(Bài viết có tiết lộ nội dung phim)
Đối với các nhà làm phim, việc chuyển thể thành công một sản phẩm văn học (hoặc truyện tranh) lên màn ảnh rộng luôn được coi là thử thách cực kì khó nhằn. Thay vì hàng trăm trang sách dày cộm, người đạo diễn lẫn biên kịch cần truyền tải tới khán giả những gì đặc sắc nhất nơi nguyên tác chỉ qua vài giờ đồng hồ ngắn ngủi ngồi trong rạp. Đó là chưa kể đến chuyện, đứa con điện ảnh này vừa phải khiến các fan ruột cảm thấy hài lòng, vừa dễ hiểu, "đại chúng" để những ai chưa từng biết qua nguyên tác cũng có thể dễ dàng thưởng thức.
Hồi tháng 4 năm nay, Inuyashiki (tựa Việt: Ông Bác Siêu Nhân), bộ phim chuyển thể từ loạt manga nổi tiếng cùng tên của Hiroya Oku vừa tạo nên cơn sốt ở chính quê nhà Nhật Bản. Được đánh giá là tác phẩm live action hiếm hoi thành công trong thời gian gần đây, bài viết sẽ phân tích các thay đổi táo bạo mà biên kịch gia Hiroshi Hashimoto đã mạnh dạn thực hiện dựa trên bộ truyện gốc.
Mang màu sắc khoa học viễn tưởng, Inuyashiki xoay quanh hai nhân vật chính là ông lão Ichiro Inuyashiki (Noritake Kinashi) và cậu học sinh cấp 3 Hiro Shishigami (Sato Takeru). Không quen biết gì nhau trước đó, vào đêm mát trời nọ, cả hai cùng tình cờ đi dạo tại công viên thì bất ngờ chứng kiến một con tàu vũ trụ đâm sầm xuống ngay chỗ họ đứng. Tỉnh dậy lúc trời sáng, Ichiro nhận ra ông vẫn hoàn toàn lành lặn sau vụ tai nạn bí ẩn trên.
Thế nhưng, khi trở về nhà, Ichiro phát hiện bên trong cơ thể mình đã bị biến đổi thành một cỗ máy, giúp ông sở hữu nhiều sức mạnh phi thường. Sử dụng món quà được "ban tặng", Ichiro bắt đầu dấn thân hành hiệp trượng nghĩa, chữa bệnh cứu người. Trái ngược với ông, thanh niên Hiro lại quyết định dùng nó để trấn áp, tiêu diệt bất cứ kẻ nào dám làm trái ý cậu ta.
Theo nguyên tác manga, lý do sâu xa thúc đẩy Ichiro và Hiro thực hiện chuỗi hành động trên bắt nguồn từ khao khát đánh thức lại "phần người", hay dễ hiểu hơn là khả năng nhận thức được mình vẫn sống trên cõi đời này, dù bản thân đã biến thành thứ máy móc không có trái tim. Nhờ những lần giành giật tính mạng bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần, việc ngắm nhìn niềm hạnh phúc trào dâng nơi họ giúp Ichiro biết rằng, ông vẫn chưa hề đánh mất lương tâm. Trong khi đó, Hiro lại tìm thấy cảm giác ấy thông qua hành vi giết chóc, ngấu nghiến cơn hoảng loạn tột cùng ở các nạn nhân mà mình sắp sửa tước đoạt đi mạng sống.
Sang phiên bản điện ảnh, Hiroshi Hashimoto đã khéo léo thay thế nó bằng một nỗi sợ gần gũi, nhân văn hơn nhưng cũng đầy ám ảnh chẳng kém: sự vô dụng. Với Ichiro, thời gian tựa như liều thuốc độc đang bào mòn sức khỏe ông mỗi ngày. Bước vào cái độ tuổi cận kề 60, Ichiro trong mắt vợ con là lão già lọm khọm nhàm chán, là gã nhân viên chậm chạp luôn thua kém lũ đồng nghiệp trẻ tuổi tại cơ quan. Bị hết thảy mọi người hắt hủi, phần đời còn lại của Ichiro tưởng chừng đã mãi đắm chìm trong nỗi cô đơn và tuyệt vọng, đến độ, lúc ông gọi điện cho người thân để báo tin mình mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, thì chẳng một ai thèm đoái hoài nhấc máy.
Khác hẳn ông già đáng thương kia, Hiro là chàng thanh niên sức dài vai rộng, tương lai sáng sủa. Tuy nhiên, hàng ngày, cậu phải lặng lẽ chứng kiến mẹ mình nai lưng ra làm lụng vất vả, trong khi bố cậu lại đang tha hồ tận hưởng cuộc sống xa hoa bên gia đình mới; đứa bạn nối khố Ando (Kanata Hongo) thì bị đám côn đồ bắt nạt đến nỗi quá sợ hãi mà không dám mò lên lớp học. Hiro thực sự cảm thấy bế tắc vì không thể tìm được giải pháp nào để bù đắp, chở che cho những người cậu hết mực yêu thương. Dẫu mỗi nhà mỗi cảnh, Hiro lẫn Ichiro đều giống nhau ở chỗ: họ muốn mình trở nên mạnh mẽ hơn, có ích hơn.
Lúc phép màu đột ngột xảy ra, dù cả hai đều tự giải quyết vấn đề theo cách thức riêng, nhưng chúng rất phù hợp với tâm lí nhân vật. Từng nếm trải mùi đời, Ichiro đã thấu hiểu bài học đắt giá về sự buông bỏ. Ông không hề oán trách vợ con hay bất cứ ai. Thay vào đó, Ichiro tìm kiếm niềm vui cho bản thân bằng việc âm thầm giúp đỡ mọi người xung quanh. Trái lại, tính tình hiếu thắng và bồng bột thời trai trẻ khiến Hiro nhất mực tin rằng, nếu kẻ xấu không bị trừng trị thích đáng, thì chúng sẽ tiếp tục làm người thân của cậu phải gánh chịu nhiều đau thương, thiệt thòi.
Nhằm chuyển thể bộ manga sở hữu hàng loạt tình tiết gay cấn như Inuyashiki, Hiroshi Hashimoto đã thẳng tay loại bỏ những gì mà ông cảm thấy không thực sự cần thiết, đồng thời sắp xếp lại diễn biến ở một vài tình huống then chốt. Ngoài hình ảnh chú chim hay trường đoạn giải cứu đứa con gái từng được nhiều bài viết hết lời khen ngợi, vị biên kịch gia còn đưa vào bộ phim 3 cải biến ấn tượng sau đây.
Đầu tiên, ông chuyển chuyến viếng thăm nhà bố đẻ của Hiro lên trước thời điểm cậu bắt đầu chuỗi ngày giết chóc. Nó giúp khán giả thấu hiểu phần nào với sự giằng xé nội tâm đau đớn trong lòng Hiro. Cậu muốn trừng phạt bố cùng bà mẹ kế, bởi họ chính là nguồn cơn khiến gia đình cậu tan vỡ, khiến mẹ Hiro phải vất vả mưu sinh để nuôi nấng cậu khôn lớn. Thế nhưng, Hiro lại không nỡ xuống tay với chính người thân ruột thịt. Vì vậy, cậu đành trút bỏ cơn giận dữ đó lên các gia đình vô tội khác. Nhờ có chỉnh sửa trên, quá trình phát triển tâm lí của Hiro giờ đây đã được chặt chẽ và thuyết phục hơn rất nhiều.
Sau khi bị cảnh sát phát hiện và ra lệnh truy nã, Hiro trốn chui trốn lủi tại nhà cô bạn gái Shion (Fumi Nikaido). Bất lực chứng kiến mẹ mình phải tự sát do áp lực từ phía truyền thông lẫn cộng đồng mạng, cậu dự định tuyên chiến với toàn thể chính quyền Nhật Bản. May mắn thay, tình yêu chân thành mà Shion dành cho Hiro đã làm cậu hồi tâm chuyển ý. Theo nguyên tác, Hiro thậm chí từng có khoảng thời gian hạnh phúc bên cạnh Shion. Cùng nhau, họ ngao du khắp nơi để chữa bệnh, giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó. Shion và bà cô cũng hoàn toàn bình an lúc bộ truyện kết thúc. Thế nhưng, Hiroshi Hashimoto không hề thích điều đó.
Quay lại phiên bản điện ảnh, ông để cho hai nhân vật này thiệt mạng vào ngay cái đêm định mệnh, lúc lực lượng đặc nhiệm bất ngờ bao vây nhà Shion rồi lạnh lùng xả súng nhằm tiêu diệt Hiro (trong manga, hai bà cháu chỉ bị thương chứ không chết). Liên tiếp mất mẹ và người yêu, đứa bạn thân thì né tránh mình còn hơn cả bệnh dịch hạch, con đường trở thành cỗ máy giết người không gớm tay của cậu ta đã mở ra thật hoàn hảo. Tuy đứng ở vị thế đối lập trước siêu anh hùng Ichiro, nhưng Hiro Shishigami vẫn tạo dựng được sự đồng cảm nơi khán giả. Bởi xét về bản chất, cậu chỉ là một đứa trẻ đáng thương, bị cuộc đời tước đoạt mọi cơ hội hoàn lương, hướng thiện.
Nếu bạn muốn ban tặng nhân vật một quyền năng, thì bạn phải đặt ra giới hạn nhất định cho quyền năng ấy. Đó là quy tắc bất di bất dịch mà bất cứ biên kịch gia nào cũng cần thuộc nằm lòng. Để có thể thoải mái sử dụng những sức mạnh thần kì, cả Ichiro lẫn Hiro đều phải nạp đầy cơ thể bằng nước. Dựa trên một phân cảnh tưởng chừng rất nhỏ nhặt trong loạt manga - bát canh miso - Hiroshi Hashimoto đã khéo léo khai thác nó thành điểm nhấn vô cùng đáng nhớ ở bản live action.
Nhờ phản ứng bất thường của cơ thể sau lần thưởng thức bát canh miso hay uống trọn chai nước điện giải, Ichiro phát hiện muối chính là điểm yếu chết người đối với mình (muối ăn mòn cấu trúc kim loại). Vì vậy, ông liền tận dụng lợi thế ấy vào trận đối đầu trước Hiro, khiến cậu ta uống nhầm nước muối và ngăn chặn thành công vụ đại thảm sát tại Shinjuku. Yếu tố này giúp cho trường đoạn đại chiến cuối phim trở nên hấp dẫn hơn, chứng tỏ nhân vật chính cũng biết sử dụng cái đầu thay vì cứ mãi chăm chăm đọ sức y hệt nguyên tác.
Mặc dù phóng tác lẫn lược giản kha khá tình tiết quan trọng, Hiroshi Hashimoto vẫn mang lại một bộ phim điện ảnh Inuyashiki đầy gai góc và nhức nhối, chứa đựng nhiều thông điệp nặng trĩu suy tư về thời đại, con người. Không những thế, ông còn nâng cấp câu chuyện lên thêm tầm cao mới, giải quyết trọn vẹn những thiếu sót tồn tại nơi manga bằng khả năng tưởng tượng lẫn trải nghiệm phong phú của mình. Inuyashiki hiện đang được công chiếu trên toàn quốc.
Trailer "INUYASHIKI - ÔNG BÁC SIÊU NHÂN"