Đó là trường hợp của T.S (46 tuổi), nhập viện tại BV quận Thủ Đức do bị tai nạn lao động ngã từ tầng 2 giàn giáo xuống đất. Sau khi rơi xuống, bệnh nhân nhanh chóng được các đồng nghiệp đưa thẳng vào bệnh viện khi vẫn tỉnh, không bị chảy máu nhưng đau bụng nhiều.
Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân khó thở, tức ngực, đau bụng, mạch nhanh, huyết áp tụt. Ekip điều trị tiến hành hồi sức tích cực và chụp CT toàn ổ bụng. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị vỡ tá tràng, dập tụy, vỡ lách, rách mạc treo ruột non, xuất huyết ổ bụng lượng nhiều. Tình trạng này khiến các bác sĩ phải chuyển gấp bệnh nhân lên phòng mổ để tiến hành phẫu thuật khẩn cấp.
Té giàn, người công nhân chấn thương nặng.
Tại đây sau khi mở ổ bụng, ekip điều trị nhận thấy bệnh nhân rách tĩnh mạch mạc treo tràng trên, tá tràng vỡ đứt làm đôi, vỡ mạc treo và dập ruột non hai đoạn. Trong hơn 6 tiếng phẫu phuật, bệnh nhân được cắt lọc vết thương, khâu cầm máu, cắt đoạn ruột non bị dập, khâu ruột và nối tá tràng vào ruột non. Ca mổ kết thúc, bác sĩ tiến hành rửa bụng, đặt dẫn lưu và chuyển hồi sức tích cực sau mổ.
Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định, có thể ăn và uống sữa qua ống thông.
Sau mổ, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Mai Hóa, Trưởng khoa Ngoại tổng quát của BV, người trực tiếp phẫu thuật cứu sống bệnh nhân cho biết tai nạn lao động, nhất là tai nạn do ngã cao có thể không gây thương tích, chảy máu bên ngoài nhiều nhưng nguy cơ vỡ tạng bên trong là rất cao. Do đó, bệnh nhân và người nhà cần nhanh chóng đến bệnh viện để được khám và kiểm tra kỹ lưỡng ngay sau khi bị ngã tránh chủ quan gây hậu quả khôn lường.
"Vỡ tạng nếu để lâu có thể làm cho bệnh nhân phải đối mặt những hậu quả đáng tiếc do không được cấp cứu và điều trị kịp thời" - Bác sĩ Hóa phân tích.