Này những chàng trai áo đỏ, các bạn có thể trở thành “chiến binh tuyết trắng” một lần nữa, được không?

HIẾU LƯƠNG (TỪ UAE), Theo Trí Thức Trẻ 12:50 16/01/2019
Chia sẻ

Việt Nam không có nhiều tuyết nhưng chính tuyết trắng trở thành chứng nhân lịch sử cho vinh quang của bóng đá Việt Nam ở một giải đấu tầm cỡ châu lục. Một năm sau, trước một thời khắc lịch sử nữa ở châu Á, thứ tinh thần của những “chiến binh trong tuyết” liệu có được lặp lại?

Tháng 1/2018, U23 Việt Nam tạo nên những lớp sóng địa chấn ở lục địa Á châu. VCK U23 châu Á khi ấy trở thành sàn diễn để Quang Hải và các đồng đội tạo nên hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từ cái lạnh, họ bước ra sân đấu trắng xoá tuyết ở Thường Châu (Trung Quốc), đá trận chung kết châu Á đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam và hoá thân thành những "chiến binh tuyết trắng".

Giải đấu ấy len lỏi trong tâm trí người dân Việt Nam xuyên suốt năm 2018. Đó là những ngày tháng 1 đẹp nhất trong vài năm trở lại đây. Đó là những ngày niềm tự hào, tinh thần dân tộc được đẩy lên cao nhất. Điều đọng lại không chỉ có chiếc HCB lịch sử mà thứ tinh thần chiến binh mới tạo nên những khoảnh khắc đẹp như những thước phim.

Này những chàng trai áo đỏ, các bạn có thể trở thành “chiến binh tuyết trắng” một lần nữa, được không? - Ảnh 1.

Không có đội bóng nào chiến thắng mãi mãi, không có niềm vui nào kéo dài vĩnh cửu. Đội tuyển Việt Nam phải học cách đứng lên từ thất bại sau khi đã sống với hương vị chiến thắng suốt 1 năm qua. Ảnh: Hiếu Lương.

Một năm sau, bóng đá Việt Nam lại đặt chân tới đấu trường châu Á nhưng giải đấu này khắc nghiệt hơn nhiều, tầm cỡ hơn nhiều, chỉ có niềm vui là không tồn tại mãi mãi.

Từ những người hùng U23, Olympic, từ những nhà vô địch Đông Nam Á, đội tuyển Việt Nam gục ngã hai lần. Chuỗi 17 trận bất bại liên tiếp dừng lại. Hai ông lớn của bóng đá châu Á mang tên Iraq, Iran dạy cho Việt Nam bài học về đẳng cấp, kéo chúng ta trở lại mặt đất và hiểu được vị thế của bản thân tại châu lục lớn nhất thế giới.

Suốt 1 năm qua, các tuyển thủ Việt Nam mà phần lớn là những cái tên thuộc đội tuyển U23 lịch sử đã chinh chiến liên tục qua các giải đấu, từ cấp CLB đến đội tuyển, từ trong nước đến quốc tế. Quang Hải đá tới 60 trận năm 2018, trung bình cứ 6 ngày/trận và trở thành con số tiêu biểu đại diện cho sự ngấp nghé giữa lằn ranh của sự quá tải.

Văn Thanh, Xuân Mạnh, Đình Trọng lần lượt chấn thương với thời gian rời xa sân cỏ tính theo tháng. Người mất cả AFF Cup 2018 lẫn Asian Cup 2019. Người vẫn có chức vô địch nhưng giải đấu lớn nhất lại không thể chiến đấu cùng đồng đội.

Sự khắc nghiệt của thể thao tạo nên những câu chuyện buồn và trong những ngày cận kề Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi, niềm thương dành cho những tuyển thủ Việt Nam lại càng chất chứa. Nhiều người chấp nhận những kịch bản tồi tệ nhất ở trận đấu quyết định cơ hội đi tiếp với đội tuyển Yemen sắp sửa diễn ra, để các chàng trai "có thêm những ngày được nghỉ ngơi trọn vẹn".

Này những chàng trai áo đỏ, các bạn có thể trở thành “chiến binh tuyết trắng” một lần nữa, được không? - Ảnh 2.

Đã có lúc các tuyển thủ Việt Nam gục ngã vì thất bại... Ảnh: Hiếu Lương.

Này những chàng trai áo đỏ, các bạn có thể trở thành “chiến binh tuyết trắng” một lần nữa, được không? - Ảnh 3.

Nhưng chiến thắng chỉ gọi tên những ai biết đứng dậy và chiến đấu. Ảnh: Hiếu Lương.

Những suy nghĩ ấy có thật và chính những người này sẽ đứng lên đầu tiên bảo vệ các cầu thủ nếu đội tuyển thật sự rơi vào kịch bản bị loại từ vòng bảng Asian Cup 2019. Thế nhưng, hôm nay không có chỗ cho sự yếu lòng. Hôm nay phải là những giây phút triệu hồi thứ tinh thần của những "chiến binh tuyết trắng" ở Thường Châu cách đây 1 năm và sự thật, tinh thần ấy vẫn đang cháy trong các cầu thủ ở Asian Cup 2019.

Yemen không phải "gã khổng lồ" như Iran, không có đẳng cấp cao như Iraq mà chẳng phải chính hai đối thủ này đã từng ngợi khen về tinh thần và chuyên môn của cầu thủ Việt Nam hay sao. Việt Nam khiến Iraq mướt mát mồ hôi mới có thể thắng ở phút cuối, chỉ chịu thua một Iran nằm trong top 30 thế giới đúng 2 bàn. Yemen thì khác.

Asian Cup 2019 là giải bóng đá châu Á thứ hai đội tuyển Việt Nam từng góp mặt. Với Yemen, đây là lần đầu tiên. Họ nằm ở nhóm hạt giống thấp hơn cả Việt Nam trong lễ bốc thăm và không phải một đất nước có quá khứ bóng đá hùng mạnh.

Yemen không phải đội bóng mạnh, là đối thủ vừa tầm và chiến thắng không phải nhiệm vụ bất khả thi với thầy trò HLV Park Hang-seo. Ảnh: Hiếu Lương.

Trong khi V.League vẫn bị kêu ca hàng ngày thì với Yemen, có một giải VĐQG cỡ đấy thôi cũng là điều họ hằng ao ước. Chính trị, an ninh bất ổn ở quốc gia này dẫn tới quá nhiều hệ luỵ cho những lĩnh vực khác, trong đó có thể thao.

Yemen là đối thủ mạnh nhưng không phải thử thách quá lớn, là vật cản mà thầy trò HLV Park Hang-seo có thể đánh bại trong trận đấu diễn ra tại Hazza Bin Zayed vào tối nay (16/1) và cũng chỉ có chiến thắng mới đưa đội tuyển Việt Nam lách qua khe cửa hẹp để chờ đợi một suất vào vòng đấu kế tiếp.

Mục tiêu ấy được đặt ra trước giải. Mục tiêu ấy giữ cho những tuyển thủ Việt Nam là bại tướng ở hai trận đầu tiên vẫn tràn trề niềm tin và khao khát ở trận đấu quyết định này. Không có chỗ cho sự yếu lòng, vượt qua nghịch cảnh chính là vượt qua chính mình để khi đặt chân vào vòng sau để niềm mộng mơ lại được dịp trỗi dậy và biết đâu đội tuyển Việt Nam sẽ không chỉ dừng chân ở vòng 1/16.

Này những chàng trai áo đỏ, các bạn có thể trở thành “chiến binh tuyết trắng” một lần nữa, được không? - Ảnh 5.

Lịch thi đấu đội tuyển Việt Nam - đội tuyển Yemen (16/1). Ảnh: Giang Nguyễn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày