Đàn cừu trên cánh đồng khô cằn do hạn hán tại Duri, New South Wales, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Australia vừa trải qua tháng 10 nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ trung bình cao hơn 2,17 độ C so với mức trung bình trong dài hạn.
Nhà khí tượng học thuộc Cơ quan dự báo thời tiết Weatherzone Australia, ông Brett Dutschke cho biết biến đổi khí hậu, trong đó có hiện tượng đại dương ấm lên, là một trong những nguyên nhân chính gây ra thay đổi thời tiết tại Australia.
Ngoài ra, hiện tượng La Nina ít xuất hiện đã dẫn đến độ ẩm trong không khí giảm và ít mây hơn, khiến nhiệt độ tại khu vực Thái Bình Dương ngày càng tăng. Cùng với đó là hiện tượng "lưỡng cực Ấn Độ Dương" (IOD) cũng khiến lượng mưa tại khu vực này giảm.
Hiện Australia đang phải ứng phó với tình trạng hạn hán và nguy cơ cháy rừng gia tăng khi thời tiết dần chuyển sang mùa Hè. Theo Cơ quan Khí tượng Australia (BOM), chỉ tính riêng trong tháng 10/2019, hàng chục nghìn ha rừng và đất tại các bang New South Wales và Queensland đã bị tàn phá do cháy rừng.
Cảnh báo cháy rừng được ban bố tại hầu khắp các tiểu bang và vùng lãnh thổ. Trong khi đó, tại miền Nam và miền Đông Australia tình trạng hạn hán tiếp tục diễn biến phức tạp. Một số khu vực ở vùng nông thôn có nguy cơ cạn kiệt nước ngọt vào năm tới do không có mưa. Dự báo tình trạng nắng nóng và cháy rừng trầm trọng vẫn sẽ tiếp tục kéo dài trong vòng vài tháng tới và hạn hán chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Theo Bộ Nông nghiệp Australia, dự báo hạn hán sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu nông sản của nước này. Doanh thu từ sản xuất nông nghiệp Australia năm 2019 dự kiến sẽ giảm xuống mức 59 tỷ AUD (40,12 tỷ USD) so với mức 62 tỷ AUD (42,16 tỷ USD) của năm ngoái, và đây là mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.