Muốn xin học bổng đi du học, nhất định phải nhận diện 3 sai lầm rất dễ mắc phải này khi viết thư giới thiệu

Bơ, Theo Helino 12:07 20/07/2018
Chia sẻ

Bên cạnh bài luận cá nhân (Statement of Purpose – SOP), thư giới thiệu (Letter of Recommendation – LOR) cũng là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định cơ may “trúng” học bổng của các bạn học sinh, sinh viên.

Nếu muốn chinh phục những học bổng có giá trị cao trên thế giới, bạn buộc phải trang bị cho mình một bức thư giới thiệu (LOR) có tiềm năng lọt vào mắt xanh của Hội đồng Tuyển sinh. Thư giới thiệu của bạn thường được viết bởi đồng nghiệp, cấp trên (nếu bạn muốn xin học bổng Thạc sỹ, Tiến sĩ) hoặc giáo sư, giáo viên, giảng viên,… tại nơi bạn đang theo học (nếu bạn muốn xin học bổng bậc Đại học).

Muốn xin học bổng đi du học, nhất định phải nhận diện 3 sai lầm rất dễ mắc phải này khi viết thư giới thiệu - Ảnh 1.

Một bức thư giới thiệu có giá trị phải vừa mang lại góc nhìn khách quan của người viết đối với bạn, vừa thể hiện rõ thế mạnh mà bạn chưa có dịp bộc lộ (nhiều) trong bài luận cá nhân. Để tuân theo những tiêu chuẩn chung này thì cực kỳ dễ dàng, nhưng bạn biết không, có tận 3 sai lầm mà rất nhiều ứng viên mắc phải khi nhờ người khác viết thư giới thiệu?

Không nên viết gợi ý (suggestion) quá "tâng bốc" bản thân!

Mặc dù được gọi là "thư giới thiệu", nhưng không phải ai trong chúng ta cũng có một người hiểu nhiều về mình để viết một lá thư mà không cần… hướng dẫn. Điều này không có nghĩa là bạn phải dừng "cuộc chơi" ngay tại bước xin thư giới thiệu. Nếu muốn có người đủ uy tín viết thư giới thiệu nhưng họ lại không thực sự hiểu về chúng ta, hãy viết cho họ một số gợi ý (suggestion).

Một sai lầm mà rất nhiều ứng viên mắc phải là quá "tâng bốc" bản thân trong phần gợi ý. Ví dụ, một thí sinh viết về sự vươn lên khỏi hoàn cảnh khó khăn trong bài luận cá nhân sẽ có xu hướng muốn thư giới thiệu khớp với ý này. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến Hội đồng Tuyển sinh cảm giác không chân thật trong thư giới thiệu. Hãy nhớ rằng, cái nhìn của bạn về chính bản thân mình sẽ khác rất nhiều đối với góc nhìn của người khác.

Thay vào đó, hãy tích cực tìm kiếm các thế mạnh khác của bản thân như: khả năng nghiên cứu, thái độ hòa hợp khi làm việc nhóm,… Đảm bảo rằng bức thư giới thiệu của bạn sẽ rất khách quan và không mang lại cảm giác bị "tâng bốc" quá đà đâu.

Muốn xin học bổng đi du học, nhất định phải nhận diện 3 sai lầm rất dễ mắc phải này khi viết thư giới thiệu - Ảnh 2.

Phớt lờ quy cách trình bày chuẩn của một bức thư

Một điểm cộng ứng viên ít ngờ tới cho một bức thư giới thiệu chính là quy cách trình bày chuẩn. Bên cạnh việc ghi ngày tháng, địa chỉ, tên người nhận, người gửi,… theo thư chuẩn quốc tế, tiêu đề mỗi phần của thư được coi là một cách trình bày thông minh.

Mỗi năm, Hội đồng tuyển sinh phải đọc hàng ngàn hồ sơ cũng như thư giới thiệu, nên bạn phải hiểu rằng họ không có thời gian "nghiên cứu" từng câu, từng chữ trong thư của bạn. Vì vậy, việc đặt tiêu đề cho mỗi ý chính trong thư giới thiệu sẽ chứng tỏ bạn là người có tư duy mạch lạc và tôn trọng thì giờ của người đọc.

Bên cạnh đó, đặt tiêu đề cho từng ý chính trong thư giới thiệu còn dễ dàng giúp bạn làm nổi bật bố cục sáng tạo của bức thư. Đối với mỗi loại học bổng, bạn nên trình bày với bố cục khác nhau để thể hiện rằng mình đang thực sự đầu tư cho nội dung của bài viết. Nếu sử dụng khung có sẵn trên mạng, thì khả năng nhận học bổng của bạn chắc chắn là không!

Muốn xin học bổng đi du học, nhất định phải nhận diện 3 sai lầm rất dễ mắc phải này khi viết thư giới thiệu - Ảnh 3.

Bỏ qua việc xin chữ ký người viết

Thông thường, quá trình từ khi xin thư giới thiệu đến lúc trở thành một bài viết hoàn chỉnh là khá dài. Sau khi sửa rất nhiều lỗi trong câu từ, ý tứ, một sai lầm mà rất nhiều các ứng viên mắc phải là quên xin chữ ký của người viết. Tất nhiên, điều này sẽ khiến bộ hồ sơ ngốn-nhiều-mồ-hôi-tâm-sức bị vứt vào thùng rác ngay lập tức! Bởi về mặt pháp lý, chẳng ai tin vào một bộ hồ sơ có tính chân thật bằng 0 cả.

Vì vậy, dù có vất vả trong khâu chỉnh sửa đến mấy, bạn cũng phải nhớ làm bước quan trọng này. Nếu gửi hồ sơ qua bưu điện, bạn chỉ việc xin một chữ ký của người viết thư vào cuối bài viết. Còn nếu gửi hồ sơ trực tuyến thì chữ ký điện tử sẽ hoàn toàn hữu dụng.

Một sự thật mà rất nhiều các ứng viên "săn" học bổng đều biết đó chính là việc phải chấp nhận… trượt rất nhiều lần. Vì thế, bạn nên chuẩn bị nhiều mẫu chữ ký điện tử để thuận lợi cho quá trình "dải" hồ sơ. Sau khi scan ảnh chữ ký, bạn chỉ việc copy vào cuối bản word của mỗi bức thư giới thiệu và chuyển tất cả sang pdf, đơn giản nhỉ?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày