Nên bỏ hay giữ lại ban đại diện cha mẹ học sinh?

Vũ Hường, Theo VOV 11:36 16/10/2022
Chia sẻ

Nhiều câu chuyện lạm thu đầu năm học liên quan đến Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhiều câu hỏi đặt ra là nên bỏ hay giữ lại ban đại diện.

Quan trọng sự minh bạch

Anh Hoàng Tuấn (ở TP.Thủ Đức) có 2 con đang học cấp 1 và cấp 2 cho biết, nhiều năm làm phụ huynh, chưa có năm nào các lớp của con anh xảy ra tình trạng lạm thu quỹ hội cha mẹ học sinh. Bởi, các khoản thu đều rõ ràng ngay từ đầu năm học. Các khoản đóng góp đều được sự đồng thuận và nhất trí của toàn phụ huynh thì mới triển khai và cuối năm đều có thông báo thu chi rõ ràng.

Anh Tuấn cho rằng, chính sự minh bạch làm cho các phụ huynh yên tâm hơn vì biết rằng những khoản thu đó dùng đúng mục đích. Bên cạnh đó, chính ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp cũng là cầu nối quan trọng giữa nhà trường và học sinh. Đơn cử như ban đại diện cha mẹ học sinh ở lớp con trai lớn của anh đang theo học hoạt động rất tích cực và có những đóng góp rất ý nghĩa.

Nên bỏ hay giữ lại ban đại diện cha mẹ học sinh? - Ảnh 1.

Phụ huynh đưa con đến trường ngày khai giảng.

"Nếu phụ huynh nào gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không thể theo thì sẵn sàng hội cha mẹ và các cha mẹ học sinh khác sẵn sàng góp tiền thay cho phụ huynh đó và không những thế còn góp tiền hỗ trợ phụ huynh đó cho con được theo học. Theo mình nghĩ nên giữ (hội cha mẹ học sinh) và làm sao để cho linh hoạt và phù hợp" - Anh Tuấn kể.

Còn anh Nguyễn Văn Khoa, ở quận Tân Phú cho biết, con anh mới học mẫu giáo, nhưng những lần đi họp phụ huynh với anh như là một “cực hình” vì ngoài khoản tiền học bán trú hằng tháng, tại cuộc họp lại phát sinh thêm những khoản như: Tiền chuẩn bị quà cho cô giáo nhân ngày 20/11, tiền tổ chức sinh nhật cho các con,… Cộng lại các khoản này, mỗi lần nộp cũng lên tới cả triệu. Tuy nhiên, với các phụ huynh khi nghe thông báo đóng tiền từ ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, hầu hết ai cũng nhất trí nên anh Khoa cũng đành đóng cho qua. Anh Khoa mong muốn nên bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh đang tồn tại ở các lớp học hiện nay.

"Tôi nghĩ nên bỏ vấn đề hội cha mẹ học sinh đi vì học hành của con mình đã đóng phí hàng tháng rồi, còn chuyện phí hội cha mẹ học sinh nên bỏ đi vì mỗi lần đi họp tôi ngại lắm, vì thế nào lát xong cuộc họp là phải đóng” - anh Nguyễn Văn Khoa cho biết.

Kỷ luật hiệu trưởng nếu để lạm thu từ ban đại diện

Theo ông Trần Trung Mậu, Phó Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức TP.HCM, việc tồn tại ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết nhưng một số ban phụ huynh hiện nay đang vượt quá vai trò của mình dẫn đến có hiện tượng lạm thu dưới hình thức xã hội hóa đầu năm học. Xã hội hóa là một trong những chủ trương tốt của ngành giáo dục nhưng cần phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề thu chi này. Đồng thời, ngành giáo dục cần nghiêm khắc kỉ luật những hiệu trưởng để xảy ra tình trạng lạm thu vì những vấn đề đó “không bao giờ qua mặt được hiệu trưởng”. Các ban đại diện cha mẹ học sinh là cầu nối giữa nhà trường, phụ huynh học sinh, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn.

"Hội phụ huynh muốn hoạt động hiệu quả thì có những ban đại diện tích cực có thời giờ làm việc cụ thể với trường, theo dõi tình hình học tập của học sinh. Cần thiết thì tổ chức vận động một số ít quỹ để hỗ trợ, bồi dưỡng những học sinh yếu, khó khăn, nhưng nhẹ nhàng, vừa phải" - ông Mậu nói.

Ban đại diện cha mẹ học sinh đã được quy định trong Luật Giáo dục, được quy định hoạt động bởi Thông tư 55/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, chú trọng đến các hoạt động giáo dục, kết nối thay vì liên quan đến tài chính, thu chi. Để ban đại diện phụ huynh hoạt động thực sự hiệu quả còn cần đến cả những phụ huynh dám lên tiếng về những nội quy, quy định sai trái núp bóng dưới mác “Ban đại diện cha mẹ học sinh”, từ đó mới xây dựng được một môi trường văn minh trong trường học.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày