Sự khắc nghiệt của nắng nóng càng thách thức giới hạn chịu đựng của con người do tình trạng thiếu điện trên diện rộng. Theo hãng tin Reuters, Ấn Độ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất trong hơn 6 năm. Nắng nóng đến sớm bất thường khiến lượng tiêu thụ điện tăng cao. Quá tải gây mất điện diện rộng, nhiều địa phương đã phải cắt điện luân phiên. Thiếu điện ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất của hàng trăm triệu người dân.
Anh Naresh Kumar - Công nhân vệ sinh môi trường cho biết: "Khi tôi về nhà thì không có điện, hai ngày mới có nước một lần, rau củ trong tủ lạnh hỏng hết do mất điện thường xuyên".
Ở quốc gia láng giềng Pakistan, tình trạng cũng không khả quan hơn. Chị Saphia Mangi - Người dân Jacobabad, Pakistan: "Để chống lại cái nóng, chúng tôi chỉ có một chiếc quạt chạy bằng năng lượng mặt trời và cả nhà phải ngồi quây lại xung quanh. Sức nóng thậm chí cũng không giảm khi trời tối".
Những đợt nắng nóng trong tháng 3 và 4 là nguyên nhân trực tiếp của hơn 90 ca tử vong tại Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, đi kèm với tình trạng thiếu điện, con số này thực tế có thể còn cao hơn nhiều, thậm chí lên tới hàng nghìn người.
Ngành năng lượng đang bộc lộ rõ sự thiếu tầm nhìn trong phát triển
Thế giới đang đối mặt với quá nhiều sự cố bất ngờ, gây sức ép lên các nguồn năng lượng. Nhưng ở chiều ngược lại, những gì mà dư luận đang nói đến là ngành năng lượng cũng đang bộc lộ rõ sự thiếu tầm nhìn trong phát triển, mà ở đây là đã không thực sự dự trù được sự nhu cầu sử dụng điện và các loại năng lượng khác trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan.
Tại Nam Á, nhiệt độ nắng nóng năm cao hơn 5-7 độ C so với mức trung bình hàng năm, khiến nhu cầu năng lượng tăng cao đột biến. Nhưng như trường hợp của Ấn Độ chẳng hạn, nước này vẫn chủ yếu phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện.
Trong khi các nhà máy nhiệt điện thì đã hầu như không thể tăng công suất do không tích trữ đủ than đá. Điều đáng nói là từ năm 2016, Ấn Độ đã đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ sản xuất được 175 GW điện từ năng lượng tái tạo. Nếu mục tiêu này đạt được thì cơn khát điện hiện nay tại Ấn Độ đã không xảy ra. Tiếc rằng, đến nay Ấn Độ mới chỉ sản xuất được 95 GW điện từ năng lượng tái tạo.
Năng lượng tái tạo vẫn bị xem là xa xỉ
Trước mắt chỉ có thể huy động mọi nguồn lực bù đắp cho chỗ thiếu hụt. Ấn Độ có những bang đã cắt điện lên 8 tiếng mỗi ngày, Pakistan thì thậm chí có nơi còn cắt tới 12 tiếng. Mới đây, Ấn Độ cảnh báo nước này sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp theo vào tháng 7, tháng 8 tới.
Khi tình trạng thiếu than của các nhà máy nhiệt điện vẫn đang tiếp diễn. Nhẽ ra nếu cơ cấu sản lượng điện đa dạng, không quá phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch thì mọi thứ đã khác. Tiếc rằng năng lượng tái tạo dù nước nào cũng tung hô, cũng đặt mục tiêu, nhưng thực tế là từ bấy đến nay, năng lượng tái tạo vẫn bị xem là thứ xa xỉ, giải quyết vấn đề môi trường là chính, chứ không giải quyết được nhu cầu thực tế. Những gì diễn ra khiến người ta nhận thấy rõ phát triển năng lượng tái tạo đang là nhu cầu rất thực tế cho phát triển.