Khi bị mỏi, không ít người có thói quen là bẻ khớp ngón tay của mình. Hành động này khiến bạn có cảm giác thoải mái, nhưng có người cho rằng, nếu làm vậy sẽ làm khớp tay trở nên to, thô, xấu hơn. Liệu điều này có chính xác?
Điều gì thực sự xảy ra khi bạn bẻ ngón tay
Chắc chắn những tiếng "rắc rắc", "khục khục"... là âm thanh mà bạn nghe thấy sau mỗi lần bẻ khớp.
Nguyên nhân được các nhà khoa học đưa ra nhằm lý giải cho âm thanh này liên quan đến lỗ trống giữa 2 khớp xương.
Hiểu đơn giản, điểm nối giữa 2 khớp xương bao gồm dây chằng, mô nang liên kết và bao phủ chúng là lượng dịch khớp dày.
Khi bẻ khớp, các mô liên kết trong ngón tay, chân tăng khối lượng, làm giảm áp lực trong khớp, dịch khớp dần biến thành những bong bóng trong lỗ trống.
Một khoảng đen xuất hiện khi bạn bẻ ngón tay
Cho đến khi áp lực xuống thấp nhất, các bong bóng này sẽ vỡ và phát ra âm thanh "khục khục" hay "rắc rắc".
Nhưng liệu bẻ khớp như vậy thì có hại không?
Nhiều người cho rằng, hành động này là nguyên nhân gây ra viêm khớp và thoái hóa… nhưng sự thật thì không phải thế.
Bác sĩ X quang - Robert D. Boutin và bác sĩ phẫu thuật Robert Szabo thuộc Trung tâm y tế Davis UC (Mỹ) đã thu thập dữ liệu của 40 đối tượng tham gia thử nghiệm.
Trong đó, 30 người có thói quen bẻ khớp ngón tay, 10 đối tượng còn lại không bao giờ thực hiện hành động này.
Kết quả là, không có dấu hiệu của việc rạn nứt hay viêm khớp nào. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc bẻ khớp thường xuyên cũng sẽ khiến mô nang liên kết xung quanh bị tổn thương. Hệ lụy kéo theo là làm giảm sức cầm nắm của bản thân người bẻ khớp.
Thay vào đó, mỗi khi mỏi bạn chỉ cần cử động khớp qua lại nhẹ nhàng đến góc độ tối đa của khớp mà vẫn chưa gây đau, chưa tạo ra tiếng lạo xạo là được.
Nguồn: Brightside, BBC