1. Người ta vẫn mặc định Ferguson là mẫu HLV đề cao kỷ luật, thậm chí đến mức cực đoan. Có thể vì ông không ngại ngần trong việc xuống tay với những công thần.
Chẳng hạn như Jaap Stam, bị bán ngay khi ở đỉnh cao phong độ. Paul Ince và Roy Keane phải rời Old Trafford khi vướng phải bệnh… công thần. David Beckham ăn trọn "chiếc giày bay" nổi tiếng trong thời gian anh để showbiz lấn át cả chuyên môn. Biết thế, nhưng lại rất ít cầu thủ tuyên bố họ cảm thấy ngột ngạt dưới thời Ferguson. Bởi vì không chỉ biết cương, ông cũng có những lúc rất nhu, rất mềm dẻo.
Thứ Ba vừa qua là kỷ niệm 5 năm ngày Sir Alex tuyên bố giải nghệ. Khi được hỏi về kỹ năng quản lý của mình, ông cho biết từ mà ông dùng nhiều nhất với các cầu thủ của mình là "tốt lắm".
Rõ ràng Ferguson không hề tiết kiệm lời khen như mọi người vẫn nghĩ. Chỉ có điều ông biết cách đặt lời khen đúng chỗ, sao cho nó trở thành một động lực để giúp họ tiến lên.
Việc vận dụng nhuần nhuyễn kỹ năng "sấy tóc" và "vuốt tóc" giúp ông trụ được với bóng đá đỉnh cao lâu đến như thế. Đây cũng là lý do vì sao khi ông phải chiến đấu với tử thần trong bệnh viện Salford, các học trò cũ đều cầu nguyện cho ông tai qua nạn khỏi.
Trong 5 năm sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, việc quản lý đội bóng đá thay đổi rất nhiều. Các cầu thủ không còn là những thành viên đơn thuần nữa. Họ không còn xem HLV như thầy giáo của mình mà chỉ xem như một đồng nghiệp, với một vai trò khác trong công ty.
Giữa một thế giới kim tiền và truyền thông, cầu thủ là những ngôi sao được săn đón. Họ không việc gì phải tuân phục một nhà cầm quân, nếu như người ấy không thuyết phục được họ tin vào con đường đã vạch ra.
Pep Guardiola và Juergen Klopp là hai HLV có vẻ như đã tìm ra được công thức thành công để cân bằng hai việc: quản lý cầu thủ và quản lý những cái tôi ở Man City và Liverpool.
Nhưng ở những CLB khác, mọi việc phức tạp hơn. Wenger sẽ chính thức rời Arsenal sau 22 năm chung sống. Một phần vì ông thấy mình không còn thuần phục được những cậu trò nữa. Các ngôi sao cứ lần lượt rời bỏ ông, những người còn lại dường như muốn "sống chết" với ông.
Chelsea là một CLB mà quyền lực cầu thủ đã vượt mặt quyền HLV. Đã có biết bao nhiêu HLV phải mất việc vì không kiểm soát nổi phòng thay đồ.
2. Ở Man United, Jose Mourinho đã nhiều lần công khai chỉ trích các học trò của mình sau những trận đấu không vừa ý. Mới đây, Man United để thua Brighton, và Mourinho một lần nữa quy trách nhiệm cho các cầu thủ.
Phong cách này về lâu dài có thể gây tổn hại đến vị trí của Mourinho tại Old Trafford. Từ lúc sang đây, Mourinho luôn áp dụng chính sách bàn tay sắt. Nhưng ông nên cân nhắc bọc cánh tay sắt ấy lại với một chiếc găng tay. Bởi vì một số nguồn tin của ESPN cho hay nhiều cầu thủ Man United đã bắt đầu cảm thấy mệt với thói quen chỉ trích cá nhân của Mourinho, cho dù ông nêu đích danh hay chỉ nói mấp mé.
Luke Shaw từng thuộc về... cả hai trường hợp nêu trên. Chris Smalling, Anthony Martial, Paul Pogba, Marcus Rashford và Eric Bailly cũng từng bị chỉ trích dù ông không nêu đích danh họ. Khi phàn nàn về vấn đề "di sản", Mourinho còn có hàm ý chỉ trích chung là đội ngũ của Man United hiện nay không đủ mạnh.
Quyết định trao danh hiệu cầu thủ hay nhất mùa do HLV bầu chọn cho Scott McTominay cũng gây nhiều khó chịu. Tiền vệ này mới 21 tuổi, chỉ đá chính 12 trận mùa này. Khen một cầu thủ trẻ phải chăng là cách Mourinho chỉ trích những cầu thủ đã thành danh?
Sir Alex có thể dùng bàn tay thép với những cầu thủ chống đối mình, nhưng khi không cần thiết, ông luôn đưa bàn tay trần của mình ra kéo cầu thủ đứng dậy, truyền động lực đến cho họ.
Việc chỉ có cứng mà không biết mềm từng khiến Mourinho đánh mất Mohamed Salah và Kevin De Bruyne. Ông cần phải nói thêm nhiều từ "tốt lắm" nữa, như Sir Alex vẫn làm khi còn cầm quân, nếu muốn tạo ra một di sản tại Old Trafford.