Thời gian gần đây, thành công của các idol tân binh không chỉ còn phụ thuộc vào tài năng của chính họ mà sự tác động của công ty quản lý đến ngành âm nhạc cũng chiếm vai trò cực kì quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà SM Entertainment, JYP Entertainment và YG Entertainment được tung hô là 3 “ông lớn” của ngành giải trí Hàn Quốc.
Một số người cho rằng yếu tố quyết định sự thành bại của idol tân binh là hệ thống đào tạo đặc biệt của các công ty quản lý. Tuy nhiên, sự thật là quá trình học tập và rèn luyện kĩ năng của các thực tập sinh tại các công ty quản lý bất kể lớn nhỏ đều khắc nghiệt như nhau hết. Không phải các công ty nhỏ cố gắng chưa đủ, mà vấn đề hoàn toàn nằm ở tầm ảnh hưởng của các công ty đến ngành âm nhạc.
Có thể nói TS Entertainment là công ty quản lý duy nhất vượt qua được những rào cản các công ít tên tuổi thường gặp phải. Sau 3 – 4 năm thực tập, 4 “gà cưng” SECRET Sunhwa, Jieun, Hyosung và Zinger của TS Entertainment ra mắt khán giả vào năm 2009. Dù không đình đám ngay từ những ngày đầu nhưng SECRET bắt đầu được nhắc đến thường xuyên kể từ hit Magic. Sang năm 2010, cùng với hit Shy Boy, SECRET nhanh chóng “đút túi” vị trí no.1 ở cả đài truyền hình cáp và đài truyền hình công, đồng thời trở thành mục tiêu ca ngợi của các đại diện trong ngành âm nhạc vì khả năng vươn tới đỉnh cao trong khi chỉ xuất phát từ một công ty nhỏ.
Trong khi đó, cũng là nhóm nhạc tân binh nhưng ngay khi vừa ra mắt, dưới sự đỡ đầu của JYP Entertainment, miss A dễ dàng thống trị hàng loạt bảng xếp hạng cũng như trở thành chủ nhân của rất nhiều giải thưởng âm nhạc. Những yếu tố khác (ví dụ như tài năng của các thành viên trong nhóm) tất nhiên không thể bị bỏ qua, nhưng rõ ràng là các tân binh trực thuộc 3 “ông lớn” thường được chú ý nhiều hơn kể từ trước khi debut.
Thêm vào đó, một đại diện trong ngành âm nhạc cho biết: “Rõ ràng là có tồn tại sự khác biệt trong cách cư xử của các chương trình ca nhạc của đài truyền hình công đối với các nghệ sĩ, tùy thuộc vào việc nghệ sĩ đó trực thuộc công ty quản lý lớn hay nhỏ. Nghệ sĩ từ công ty lớn thường được hát hai đến ba ca khúc vào mỗi dịp comeback, kèm theo đó là một màn phỏng vấn. Tuy nhiên, nghệ sĩ và tân binh trực thuộc các công ty nhỏ hơn đôi khi còn bị đề nghị rút ngắn tiết mục duy nhất của mình lại.”
Nguyên nhân của việc này có thể là do bản thân các chương trình ca nhạc đó được thực hiện với tiêu chí tập trung vào những chủ đề khán giả quan tâm. Thế nhưng sau cùng thì chính tiêu chí này đã thu hẹp phạm vi hoạt động của các tài năng đến từ những công ty quản lý ít tiếng tăm.
Một đại diện khác chia sẻ:“Chúng tôi chẳng thể làm khác được. Các chương trình luôn đề cao rating, vậy nên chúng tôi không có cách nào khác ngoài tăng thời gian xuất hiện của các ngôi sao lớn. Các chương trình ca nhạc luôn cố gắng giới hạn đến một mức nhất định sân khấu dành cho nghệ sĩ đã có danh tiếng nhằm tạo cơ hội cho các tân binh. Nhưng vì tất cả đều xoay quanh những nghệ sĩ đang hot và những xu hướng đình đám vào một thời điểm nhất định, nên nếu chúng tôi không tập trung vào những điều đó thì khán giả sẽ nhanh chóng bỏ qua chương trình của chúng tôi.”
Mặc dù những năm vừa qua, vô số gương mặt idol mới toanh lũ lượt kéo nhau chen chúc trên “sàn đấu Kpop”, các đại diện ngành âm nhạc vẫn cho rằng thái độ của các nhà đài đối với các công ty quản lý ít được biết đến cũng sẽ không thay đổi. Giám đốc Kim Taewon của JQT kết luận: “Đúng là mọi chuyện luôn khó khăn hơn đối với các công ty nhỏ, nhưng việc tiếp tục tìm kiếm và hỗ trợ các tài năng trẻ vẫn là việc làm sống còn để chúng tôi có thể giữ vững vị trí của mình trong ngành âm nhạc.”