Chắc hẳn bạn đã từng nghe qua câu: "Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công". Trên thực tế, nếu không có khả năng vào đại học hoặc muốn rút ngắn thời gian học thì học cao đẳng, trung cấp hay học nghề là lựa chọn thay thế phù hợp. Điều này cũng sẽ giúp bạn sẽ tiết kiệm chi phí, nhanh chóng có việc làm, có thu nhập và khi có điều kiện, có nhu cầu vẫn có thể tiếp tục học liên thông lên ĐH hoặc các bậc học cao hơn.
Một ngành học được đánh giá vô cùng tiềm năng hiện nay chính là Công nghệ da giày. Đây là ngành đào tạo các kỹ thuật viên, chuyên viên nghiên cứu, kỹ sư... chuyên nghiên cứu - phát triển các khâu sản xuất mặt hàng thiết yếu trong các doanh nghiệp, công ty thuộc lĩnh vực da giày, chịu trách nhiệm thiết kế, hoàn thiện, kiểm tra, đóng gói, bảo quản, quản lý thành phẩm theo đúng yêu cầu đơn hàng nhận.
Ảnh minh họa.
Tại lễ tốt nghiệp của Trường CĐ Công nghệ và Quản trị Sonadezi (Đồng Nai) mới đây, 80% sinh viên trong tổng số hơn 300 sinh viên tốt nghiệp đã được các doanh nghiệp tuyển dụng sau khi nhận bằng tốt nghiệp. Cụ thể, sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ da giày và công nghệ may theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 2 đã được tuyển dụng ngay tại lễ tốt nghiệp.
Trên thực tế, chỉ tiêu tuyển dụng của Công nghệ da giày rất ổn định, nên tạo cơ hội việc dồi dào cho các sinh viên. Tại Việt Nam có rất nhiều các nhà máy lớn chuyên sản xuất da giày, với chất lượng sánh ngang với các nước hàng đầu trên thế giới về công nghệ da giày.
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (đơn vị thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cho biết: Theo quy hoạch phát triển ngành dệt may - giày da giai đoạn 2022-2026 theo 7 khu vực, trong đó khu vực phía nam gồm: Vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL với TP.HCM là trung tâm thiết kế thời trang, trung tâm sản xuất mẫu mã, cung cấp dịch vụ, nguyên phụ liệu, công nghệ dệt may. Chính vì vậy, nhu cầu nhân lực của ngành Dệt may - Giày da cũng rất lớn.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2026, ngành dệt may - giày da tại TP.HCM cần từ 390.000 - 437.000 lao động, chủ yếu ở trình độ sơ cấp - trung cấp, chưa qua đào tạo. Bình quân mỗi năm, ngành Dệt may - Giày da cần từ 20.000 - 22.000 chỗ làm việc, chiếm 7% trong tổng nhu cầu lao động của TP.HCM (nhu cầu nhân lực của TP.HCM từ 271.000 - 322.000 chỗ làm việc/năm).
Vị trí công việc đa dạng, mức lương ổn
Các vị trí có thể đảm nhận sau khi ra trường như nhân viên, quản lý tại cơ sở sản xuất da giày, nhân viên kiểm tra về chất lượng của sản phẩm, nhân viên thiết kế da giày, giảng viên tại các trường đào tạo công nghệ da giày,… hoặc tự mở công ty sản xuất giày dép.
Ảnh minh họa.
Mức thu nhập của ngành này tùy thuộc vào tay nghề và kinh nghiệm. Trung bình đối với sinh viên mới ra trường sẽ dao động khoảng từ 5 triệu đến 8 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương khá cao so với các ngành nghề khác.
Đối với những người có kinh nghiệm, tay nghề, mức lương có thể nhận được từ 10-15 triệu. Ngoài ra còn có các mức thưởng theo năng lực hoàn thành công việc tốt, thưởng ngày lễ Tết, lương tháng 13. Một số vị trí quản lý như trưởng phòng sản xuất mức lương còn có thể cao hơn nhiều.
Để theo học ngành Công nghệ da giày bạn có thể đăng ký xét tuyển vào các trường sau: Đại học Sao Đỏ; Đại học Công Nghiệp Thực phẩm TP.HCM; Cao Đẳng Công Thương TP.HCM; Cao đẳng Công nghệ và Quản trị SONADEZI...