Từ những năm 60 của thế kỷ trước, các nhà làm phim Nhật Bản đã sớm nhận thức được tình trạng bắt cóc trẻ em đáng báo động tại nước này. Và qua phim ảnh, rất nhiều thông điệp nhức nhối đã được phản ánh.
Dựa trên quyển tiểu thuyết bán ra hơn một triệu bản cùng tên, Six Four(64) kể về quá trình cựu điều tra viên Yoshinobu Mikami (Koichi Sato) phá vụ án bắt cóc tống tiền kéo dài gần 14 năm. Nạn nhân của vụ bắt cóc đầu tiên là một bé gái bảy tuổi bị giấu xác ở trong cốp xe hơi, vụ án 14 năm sau đó với nhữngtình tiết giống nhau đến kỳ lạ đã tạo nên một cuộc truy đuổi và tranh luận về đạo đức nghề nghiệp suốt 240 phút trong phim.
Trailer phim điện ảnh "64"
Eureka là kiệt tác điện ảnh của người Nhật từng đoạt hai giải ở liên hoan phim Cannes năm 2000. Phim kể về hành trình bế tắc của những nạn nhân từng bị bắt cóc. Ở đầu phim, một kẻ khủng bố đã giam giữ toàn bộ người trên một chuyến xe buýt công cộng.
Đến khi được cảnh sát giải cứu, hầu hết nạn nhân đã chết trong vụ xả súng, chỉ còn lại người tài xế Makoto Sawai (Youji Yakusho) và hai anh em Naoki Tamura (Masaru Miyazaki), Kozue Tamura (Aoi Miyazaki).
Về sau, gia đình của cả ba người sống sót này đều lần lượt trải qua bi kịch, họ quyết định chuyển về sống cùng nhau. Makoto mua một chiếc xe hành khách cũ, đem theo hai đứa trẻ và anh họ của chúng lang thang khắp Nhật Bản.
Trên đường đi, Makoto trở thành nghi phạm của một vụ án giết phụ nữ hàng loạt ở những nơi họ đi qua. Kết thúc của Eureka đầy ám ảnh khi Makoto bỏ lại người anh họ trên đường, phát hiện ra Naoki chính là kẻ sát nhân và Kozue vốn tưởng bị câm lại bật ra tiếng nói đầu tiên và duy nhất.
Số phận của hai đứa trẻ từng bị bắt cóc gây xúc động mạnh
Trong phim, có một phân đoạn người vợ Megumi (Kyoko Koizumi) bị một kẻ thất nghiệp bắt cóc để cướp tiền. Ngay sau đó chiếc xe của kẻ bắt cóc vô tình ghé qua trung tâm thương mại nơi người chồng Ryuhei (Teruyuki Kagawa) đang làm việc. Phát hiện ra chồng mình chỉ là người gác cổng quèn ở nơi công sở, chứ không phải một công chức như mình vẫn tưởng, người vợ vô cùng thất vọng.
Ở bãi biển, kẻ bắt cóc đã ép Megumi phải đáp ứng những nhu cầu hạ lưu của hắn nhưng cô cự tuyệt. Vào lúc nửa đêm, Megumi lén trốn đi và trở về nhà an toàn. Tuy nhiên vụ bắt cóc đã để lại sự ảnh hưởng nhất định đến mối quan hệ của vợ chồng Ryuhei – Megumi sau đó.
Phim đoạt 13 giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ ở các lễ trao giải toàn cầu và được IMDb chấm 7,6/10 điểm.
Trailer phim điện ảnh "Tokyo Sonata"
Dưới dạng phim tài liệu điện ảnh, các nhà làm phim Mỹ đã tường thuật câu chuyện đẫm nước mắt của các nạn nhân bị bắt cóc xuyên quốc gia. Vào ngày 15/11/1977, cô bé người Nhật mười ba tuổi Megumi Yokota bị điệp viên Bắc Hàn bắt làm con tin vì xung đột chính trị giữa hai nước. Cha mẹ của Megumi đã đấu tranh suốt gần 30 năm để đưa cô trở về, bất chấp những thông báo của chính phủ Bắc Hàn rằng cô bé đã chết trong quá trình giam giữ.
Bố mẹ của Megumi và hành trình 30 năm tìm con
Quá trình giải cứu Megumi Yokota thất bại. Tuy nhiên, một người phụ nữ 24 tuổi tên Kim Eun Gyong hiện đang sống ở Bắc Hàn được chính phủ Nhật xác nhận là con gái của Megumi Yokota. Hiện nay, gia đình bố mẹ của nạn nhân Megumi Yokota đã được phép gặp mặt Kim Eun Gyong, với điều kiện địa điểm phải ở ngoài lãnh thổ Nhật Bản và phải nhận được sự cho phép từ phía quốc gia bảo hộ.
Trailer phim tài liệu điện ảnh "Abduction: The Megumi Yokota Story"
Ngày nay, câu chuyện có thật của Megumi Yokota đã trở thành một ví dụ đau lòng luôn được nhắc đến trong các chiến dịch lên án nạn bắt cóc tại nước Nhật.
Gia đình ông chủ xưởng giày Kingo Gondo (Toshiro Mifune) bất ngờ nhận được tin con trai họ bị bắt cóc. Thế nhưng sau đó kẻ bắt cóc phát hiện ra hắn bắt nhầm người, con tin là bạn thân của con trai Kingo. Kẻ bắt cóc sau đó vẫn đòi tiền chuộc.
Xưởng giày của Kingo đang đứng trước nguy cơ phá sản nên ông ta đã cân nhắc rất nhiều về việc có đưa tiền cho tên tội phạm hay không. Kết quả sau cùng Kingo vẫn chấp nhận trả tiền và đưa đứa trẻ về an toàn.
Sau đó ít lâu cảnh sát truy tìm được nơi ẩn náu của kẻ bắt cóc. Ở đó họ phát hiện ra thêm hai nạn nhân nữa đã chết vì bị sốc thuốc. Cảnh sát giăng bẫy và bắt tên hung thủ thành công và trả lại cho Kingo số tiền chuộc. Tuy nhiên đã quá trễ, xưởng giày của Kingo đã phá sản và ông buộc phải đi làm công nhân cho công ty đối thủ. Vào ngày tuyên án kẻ bắt cóc tội tử hình, Kingo đã đến và đối mặt với hắn.
Năm 1964, High And Low được đề cử ở giải Quả Cầu Vàng và Liên hoan phim Venice ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhưng không đoạt giải. Thế nhưng bộ phim của đạo diễn lão làng Akira Kurosawa đã bất bại trong cuộc chiến chống nạn bắt cóc trẻ em ở Nhật Bản lúc bấy giờ.
Hình ảnh đạo diễn Akira Kurosawa nhận tượng Oscar năm 1990
Đạo diễn Kurosawa từng tuyên bố với truyền thông rằng ông làm phim này để phản đối khung hình phạt quá nhẹ đối với tội phạm bắt cóc (luật pháp Nhật quy định người thực hiện hành vi bắt cóc tống tiền sẽ thụ án trong vòng 3 tháng – 5 năm). Hiệu ứng của bộ phim đã thổi bùng lên làn sóng giận dữ của dư luận, buộc chính phủ phải thay đổi bản án dành cho tội phạm bắt cóc tống tiền. Theo Japantimes, tại thời điểm đó, các vụ án liên quan đến bắt cóc và tống tiền đều được xét xử thận trọng hơn và có đến 97% số tội phạm đã bị bắt.
Cuộc chiến xoá bỏ nạn bắt cóc ở Nhật Bản vẫn chưa bao giờ ngừng nghỉ. Từ năm 2010, luật pháp Nhật Bản đã loại bỏ gần hết các rào cản trong quá trình xét xử tội phạm bắt cóc, kể cả điều khoản nương tay đối với đối tượng bắt cóc bị phát hiện khi nạn nhân đã chết. Ở thời điểm hiện tại 2017, đối tượng phạm tội bắt cóc hoặc đồng loã phải đối diện với mức án lên đến 20 năm giam giữ và áp lực từ dư luận Nhật Bản.