Ngày 14/7, Việt Nam công bố báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019. Điều tra được Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê thực hiện, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.
Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 thực hiện trên 6.000 phụ nữ. Kết quả là cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (tức là khoảng gần 63%) bị bạo lực do chồng gây ra trong cuộc đời. Còn trong vòng 1 năm qua, tỷ lệ phụ nữ bị bạo hành là gần 32%. Các loại bạo lực gồm bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, bạo lực kinh tế và kiểm soát hành vi.
Đến nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã thực hiện thành công điều tra quốc gia lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ. Lần điều tra thứ nhất diễn ra cách đây 10 năm.
Có một điều đáng mừng là so với 10 năm trước, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác năm 2019 đã thấp hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời năm 2019 lại cao hơn so với năm 2010. Bạo lực với phụ nữ gây nhiều hậu quả, chỉ riêng về kinh tế, thiệt hại ước tính khoảng 1,8% GDP.
Tình trạng bạo lực với phụ nữ vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và "văn hóa đổ lỗi" là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ. Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi trẻ phải sống trong gia đình mà mẹ của mình bị bạo lực. Vì vậy, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước là phải tạo ra được những cơ hội để phụ nữ lên tiếng và bảo vệ họ trước bạo lực.