NASA khai tử tàu thăm dò Opportunity: kết thúc sứ mệnh oai hùng của WALL-E đời thực, vượt chỉ tiêu tới 14 năm

Dink, Theo Trí thức trẻ 14:00 14/02/2019
Chia sẻ

Yên nghỉ nhé - Opportunity - chú robot cô đơn trên sao Hỏa!

Opportunity, con robot "thọ" nhất từng đặt chân lên hành tinh khác, đã làm việc cật lực suốt 14 năm trên Sao Hỏa, chụp lại những tấm ảnh chân thực, cố gắng tìm hiểu về quá khứ Hành tinh Đỏ. Thế nhưng cuộc vui nào cũng có hồi kết: NASA vừa công bố sứ mệnh Sao Hỏa của con tàu thăm dò đã kết thúc, Opportunity chính thức "qua đời".

"Đó chính là lý do tôi đứng đây, cảm kích một cách sâu sắc để thông báo rằng, Opportunity đã hoàn thành sứ mệnh", ông Thomas Zurbuchen, Quản lý Ban sứ mệnh khoa học của NASA phát biểu trước báo giới.

NASA khai tử tàu thăm dò Opportunity: kết thúc sứ mệnh oai hùng của WALL-E đời thực, vượt chỉ tiêu tới 14 năm - Ảnh 1.

Tàu thăm dò có kích cỡ của một chiếc xe golf được thiết kế để vận hành trong 3 tháng, thế nhưng nó đã chứng tỏ bản lĩnh và sống đúng với cái tên "Opportunity – Cơ hội" của mình: nó đã vận hành suốt 14 năm. Opportunity đi được tổng cộng 42,65 km, vượt xa mốc 800 mét nhà khoa học mong đợi.

Trong quá trình Opportunity vận hành, nó cung cấp một loạt hình ảnh cận cảnh Sao Hỏa, những thứ chưa nhà khoa học nào tận mắt nhìn thấy: những lớp đất đá lưu giữ lại hóa thạch của gợn sóng, đó chính là dấu hiệu Sao Hỏa đã có thể có nước – đã có thể có sự sống từ hàng tỷ năm trước.

Những hình ảnh từ Opportunity và người anh em sinh đôi của mình, tàu thăm dò Spirit (phóng trước 3 tuần, dừng hoạt động năm 2011) đã cho "người Trái Đất" chúng ta thân thuộc hơn với Sao Hỏa. Cả hai tàu đều có khoảng thời gian vận hành vượt mục tiêu đề ra, đồng nghĩa với việc NASA đã liên tục có mặt trên Sao Hỏa trong phần lớn thời gian của thế kỷ 21.

NASA khai tử tàu thăm dò Opportunity: kết thúc sứ mệnh oai hùng của WALL-E đời thực, vượt chỉ tiêu tới 14 năm - Ảnh 2.

Biểu tượng của sứ mệnh phóng Spirit.

NASA khai tử tàu thăm dò Opportunity: kết thúc sứ mệnh oai hùng của WALL-E đời thực, vượt chỉ tiêu tới 14 năm - Ảnh 3.

Biểu tượng của sứ mệnh phóng Opportunity .

Và họ chưa có ý định dừng lại, Curiosity được phóng lên năm 2012 với trang thiết bị hiện đại hơn, còn có cả trang Twitter riêng để thỉnh thoảng gửi ảnh Sao Hỏa về cho dân mạng xem. NASA đang dự định phóng thêm một tàu thăm dò nữa vào năm 2020.

Tối hôm thứ Ba, NASA bắt liên lạc lần cuối với Opportunity – nó đã lặng thinh từ cơn bão bụi khổng lồ mùa hè năm ngoái. Tàu thăm dò đã không gửi về nhà tín hiệu nào từ tháng Sáu. Vì cơn bão bụi lớn đã ảnh hưởng tới hệ thống pin Mặt Trời có trên tàu, Opportunity đã không thể hấp thụ đủ năng lượng Mặt Trời để giữ cho mình "tỉnh táo".

Các nhà khoa học đã hi vọng khi bão tan, pin năng lượng Mặt Trời sẽ hồi phục, Opportunity sẽ tiếp tục sứ mệnh. NASA tuyên bố sẽ chỉ cố gắng bắt liên lạc với Opportunitytrong một tháng.

"Có một vài người sẵn sàng cho tàu nghỉ hưu, nhưng có vô vàn người khác bất đồng", cô Tanay Harrison, người đã có mặt lúc NASA cố gắng bắt liên lạc lần cuối cùng với Opportunity, nói. "Chúng tôi nghĩ rằng ta phải cho Opportunity một cơ hội". Nhưng điều không may đã xảy ra, Opportunity không bao giờ tỉnh dậy nữa.

Nhiều khả năng các tấm pin Mặt Trời bị lớp bụi dày che phủ, có thể thiết bị điện tử trên tàu thăm dò đã hư hại khi gặp bão. Không thể xác định lý do nếu không có bàn tay phi hành gia xem xét.

NASA khai tử tàu thăm dò Opportunity: kết thúc sứ mệnh oai hùng của WALL-E đời thực, vượt chỉ tiêu tới 14 năm - Ảnh 4.

Oppoturnity "selfie" năm 2014.

Lịch sử oai hùng của "anh em sinh đôi" Spirit và Opportunity

Opportunity đáp xuống Sao Hỏa vào ngày 24 tháng Giêng năm 2004, 3 tuần sau khi Spirit đặt chân xuống phía đối diện.

Ngay trước cặp song sinh này, hai dự án đáp xuống Sao Hỏa gần nhất của NASA diễn ra năm 1999, đều thất bại thảm hại do sai số trong đo đạc cùng nhiều lý do khác. Họ đang cố gắng tìm lại vinh quang của cuộc đua Vũ trụ xưa kia. Tính từ thời điểm 1999, năm 2003 sẽ là năm Trái Đất gần Sao Hỏa nhất, phù hợp cho việc phóng tàu vũ trụ lên Hành tinh Đỏ.

Giữa năm 2000, NASA chấp thuận dự án tàu mới. Việc các nhà khoa học phải làm là tạo ra một con tàu đủ chức năng, dùng cho sứ mệnh 2003 và tránh thảm cảnh 1999 lặp lại.

Họ đã phóng và cho cả hai tàu đáp đất thành công. Thế nhưng khoa học tên lửa khó nhằn lắm.

NASA khai tử tàu thăm dò Opportunity: kết thúc sứ mệnh oai hùng của WALL-E đời thực, vượt chỉ tiêu tới 14 năm - Ảnh 5.

Tàu thăm dò Spirit.

Ba ngày trước khi Opportunity hạ cánh, NASA náo loạn với những trục trặc không thể lường trước. Dù Spirit đã đáp đất thành công trước đó, nhưng nó đã dừng liên lạc với ban chỉ huy mặt đất. Các kỹ sư hàng đầu bắt tay vào tìm hiểu vấn đề, lo sợ Opportunity cũng sẽ gặp trục trặc tương tự.

May mắn thay, họ tìm ra được lỗi, đưa Spirit về trạng thái ổn định. May mắn hơn, Opportunity hạ cánh vào một địa điểm khó có thể tuyệt vời hơn: một hố thiên thạch nhỏ có một lớp đất đá rất đáng tò mò. Đúng là chuột sa chĩnh gạo mà.

Lớp đất đá được cấu thành từ trầm tích tạo thành trong nước, có niên đại hàng tỷ năm tuổi. Nước khu vực này có độ mặn cực cao và có tính acid.

"Thực tế, chúng tôi đã đưa ra nhận định về sự tồn tại của acid sulfuric trên bề mặt Sao Hỏa", nhà thiên văn học Steven W. Squyres nhớ lại. "Đúng là bề mặt Sao Hỏa có thể duy trì sự sống, nhưng đây cũng chẳng phải thiên đường tiến hóa cho bất kỳ sinh vật nào".

Opportunity tiếp tục khám phá những hố thiên thạch khác, tìm ra được thêm bằng chứng về việc Sao Hỏa đã từng có nước. Thậm chí còn ra cả bằng chứng nước trên Sao Hỏa uống được. Rất có thể vi khuẩn đã một thời sống trên Hành tinh Đỏ, nhưng đáng buồn là Opportunity không đủ hiện đại để phân tích dấu hiệu sự sống.

Đáng tiếc là vậy, nhưng các bằng chứng Opportunity đưa về vẫn rất rõ ràng, đủ để có nhận định ban đầu: Sao Hỏa là một hành tinh đã từng hỗ trợ được sự sống, nhưng qua thời gian, sao các vụ phun trào núi lửa, nước trên Sao Hỏa đã có thêm tính acid và toàn bộ hành tinh trở nên khô cằn.

5.498 ngày yêu

Thời điểm đầu, các nhà khoa học cố gắng tận dụng mọi giây phút cặp tàu thăm dò có trên Sao Hỏa: họ lo lắng hai tàu sẽ sớm dừng hoạt động. Theo dự đoán, bụi Sao Hỏa sẽ ứ đọng trên bề mặt pin Mặt Trời, hai tàu sẽ "chết" vì thiếu năng lượng. Thật khó ngờ tới, gió trên Sao Hỏa vừa mang bụi đến, lại vừa thổi bụi đi, cho phép Spirit và Opportunity duy trì hoạt động. Cũng phải kể đến công nghệ mới thời bấy giờ, pin Lithium-ion đã cho phép việc lưu trữ năng lượng hiệu quả hơn nhiều lần.

"Cặp tàu thăm dò sở hữu những cục pin tốt nhất Hệ Mặt Trời", giám đốc dự án John L. Callas nói. "Chúng ta ai cũng sẽ muốn điện thoại của mình có được thứ pin này".

Năm nào NASA cũng tổ chức cá cược xem cặp tàu có sống sót được thêm một năm nữa không. Ông Richard Cook, một trong những thành viên chủ chốt của dự án tàu thăm dò Sao Hỏa, không mấy lạc quan. "Suốt 5 năm đầu, năm nào tôi cũng cược và mất 20 USD, riết rồi tôi không cá độ nữa".

Năm 2009, Spirit rơi vào một hố cát và không thể leo ra được. Nó dừng liên lạc với trạm điều khiển mặt đất hồi tháng Ba năm 2010.

NASA khai tử tàu thăm dò Opportunity: kết thúc sứ mệnh oai hùng của WALL-E đời thực, vượt chỉ tiêu tới 14 năm - Ảnh 6.

Các nhà khoa học tái tạo lại mô hình Spirit bị mắc kẹt trong cát.

Opportunity tiếp tục sứ mệnh, căng chân chạy nhảy trên bề mặt Sao Hỏa. Kế hoạch ban đầu của nó là 90 sols (ngày Sao Hỏa, dài hơn ngày Trái Đất 40 phút), nó đã vận hành được tổng cộng 5.352 sols – 5498 ngày kể từ khi hạ cánh tới lúc tuyên bố kế thúc sứ mệnh.

Spirit và Opportunity đã gắn bó với cả một thế hệ các nhà khoa học trẻ, có những người mới chỉ học trung học, đại học khi được tham gia một phần nhỏ trong sứ mệnh Vũ trụ. Để rồi hơn một thập kỷ sau, họ vẫn tiếp tục gắn bó với sứ mệnh của Spirit và Opportunity cho tới khi tàu thăm dò "trút hơi thở cuối cùng".

Chắc chắn thời điểm tuyên bố dừng sứ mệnh đã tràn đầy cảm xúc.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày