Cuốn tiểu thuyết Trung Quốc nổi tiếng Tường Lạc Đà kể về một chàng trai tên Tường Tử. Anh trẻ và khỏe mạnh, mơ ước có một chiếc xe kéo của riêng mình và sống một đời sung túc, hạnh phúc.
Để đạt được mục tiêu này, anh đã làm việc chăm chỉ từ sáng đến tối để kiếm tiền và không bao giờ dám lười biếng.
Nhưng sau nửa đời nỗ lực, anh vẫn không thay đổi được số phận. Cuối cùng, anh đầu hàng và chấp nhận thuận theo bánh xe cuộc đời.
Câu chuyện của Tường Tử chính là phản ánh vấn đề của nhiều người trẻ hiện nay. Họ đã làm việc chăm chỉ hàng chục năm nhưng cuối đời vừa bận rộn mà còn nghèo khó.
Đến khi nhắm mắt xuôi tay, Tường Tử vẫn tin rằng anh không thể sống một đời tốt đẹp vì không làm việc chăm chỉ với chiếc xe kéo của mình.
Thế nhưng anh không biết, chính suy nghĩ và tầm nhìn mới là thứ đã nhốt anh trong chiếc lồng của số phận.
Năm đó, Tường Tử trở thành người kéo xe thuê ở thành phố Bắc Kinh. Điều anh mong muốn nhất là có đủ tiền để mua được một chiếc xe kéo của riêng mình.
Vì vậy, anh dùng hết sạch tiền tiết kiệm để thuê một chiếc xe kéo, bắt đầu chạy đi làm thuê khắp các ngõ nhỏ ở thành phố. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày kéo xe, mắt cá chân của anh sưng to. Có những ngày chân Tường Tử đau đến mức không thể rời khỏi giường.
Khi kéo xe, Tường Tử cảm thấy bị cuộc đời quật ngã, quay cuồng từ ngày này qua khác. Dù đã rất nỗ lực nhưng Tường Tử vẫn thấy con đường kiếm tiền vô cùng khó khăn.
Đôi khi, anh đi cả ngày trời nhưng không gặp được bất kỳ một vị khách nào. Có những ngày anh kéo xe thuê đến đầm đìa mồ hôi.
Anh đã cố gắng hết sức nhưng tiền tiết kiệm vẫn quá ít ỏi. Dù anh đã làm việc chăm chỉ nhưng số tiền kiếm được chỉ đủ lo cuộc sống, chứ đừng nói đến mua một chiếc xe kéo.
Bạn thấy đấy, Tường Tử không thể kiếm được tiền vì anh ấy đã làm việc chăm chỉ, nhưng không hề suy nghĩ xem nỗ lực của mình đáng giá bao nhiêu.
Anh chỉ tập trung kéo xe mà không ngẩng đầu lên suy nghĩ xem phương hướng có đúng hay không.
Ở nơi tôi từng làm việc, có một đồng nghiệp làm việc rất chăm chỉ và siêng năng. Anh ấy chấp nhận làm cả những công việc tẻ nhạt mà sếp giao khi những người đồng nghiệp khác đều từ chối chúng.
Tuy nhiên điều kỳ lạ là đã mấy năm trôi qua, dù bên cạnh có nhiều người được tăng lương và thưởng chức, mức lương của anh vẫn không thay đổi.
Nhiều năm làm việc chăm chỉ chỉ khiến cơ thể của anh tệ hơn.
Cuối cùng, một ngày nọ, anh không nhịn được mà phàn nàn với sếp: “ Tôi luôn nghĩ chỉ cần mình làm việc chăm chỉ thì sẽ nhận được đãi ngộ tương ứng. Nhưng tại sao tôi vẫn nhận được mức lương thấp nhất dù đã rất nỗ lực?”.
Nghe xong, sếp trả lời đầy ẩn ý: “Công việc điền đơn và chuyển đồ hàng ngày của cậu là thứ mà ai cũng có thể thể làm được. Dù có làm thêm đến 12 giờ hàng ngày thì những công việc lặp đi lặp lại này sẽ không có mức lương cao".
Những lời của sếp dù gay gắt nhưng phản ánh thực tế.
Trong xã hội này, sự giàu có thực sự không thể chỉ kiếm được bằng nỗ lực mù quáng.
Vì vậy, nếu muốn giàu lên, bạn phải giải phóng bản thân khỏi công việc lao động tay chân vừa nặng nhọc vừa tẻ nhạt, suy nghĩ đa dạng về cách kiếm tiền.
Nhà kinh tế học Daniel Kahneman từng nói: “Hầu hết mọi người có thể làm những công việc lặp đi lặp lại, trở nên bận rộn vô tận trong thời gian dài. Nhưng phần khó khăn lại là suy nghĩ. Siêng năng là thứ vô nghĩa nếu bạn không có đầu óc sâu sắc".
Chỉ bằng cách liên tục cải thiện suy nghĩ của mình, chúng ta mới có thể thoát khỏi xiềng xích của nghèo đói và mở ra cơ hội làm lại cuộc đời.
Sau 3 năm làm việc chăm chỉ, Tường Tử cuối cùng đã tiết kiệm đủ tiền để mua được chiếc xe kéo của riêng mình. Nhưng không lâu sau, thực tế đã giáng cho anh một đòn nặng nề.
Trong thời kỳ đó, Bắc Kinh tràn ngập tin tức về nguy cơ chiến tranh, người dân vô cùng hoảng sợ. Người dân đồn rằng, đám lính bên ngoài thành đang bắt người và phương tiện di chuyển nên không ai dám ra ngoài đó.
Nhưng để kiếm thêm một chút tiền, Tường Tử mạo hiểm đánh xe ra bên ngoài.
Thật không may, trước khi anh kịp chở thêm một vài vị khách, anh đã bị một nhóm lính tịch thu chiếc xe một cách tàn nhẫn.
Trong những ngày bị giam cầm, Tương Tử đau buồn và tức giận. Anh lặp đi lặp lại câu hỏi: “Tại sao?”.
Anh luôn than phiền về mặt tối của xã hội nhưng chưa bao giờ suy ngẫm sâu sắc về vấn đề của bản thân. Khi sự cám dỗ của vài đồng tiền nhỏ đặt ra trước mắt, anh trở nên choáng váng và mất bình tĩnh.
Tường Tử nóng lòng muốn kiếm tiền, nhưng anh không thể phân biệt được nên hoặc không nên kiếm tiền ở đâu. Chính khoảnh khắc lòng tham trỗi dậy đã khiến bao năm tháng vất vả của Tường Tử bị lãng phí.
Sở dĩ nhiều người nghèo là bởi vị họ giống như Tường Tử. Họ bị mắc kẹt trước những khoản lợi nhuận nhỏ trước mắt, từ đó rơi vào cái bẫy của hiện thực khốc liệt.
Bạn có thể có được bao nhiêu của cải tùy thuộc vào tầm nhìn xa trông rộng của bạn. Khi làm việc gì cũng phải chú ý đến lợi ích lâu dài, đồng thời phân tích ưu nhược điểm từ góc độ tổng thể thì tài lộc mới kéo đến nhanh chóng và bền vững.
Sau khi Tường Tử rời khỏi doanh trại, anh lại rơi vào cảnh nghèo khó và chấp nhận bắt đầu lại từ đầu.
Một người chủ thấy Tường Tử là người lương thiện nên đề nghị cho anh ta vay tiền để mua một chiếc xe mới. Tuy nhiên Tường Tử không muốn trả lãi vay, nên nhất quyết từ chối.
Một vị khách tốt bụng khác cũng đề nghị giúp Tường Tử mở một chiếc sổ tiết kiệm ở ngân hàng. Lúc này, số tiền tích luỹ của anh vừa được an toàn, mà anh còn được hưởng chút lãi nhỏ. Thế nhưng Tường Tử không nghe. Anh tin rằng điều quan trọng nhất là cầm chặt tiền trong tay.
Không ngờ, một kẻ xấu đã phát hiện và tìm cách lừa hết được tài sản của Tường Tử chỉ sau một vài câu nói.
Sở dĩ nhiều người nghèo vì họ suy nghĩ một chiều.
Cũng giống như Tường Tử, họ cảm thấy rằng tất cả phương pháp đều không thực tế bằng việc sử dụng sức mạnh thể chất. Họ lầm tưởng rằng tất cả cách kiếm tiền mới đều không đáng tin cậy bằng cách cũ.
Họ mù quáng tin theo “sự thật" mà chính họ tự lập ra, chỉ nghĩ vấn đề theo cảm tính và góc nhìn thiển cận, cuối cùng từ bỏ khả năng thay đổi số mệnh.
Nhiều khi, không phải môi trường hay xuất phát điểm định hình cuộc đời con người mà chính là lối suy nghĩ cứng nhắc.
Nếu bạn không thể lắng nghe ý kiến của người khác và luôn cho rằng mình đúng thì sẽ khó thoát khỏi xiềng xích của nghèo đói.
Luôn có nhiều hơn một cách để kiếm tiền.
Chỉ bằng cách học cách lắng nghe tiếng nói của những người xung quanh và linh hoạt tìm hiểu các phương thức kiếm tiền, bạn mới có thể thực sự bước tới cánh cửa dẫn đến giàu có.
Cũng giống như Tường Tử, nhiều người đã nỗ lực hết sức nhưng không thể thay đổi được hiện trạng và cuối cùng thất bại. Nguyên nhân đằng sau là họ bị mắc kẹt bởi suy nghĩ của những người nghèo mà không hề nhận ra.
Nhà kinh tế học Abhijit Banerjee từng nói: “ Nghèo đói không chỉ là trạng thái vật chất mà còn là tâm lý và cách suy nghĩ”.
Chỉ bằng cách nhận ra những hạn chế trong suy nghĩ của bản thân và cam kết phá bỏ khuôn mẫu, bạn mới có thể thoát khỏi xiềng xích của nghèo đói và thực sự đạt được tự do tài chính.