New Year - New Me và những kế hoạch làm giàu trong năm mới: Mở quán cafe và nhất định mua nhà!

Vân Anh - Design: Anh Nhân, Theo Phụ nữ số 06:43 15/02/2024
Chia sẻ

Ngay trong những ngày đầu năm mới, có những người trẻ đã tính toán xong kế hoạch tài chính lớn lao cho những tháng kế tiếp.

New Year - New Me không chỉ là một trào lưu mà còn là mục tiêu của những người trẻ trong thời điểm đón năm mới. Trong thời điểm này, nhiều người đã dự tính có những thay đổi hoành tráng trong cuộc sống của họ. Đơn cử như hai bạn trẻ dưới đây, với nhiều dự định lớn lao như mua nhà và bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực mới, họ đã phải thay đổi cách dùng tiền nong, thời gian và các thói quen chi tiêu hàng ngày.

Dành 700 triệu đồng mở quán cafe ở quê

Đó là dự định lớn nhất trong năm Giáp Thìn của vợ chồng Thái Hà (31 tuổi, nhân viên trong lĩnh vực truyền thông). Trong số vốn 700 triệu đồng này, vợ chồng cô chuẩn bị 600 triệu đồng, còn lại là vay mượn từ bạn bè và người thân. Được biết, vốn dĩ vợ chồng Thái Hà có thể chuẩn bị đủ vốn cho lần “làm ăn” này tuy nhiên họ cần kinh phí để xoay vòng vốn cho cửa hàng khác ở Hà Nội.

Hiện, vợ chồng Thái Hà đã tìm thấy mặt bằng, với mức chi phí không lớn so với vị trí của chúng. Được biết, mặt bằng nằm ở trục đường giao thông và gần trường học, do đó họ kỳ vọng đây sẽ là yếu tố để quán kinh doanh tốt trong năm tới. Sau khi quán chính thức đi vào hoạt động, chồng của Thái Hà sẽ tạm dừng công việc chính để về kinh doanh quán cafe. Bởi tính chất công việc của anh không cố định và mức lương đang suy giảm.

New Year - New Me và những kế hoạch làm giàu trong năm mới: Mở quán cafe và nhất định mua nhà! - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Nói về triển vọng phát triển quán cafe ở quê là khu vực ngoại thành Hà Nội, Thái Hà gói gọn trong 2 yếu tố.

Thứ nhất là dù quê đã có nhiều quán cafe nhưng thiếu quán có trang trí đẹp và đồ uống hợp gu giới trẻ. Thứ hai, nhờ kỹ năng tích lũy trong thời gian làm việc ở ngành truyền thông và bán hàng ở thành phố lớn nên hiện vợ chồng Thái Hà đã có thể kiêm luôn cả công việc vận hành và làm marketing cho cửa hàng ở quê. Điều này không những giúp cô có thể tiết kiệm được một khoản chi phí nhân sự mà còn tự tin hơn trong quyết định kinh doanh của mình. Sau Tết Nguyên đán, cặp đôi dự tính sẽ mất 4 tháng cho khâu sửa chữa mặt bằng, thuê và đào tạo nhân viên cho quán cafe.

Vợ chồng Thái Hà dự tính, sau khi mở quán cafe, họ sẽ cần chắt bóp chi tiêu hơn vì đang điều hành 2 mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, do cặp đôi đều có nhu cầu tiêu dùng đơn giản và cùng hướng đến mục tiêu làm giàu để có khoản tích lũy đủ để nghỉ hưu sớm hoặc chuyển về quê sinh sống, do đó họ vẫn thấy thoải mái với những dự định tài chính trong thời gian tới.

Thái Hà chia sẻ: “Thời điểm mới cưới, lương của hai vợ chồng mình đều tương đương nhau. Vì vậy, mình thường quyết định là tiêu lương của vợ hoặc chồng cho chi phí sinh hoạt, tiết kiệm tiền lương của người còn lại. Sau này, khi thu nhập của chồng giảm đi, chúng mình giữ nguyên tắc lấy lương của chồng dùng cho sinh hoạt phí.

Vợ chồng mình đặt ra kế hoạch mua nhà, có công việc kinh doanh đầu tiên và công việc kinh doanh thứ hai ở cột mốc cụ thể. Thời gian xê dịch thực hiện mục tiêu so với kế hoạch chỉ cách nhau vài tháng. Có thể nói, chúng mình luôn cố gắng làm theo mục tiêu, từ đó biết cách thắt lưng buộc bụng, giảm tiêu dùng và không chi tiền vào các nhu cầu chưa cần thiết".

New Year - New Me và những kế hoạch làm giàu trong năm mới: Mở quán cafe và nhất định mua nhà! - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Tiết kiệm 15 triệu đồng/tháng để trả nợ mua căn nhà đầu tiên

Thành Đức (30 tuổi, nhân viên ngân hàng) dự tính dùng số tiền tích lũy sau 6 năm đi làm để mua căn hộ đầu tiên. Căn hộ rộng 60m2, là căn hộ cũ và thuộc dự án chung cư nằm ở quận Hà Đông (Hà Nội) có giá thành 2,2 tỷ đồng.

Đây là căn hộ mà Thành Đức đã nắm đến từ lâu và anh đã trả trước 50% giá trị bất động sản để “chốt đơn" trước khi năm mới Giáp Thìn đến. Số tiền còn thiếu, anh chàng nhận được hỗ trợ khoảng 20% giá trị căn hộ từ gia đình và vay mượn thêm từ ngân hàng.

Thời điểm mua nhà, Thành Đức đã tính toán kỹ về nhu cầu sử dụng, cũng như thu nhập hiện tại có đủ trả nợ hàng tháng cho tiền vay mua nhà hay không. Chỉ vào giữa năm ngoái, khi nhận thấy số tiền tiết kiệm để mua căn hộ vừa đủ và không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống, Thành Đức mới bắt đầu tìm hiểu dự án chung cư cần mua.

Từ khi mới ra trường, Thành Đức đã lên kế hoạch tiết kiệm tiền và quản lý chi tiêu để nhanh chóng mua được căn hộ đầu tiên. Từ 3 năm nay, anh chàng đã luôn phân chia thu nhập theo tỷ lệ 50 - 50. Trong số đó, anh dành 50% thu nhập cho việc tiết kiệm tiền để mua nhà. Số tiền còn lại, anh dành 40% cho việc ăn uống, 15% cho chi tiêu cá nhân, 15% cho sở thích cá nhân và 30% cho chi tiêu khác.

New Year - New Me và những kế hoạch làm giàu trong năm mới: Mở quán cafe và nhất định mua nhà! - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Để nhanh chóng hoàn thành trả nợ mua nhà, Thành Đức ước tính mỗi tháng anh cần tiết kiệm ít nhất 15 triệu đồng. Với mức lương 35-40 triệu đồng/tháng hiện tại, anh nghĩ việc trả nợ sẽ không quá khó khăn, miễn bản thân anh quản lý chi tiêu hợp lý.

Tương tự Thái Hà, Thành Đức ước tính câu chuyện quản lý tài chính sẽ có nhiều điều chỉnh sau khi mua nhà. Bằng cách gánh thêm những khoản nợ mới nhưng vẫn phải có khoản tích lũy để phòng ngừa rủi ro, anh buộc phải tìm cách gia tăng thu nhập, đồng thời cắt bỏ những khoản chi không cần thiết.

“Do đã mua được nhà nên mục tiêu tiếp theo của mình là trả nợ mua nhà mới. Trong thời gian tới, mình vẫn tuân thủ nguyên tắc chi tiêu của bản thân. Khi tiền về đầu tháng, mình sẽ trích ngay 50% thu nhập để cho vào tài khoản tiết kiệm, giờ là tài khoản trả nợ. Sau đó, mình sẽ thanh toán các chi phí sinh hoạt thiết yếu, còn dư bao nhiêu mới dùng cho sở thích cá nhân như mua sắm hoặc đi du lịch.

Bên cạnh đó, mình sẽ từ bỏ một thói quen là cứ căng thẳng sẽ giải tỏa bằng tiêu dùng, chẳng hạn đi du lịch hoặc đi ăn đâu đó. Sau khi mua nhà, chi tiêu cho khoản này phải cắt bỏ liền”, Thành Đức kể cách anh quản lý tài chính.

Sau cùng, Thành Đức cho hay việc mua được căn nhà đầu tiên trong năm vừa qua có ý nghĩa rất lớn với chàng trai. “Với mình, an cư lạc nghiệp thì tinh thần mới thoải mái để đi làm và có những dự định kinh doanh hay đầu tư khác. Khi tiền làm ra tiền và không cần mang gánh nặng trả nợ, mình không sợ rủi ro mà có thể ảnh hưởng đến chuyện nhà cửa nữa", Thành Đức tâm sự.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày