thành niên dễ dàng tiếp cận với những nội dung này. Trong khi đài truyền hình luôn duy trì các biện pháp kiểm soát đối với các nội dung gây hại cho người xem nhỏ tuổi thì tại các nền tảng như YouTube, trẻ em vẫn có thể truy cập dễ dàng khi những nội dung này thường xuyên được chia sẻ trên trang mạng xã hội.
Nhà văn hóa đại chúng Kim Hern Suk cũng nói thêm rằng sự hiện diện của các ngôi sao Kpop trong các chương trình này có thể khiến những người hâm mộ là trẻ vị thành niên bắt chước theo do họ là những người chịu ảnh hưởng rất lớn từ thần tượng.
"Kpop có ảnh hưởng lớn tới trẻ vị thành niên. Vì vậy, chúng tôi lo lắng rằng việc các ngôi sao công khai sử dụng đồ uống có cồn sẽ dẫn tới các hành vi xấu của đối tượng này", bà chia sẻ.
(Ảnh: Bighit Music)
Ngoài ra, mối quan tâm lớn hơn nữa chính là việc các chương trình tạo ra một suy nghĩ nguy hiểm rằng đồ uống có cồn là tất yếu để kết nối và xây dựng các mối quan hệ xã hội.
"Bạn vẫn có thể nói chuyện và chia sẻ trong trạng thái tỉnh táo. Vậy vấn đề là tại sao bạn cần dựa vào rượu để làm điều đó? Tôi cảm thấy các chương trình cần đến rượu sẽ có tác động tiêu cực tới văn hóa giao tiếp xã hội, dẫn tới con người bị phụ thuộc vào loại đồ uống này", bà nhận định.
Khi mức độ phổ biến của những chương trình uống rượu cùng thần tượng Kpop tiếp tục tăng cao, điều cần thiết là phải giải quyết những lo ngại này, đồng thời tìm cách cân bằng giữa giải trí và sáng tạo nội dung có trách nhiệm.