Không tính đến phô mai đóng gói mua ở siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi, nếu bạn có bao giờ sở hữu một khối phô mai tươi lấy thẳng từ nông trại, hoặc những loại cực kì "xịn" (và thường có giá "đắt xắt ra miếng"), thì tốt hơn hết là bạn không nên làm những điều sau kẻo ảnh hưởng đến hương vị và giá trị của nó, gây uổng phí.
Phô mai "xịn" cũng cần phải bảo quản theo những cách "xịn" không kém.
Như nhiều thực phẩm lên men khác, phô mai đang "sống" (do chứa nhiều men sống), và cái gì sống thì cũng cần "thở". Bọc phô mai bằng nhựa sẽ khiến cho nguồn dưỡng khí bị cắt bỏ, đồng thời ngăn chặn sự thoát ẩm, khiến phô mai trở nên "nhầy nhụa (slimy)" và là môi trường lý tưởng để phát sinh mốc (phô mai mốc lại là một trường hợp đặc biệt khác, ngoài những loại phô mai mốc được xem là an toàn, thì các loại mốc phát sinh do bảo quản sai cách đều không ăn được).
Nhiều người sành ăn phô mai xem đây là... "tội ác".
Trang Michelin Guide đã nói rằng những nhà cung cấp phô mai danh tiếng không bao giờ dùng túi nhựa, mà có dụng cụ đựng phô mai đặc biệt. Song, bạn vẫn có thể thay thế nó bằng giấy nến (wax paper).
Đừng mua cả bánh nếu bạn không có ý định ăn hết trong thời gian ngắn.
Có một sự thật là phô mai "xịn" khá khó để tìm mua, nên đôi khi ta sẽ có thói quen mua thật nhiều trong một lần. Điều này là hoàn toàn không nên. Điều này đã được lặp đi lặp lại từ các trang ẩm thực lớn như Michelin đến các trang nhỏ hơn như Thrillist, rằng bạn sẽ không bao giờ ăn hết cả tảng phô mai lớn trong một thời gian ngắn, và kết quả là thường là lãng phí. Bởi vì phô mai thường "mất giá" ngay khi chúng được cắt khỏi "bánh xe (wheel)", và mất hương vị nhanh hơn nữa khi được cắt thành miếng nhỏ. Mua ít phô mai không những giúp tiết kiệm tiền mà còn chống lãng phí phô mai ngon. Bạn luôn nên mua đủ phần mà mình dự định ăn, chứ không nên "để dành".
Chỉ nên bào ngay khi ăn.
Hình ảnh những sợi phô mai mỏng tan chảy trên các món ăn nóng thật hấp dẫn đúng không? Đúng là thế, nhưng nếu bạn đến những nhà hàng "chất" một chút, thì hầu như sẽ luôn thấy rằng các đầu bếp chỉ bào phô mai trước khi phục vụ chứ hiếm ai bào sẵn. Cũng giống với lý do không nên mua nhiều phô mai, là nó sẽ mất vị rất nhanh nếu bào, cắt nhỏ. Thay vào đó, hãy bào chỉ khi nào mình cần ăn.
Mặt khác, trong trường hợp bạn muốn ăn ngay thì việc bào phô mai là chuyện nên làm, bởi nó có thể làm tăng vị cho ngay cả những món phô mai công nghiệp được bọc nhựa. Trang Michelin cho rằng bào mỏng rồi nếm thử từ từ cũng là một cách để giảm bớt mùi nhựa.
Dùng dao đúng cũng là cách bảo quản phô mai cần biết.
Nếu bạn đang sở hữu nhiều loại phô mai, và bạn quyết định ăn chúng cùng một lúc thì tốt nhất là dùng một loại dao cho mỗi loại khác nhau. Không có nhiều thông tin cho thấy chúng ảnh hưởng đến việc bảo quản, nhưng việc "nhập nhằng" như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến hương vị phô mai. Nếu bạn sử dụng cùng một con dao cho hai loại thì phô mai sữa dê thượng hạng sẽ dần dần có vị giống như phô mai Stilton và ngược lại.
Điều này đặc biệt áp dụng cho các loại phô mai tươi như feta và mozzarella. Nếu để phô mai trong ngăn đá thì các phần nước trong phô mai sẽ bị đông lại, và phá huỷ cấu trúc protein cũng như kết cấu tự nhiên. Mặt khác, bạn có thể để lạnh một số loại phô mai cứng và lên men lâu như Parmigiano, tuy nhiên hãy nhớ là bọc chúng cẩn thận bằng giấy nến.
Có người mê phô mai đến mức "tậu" hẳn một ngăn riêng cho phô mai trong tủ lạnh.
Trang Michelin Guide cũng cho rằng nên đặt phô mai ở nơi "ấm nhất" trong tủ lạnh, với nhiệt độ lý tưởng từ 5 - 8 độ C. Lạnh hơn thế thì chất lượng phô mai sẽ giảm đáng kể. Trang này cũng gợi ý là bạn có thể để phô mai ở ngăn rau củ. Thậm chí, ai quá cuồng phô mai có thể nghiêm túc suy xét việc "tậu" riêng một ngăn bảo quản đặc biệt cho "gia tài" phô mai của bạn.