Nam thần bóng nhẫy xứ Tonga và hành trình "thoát nhọ" khó tin để giành vé tới Olympic

TOP, Theo Trí Thức Trẻ 04:43 24/07/2021

Tới năm 33 tuổi, Pita Taufatofua mới có lần đầu tiên dự Olympic sau khi trải qua vô số chấn thương ở phút chót.

Pita Taufatofua chuẩn bị bước ra lễ khai mạc tại Olympic Rio 2016. Lúc này, chẳng một ai trên khán đài sân Maracana biết anh chàng VĐV người Tonga là ai. Nếu không có thứ gì đó đặc biệt, Pita cũng sẽ như mọi VĐV khác, bước ra và nhanh chóng trôi đi trong tiềm thức của tất cả.

Anh chàng VĐV gây sốt nhờ "bôi dầu"

Tất nhiên, Pita không để điều đó xảy ra. Bỏ qua yêu cầu "đóng bộ" tới từ ban tổ chức, VĐV sinh năm 1983 giấu một chiếc ta’ovala (trang phục truyền thống của người Tonga) vào balo, lén ra phía sau mặc lên người ngay trước khi buổi lễ diễn ra, làm thế thì chẳng ai có thể ngăn cản. Chưa dừng lại, Pita còn bôi dầu lên khắp người để những múi cơ được "nét" hơn.

Và buổi diễu hành hôm đó trở thành sân khấu của riêng Pita. Trước sự chứng kiến của hàng triệu người, từ SVĐ cho tới khắp thế giới, Pita xuất hiện với một hình ảnh chưa từng có. Dĩ nhiên, vẻ đẹp của anh chàng này cũng góp công không nhỏ. Đêm đó, một cơn bão đã xảy ra và nó dồn vào chiếc điện thoại của Pita.

"Mọi thứ trở nên điên rồ. Đó là lúc bạn nhìn vào chiếc điện thoại của mình và không thể tin điều gì đang xảy ra", VĐV Taekwondo thừa nhận.

Nam thần bóng nhẫy xứ Tonga và hành trình thoát nhọ khó tin để giành vé tới Olympic - Ảnh 1.

Pita là tâm điểm chú ý tại lễ khai mạc Olympic 2016

Pita thì không hề chuẩn bị cho sự nổi tiếng. Anh chàng này chẳng có quản lý, chẳng có nhà tài trợ, cũng không cởi trần để quảng bá cho bất kỳ sản phẩm nào. Pita, như anh nói, chỉ muốn bước ra để giới thiệu về trang phục của Tonga, một nơi mà nhiều người còn chưa nghe tới. "Tôi chỉ muốn cho mọi người thấy một phần của hơn 1.000 năm lịch sử. Chúng tôi làm gì có vest và cà vạt".

Sự nổi tiếng mang đến cho Pita thêm những áp lực bởi khi anh lên đài, hàng nghìn ánh mắt đang dõi theo. Đáng tiếc, VĐV 38 tuổi không có được sự tập trung tốt nhất. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, những đối thủ khác quá mạnh so với anh chàng tới từ Tonga.

Không có bất ngờ nào xảy ra. Pita để thua bằng đo ván ở ngay trận đấu đầu tiên trước Sajjad Mardani và bị loại. Nhưng điều này có là gì. Pita vẫn hài lòng bởi chỉ trong một thời gian ngắn cụm từ "Tonga ở đâu" đã được tìm kiếm 230 triệu lượt trên Google.

Nam thần bóng nhẫy xứ Tonga và hành trình thoát nhọ khó tin để giành vé tới Olympic - Ảnh 2.

Pita (đồ xanh) để thua ngay trận đầu tiên tại Olympic 2016

Cuộc đời của Pita cũng thay đổi. Anh xuất hiện trên một buổi nói chuyện trực tuyến tại Mỹ và nhanh chóng nhận được tình cảm từ những người hâm mộ.

Sự điên rồ không kết thúc ở đây. Tại Olympic mùa đông 2018, Pita còn tham dự nội dung trượt tuyết. Trong cuộc đời, Pita hiếm khi nào được thấy băng giá nhưng anh chàng này chẳng ngại thử thách. Dấn thân rồi chơi hết mình đó là những gì VĐV 38 tuổi nghĩ.

Hành trình gian nan để tới kỳ Olympic đầu tiên

Ngoài đời là một Pita khác xa so với hình ảnh "bùng nổ" chúng ta thấy trên truyền hình. Anh điềm đạm, hoạt ngôn, thông minh với tấm bằng kỹ sư tại đại học Queensland. Với những trẻ em vô gia cư tại Brisbane, Pita thậm chí còn là người hùng.

Anh chàng VĐV đến từ Tonga có sức hút cực lớn, bình tĩnh trước hầu hết mọi vấn đề. Tuy nhiên, đừng nghĩ cuộc sống của Pita êm đềm và anh dễ dàng có được mọi thứ. Thế vận hội là nơi không có chỗ cho sự ưu ái. Pita đến đó bằng thực lực, được rèn giũa sau hơn 15 năm miệt mài. "Tôi nhớ rằng, mình đã bị gãy 6 chiếc xương, đứt dây chằng 3 lần, một năm rưỡi chống nạng, 3 tháng ngồi xe lăn cùng hàng trăm, hàng trăm giờ tập luyện".

Nhưng vàng phải thử lửa và Pita không chùn bước trước những khó khăn. Anh cho đó là động lực để bản thân có thêm sự cố gắng.

Nam thần bóng nhẫy xứ Tonga và hành trình thoát nhọ khó tin để giành vé tới Olympic - Ảnh 3.

Mẹ của Pita, là người Úc, từng là một y tá nhưng hiện đã chuyển sang làm công việc tư vấn môi trường tại Nam Thái Bình Dương. Cha của Pita là người Tonga, là tiến sĩ nông nghiệp và đang làm việc cho chính phủ.

Nghe có vẻ hoành tráng nhưng suốt thời gian dài, gia đình của Pita gặp khó khăn về mặt tài chính. Gia đình quá đông với 7 anh chị em và cha mẹ Pita đều muốn con cái của mình được học hành tử tế. Việc dồn tiền cho việc học khiến các khoản khác thâm hụt. Thời nhỏ, nhà anh chỉ có một chiếc giường, điện không ổn định và thiếu nước nóng.

"Bố mẹ tôi không có tiền bởi vì họ muốn chúng tôi được học hành tốt nhất. Anh em chúng tôi tổng cộng có 8 bằng cử nhân và 2 bằng thạc sĩ", Tonga nhớ lại.

Chứng kiếm sự vạm vỡ của Pita thời điểm hiện tại, ít ai biết rằng anh từng tự ti vì cơ thể nhỏ bé hơn những bạn cùng trang lứa. Bóng đá là môn đầu tiên Pita tranh tài nhưng thể hình không tốt khiến Pita phải ngồi dự bị suốt 4 năm liền dù "tập không thiếu buổi nào". Công việc chủ yếu của Pite khi ấy là đưa hoa quả cùng nước cho cầu thủ khác.

Trong cái rủi cũng có cái may, việc bị ngó lơ trên sân bóng giúp Pita hiểu thế nào là sự không tin tưởng. Quan trọng hơn, anh có cơ hội để toàn tâm toàn ý cho Taekwondo.

Nam thần bóng nhẫy xứ Tonga và hành trình thoát nhọ khó tin để giành vé tới Olympic - Ảnh 4.

Khi lên 5, Pita đã được mẹ cho tập Taekwondon để tự vệ. Năm 12 tuổi, Pita cũng ra đường đi bão khi Paea Wolfgramm mang về chiếc huy chương Olympic đầu tiên tại Atlanta 1996. Ý định đến Thế vận hội nhen nhóm trong đầu Pita từ đó.

4 năm một lần, vòng loại Olympic lại được tổ chức và cách duy nhất để Pita hoàn thành mục tiêu là trở thành võ sĩ số 1 ở châu Đại Dương. Năm 2008, Pita bước tới thử sức nhưng ra về trên xe lăn. Anh gặp chấn thương ở mắt cá nhưng vẫn cố thi đấu. Cuối cùng, anh bị gãy chân và không thể tự đi trong vòng 6 tháng.

Điều kiện tập luyện ở Tonga kém xa so với những khu vực khác và Pita buộc phải tìm cách xuất ngoại. Năm 2011, muốn góp mặt tại Olympic London, Tonga quyết định sang Hàn Quốc tầm sư nhưng sống khổ sở vì thiếu kinh phí. "Tôi phải ngủ ở trường mầm non trong vòng 6 tháng, chui rúc xuống bàn để ngủ. Sáng sớm, tôi phải rời đi trước khi các em học sinh tới trường".

Tại giải vô địch thế giới ở Azerbaijan cùng năm đó, vận đen tiếp tục bám theo Pita. Anh bị đứt dây chằng trong một trận đấu, bị các bác sĩ yêu cầu ngồi ngoài trong 6 tháng. Tuy nhiên, không muốn tiếp tục phải chờ đợi, chỉ 2 tháng sau, Pita đã tham dự vòng loại Olympic tại châu Đại Dương và đấu chỉ bằng... một chân.

Dù vậy, Pita vẫn thắng liền một mạch để đi tới trận quyết định. Anh bị đối thủ vào chỗ đau ở hiệp cuối và phải nhận thất bại. Đối thủ đến Olympic còn Pita phải "cà nhắc" trong 6 tháng.

Quãng thời gian tiếp theo, Pita tiếp tục bị những chấn thương hành hạ. Đã có lúc, các bác sĩ yêu cầu Pita ngừng lại. Nhưng là một người yêu từ thiện, Pita hiểu rằng còn rất nhiều mảnh đời khốn khổ hơn mình, đã thành công thế nào. Và thế là, Pita tiếp tục tiến lên.

Năm 2016...

Pita hạ quyết tâm nhưng thách thức vẫn không buông tha. "Tôi cạn tiền, xe hỏng, bồ đá. Đúng lúc này, tôi biết vòng loại Olympic sẽ diễn ra tại Papua New Guinea trong 2 ngày nữa. Tôi lại không có đồng nào trong túi".

Trong đầu Pita xuất hiện 2 luồng suy nghĩ, một là, ở nhà bởi có một đối thủ tại New Zealand rất mạnh. Hai là vay tiền để tiếp tục. Sau cùng, Pita lựa chọn theo đuổi giấc mơ Olympic. Tuyệt vời hơn, anh đã chiến thắng và sẽ góp mặt tại Olympic ở tuổi 33.

4 tháng trước khi Olympic 2016 diễn ra, Pita cạn tiền. Anh cùng HLV phải xin quyên góp để có tiền thuê nhà. Cả hai tập luyện trong một garage để tiết kiện. Đó là câu chuyện của Pita tại Olympic.

Tấm vé khó tin tới Olympic mùa đông

Vài tháng sau khi trở về từ Rio, Pita tuyên bố sẽ theo đuổi tấm vé đến Olympic mùa đông tại Hàn Quốc. Một người dành cả cuộc đời sống ở nhiệt đới như Pita, quyết định trên rõ ràng là không thể tin nổi. Khi mọi người hỏi vì sao, Pita chỉ đáp đơn giản, "Tôi thích thử thách".

Pita bắt đầu xem những video trên Youtube và mang ván trượt ra công viên để tập lúc 5 giờ sáng. Pita chỉ có một năm để giành vé không thì những nỗ lực trở thành công cốc. Do đó, Pita điên cuồng tham dự những cuộc sơ loại. Mọi chuyện vốn không dễ dàng như thế. Trước các cái tên hàng đầu, Pita liên tục tụt lại. Anh về bét 4 trong 9 cuộc đua.

Chưa kể, việc di chuyển không ngừng khiến anh bị nợ tới 40.000 USD trong thẻ tín dụng.

Chẳng có công ty nào muốn tài trợ ván trượt cho một cái tên chẳng có hy vọng nào như Pita. Trong cuộc thi tại Ba Lan, một VĐV bị ngã ván trượt văng lên cây. Người này bỏ lại và Pita đã quyết định nhặt về, sửa chữa và dùng lại.

Nam thần bóng nhẫy xứ Tonga và hành trình thoát nhọ khó tin để giành vé tới Olympic - Ảnh 5.

Pita không còn nhiều thời gian để vượt qua vòng loại. Anh tới Armenia, nơi tổ chức vòng loại gần như cuối cùng, nhưng cũng toang. Hốt hoảng, Pita tiếp tục tìm kiếm và phát hiện còn một vòng loại khác tại Croatia vào ngày hôm sau. Do quá gấp, anh chàng người Tonga buộc phải bay nối chuyến. Dù vậy, Pita bị kẹt lại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hết tiền, Pita buộc phải cầu cứu anh trai đưa về.

Chỉ còn 4 ngày trước khi vòng loại kết thúc, Pita biết một cuộc thi khác được tổ chức ở Iceland và lại khăn gói lên đường. Vừa đến nơi, tất cả gặp một cơn bão tuyết. Sau quãng thời gian chật vật, họ đến được địa điểm thi đấu đúng ngày cuối cùng.

Như một điều thần kỳ, Pita lại thành công vào phút chót. "Chỉ còn một lần thi cuối. Tôi cảm thấy mọi thứ rất ổn. Tôi bay lên và hoàn thành cuộc thi. Đó là cách tôi đến được kỳ Olympic thứ 2 trong đời".

Lần này, Pita là VĐV duy nhất của Tonga dự Olympic 2018. Vẫn như xưa, anh lại cởi trần, bôi dầu bất chấp có thể bị hạ thân nhiệt. VĐV sinh năm 1983 đến tham dự không phải để giành huy chương, tất nhiên. Anh "chỉ" về sau người về nhất có 23 phút và đứng thứ 114 trên 119 người dự thi.

"Tôi học hỏi từ nỗi đau và thất bại. Đó là những thứ có thể thúc đẩy nếu bạn có tư duy đúng. Ai cũng có tiềm năng, chỉ là bạn có hành động hay không".

Tại Olympic 2020, Pita tiếp tục chơi lớn với tham vọng tham dự ở nội dung canoeing nhưng bất thành. Cuối cùng, anh vẫn có vé từ môn Taekwondo.

Ngày 23/7, Pita lại bước ra, là người cầm cờ cho đoàn Tonga. Anh tiếp tục gây sốt với một cơ thể cường tráng bóng nhẫy. Nhưng vị thế đã khác, anh đã có người quản lý riêng, từng phát biểu tại nhiều sự kiện quan trọng và có cuốn sách truyền cảm hứng của riêng mình.

Có thể, Pita sẽ không bao giờ giành được huy chương Olympic. Nhưng anh chắc chắn không buồn vì điều đó bởi những gì VĐV 38 tuổi làm được đã quá tuyệt vời.

Nam thần bóng nhẫy xứ Tonga và hành trình thoát nhọ khó tin để giành vé tới Olympic - Ảnh 6.