Mỗi chi tiết được trau chuốt trong bất cứ sản phẩm điện ảnh lớn nào đều đòi hỏi sự tính toán chi li của đội ngũ sản xuất. Trang phục được sử dụng trong phim không chỉ cần phải diễn tả được bối cảnh không gian lẫn thời gian đương thời, mà đồng thời cũng phải phát họa được tính cách đặc trưng, trạng thái, hoàn cảnh, xuất thân của nhân vật. Chúng ta hãy cùng nhìn ngắm lại 5 ứng cử viên cho đề cử Trang phục xuất sắc nhất trên chặng đường đi đến thảm đỏ Oscar 2019 để xem họ có gì xứng đáng để được gọi tên cho giải thưởng danh giá này.
Cuộc đối đầu giữa nữ hoàng Mary xứ Scotland (Saoirse Ronan) và Elizabeth I (Margot Robbie) trong Mary Queen Of Scots nhanh chóng trở thành một bộ phim sử thi có ảnh hưởng nhất năm khi liên tục nhận được đánh giá tích cực từ các nhà phê bình. Không kể đến nhan sắc lộng lẫy của nữ chính Saoirse và "Harley Quinn" Margot Robbie, trang phục cũng là một điểm sáng làm nên tên tuổi của bộ phim.
Chị đẹp ma quái Margot Robbie trong tạo hình nữ hoàng Elizabeth quyền quý.
Chịu trách nhiệm bởi nhà mốt nổi tiếng Alexandra Bryne, người từng đoạt tượng vàng Oscar 2007 với tác phẩm Elizabeth: The Golden Age (Elizabeth: Thời Hoàng Kim), các bộ cánh trong Mary, Queen of Scots không chỉ "khủng" ở kích thước hay sự rườm rà, đồ sộ của nó, mà còn ẩn chứa thông điệp về những con người cầm quyền. Sự chuyển mình về màu sắc cũng như kiểu dáng đã góp phần quan trọng trong việc thể hiện cảm xúc, trạng thái của nhân vật.
Việc trang phục của cư dân Wakanda được lấy cảm hứng từ văn hóa đương đại của các tộc người đang sinh sống ở Châu Phi hẳn không còn xa lạ gì đối với fan cứng của vũ trụ điện ảnh Marvel. Với bề dày hơn 30 năm kinh nghiệm, nhà mốt Ruth E. Carter là người chịu trách nhiệm chính cho mảng trang phục của bom tấn đình đám bậc nhất năm 2018 này.
Các fan đã soi được bao nhiêu chi tiết mang đậm dấu ấn của tộc người Phi Châu thế này trên phim?
Mỗi nhân vật, cho dù chỉ xuất hiện trên màn ảnh trong vòng vài giây, đều được bà Carter tận lực chỉnh trang từ quần áo cho đến phụ kiện đặc trưng. Không chỉ sở hữu hơi thở của vùng hoang Châu Phi xa xôi, đường nét và đặc biệt là màu sắc của trang phục cũng được đội ngũ sản xuất dày công sắp đặt sao cho phù hợp với nhân vật nhất có thể; ví dụ như sắc đen quyền lực là màu chủ đạo của Báo Đen T’Challa (Chadwick Boseman), các tầng xanh lá đại diện cho người đẹp Nakia (Lupita Nyong’o) hay phục trang đỏ đầy nhiệt thành và máu lửa luôn ở trên người "chị đại" Okoye (Danai Gurira).
Lại một cái tên khác lấy bối cảnh Anh Quốc trung đại cũng góp mặt vào danh sách đề cử cho Trang phục xuất sắc nhất năm nay, The Favourite dựa trên những dữ kiện có thật về nữ hoàng Anne (Olivia Colman) vào thế kỷ XVIII.
Tạm quên đi những bộ phim cung đấu của Trung hay Hàn với việc những oanh yến chốn cung đình cùng tranh giành sự sủng ái của đức vua, The Favourite lại đề cập đến vấn đề tranh sủng giữa hai cô nàng quý tộc để trở thành "bạn tri kỷ" của nữ hoàng Anne, từ đó nuôi mộng nắm giữ quyền lực chi phối khủng khiếp trong chế độ quân chủ thời bấy giờ.
The Favourite là một tác phẩm mang đậm dấu ấn nữ quyền khi mà vai trò của các nữ quý tộc được nâng lên vượt bậc.
Lấy lòng những mọt phim nữ bằng những bộ cánh to bự hút mắt, nhà thiết kế từng cầm trên tay 3 tượng vàng Oscar – Sandy Powell chỉ dùng hai màu đơn sắc làm chủ đạo cho toàn bộ trang phục của The Favourite. Đơn giản, tinh tế và sạch sẽ, không chỉ có màu sắc mà cả kiểu dáng, độ trương phồng của tầng váy hay tay áo cũng tạo nên điểm nhấn cho bối cảnh nhân vật.
Tưởng đã lỗi thời, thể loại phim về cao bồi miền viễn tây lại một lần nữa tái sinh bằng khúc ca The Ballad Of Buster Scruggs. Thông qua loạt chuyện kể được thể hiện bởi các góc nhìn khác nhau, loạt phim đã mang khán giả đến gần hơn với bức tranh miền viễn tây của những con người kham khổ vật vờ giữa sự sống và cái chết.
Trang phục tưởng chừng nhẹ nhàng thế này thế mà lại đủ để đánh tiếng tượng vàng Oscar rồi!
Tạm không suy xét đến tầng nghĩa nghệ thuật thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng lại khá sâu sắc của bộ phim, chỉ xét riêng về trang phục chúng ta đã thấy được sự đầu tư chất xám không thể bỏ qua của đội ngũ sản xuất The Ballad Of The Buster Scruggs. Tuy kinh phí của bộ phim không lớn, song những gì cần có ở một vở kịch cuộc đời nơi miền tây nước Mĩ vẫn được bộc tả một cách chi tiết và đầy đủ. Không hào nhoáng như cung đình nước Anh hay đồ sộ tựa quốc gia công nghệ mới Wakanda, bộ phim vẫn là một trong những đối thủ tiềm năng trên con đường giành lấy tượng vàng năm nay.
Văn hóa nước Anh là một "mỏ vàng" cho những nhà nghệ thuật khi từng ngóc ngách của đời sống nơi đây, dù ở thời điểm nào hay bối cảnh nào cũng đều có thể trở thành nguyên liệu đắt giá trên màn ảnh. Sau 25 năm kể từ khi phần phim gốc huyền thoại đầu tiên được ra mắt, Mary Poppins (Emily Blunt) đã trở lại và lợi hại hơn xưa, không chỉ mang điều nhiệm màu đến với trẻ em mà còn len lỏi vào cuộc sống của những con người trưởng thành.
Bom tấn cho gia đình từng hoành hành mùa Giáng Sinh ngày nào liệu có làm nên chuyện?
Đây là đề cử thứ hai của Sandy Powell trên thảm đỏ Oscar năm nay, trong khi The Favourite là phiên bản tái dựng của chốn cung đình kiêu kỳ Anh Quốc thì Mary Poppins Returns lại là một lát cắt mỏng của văn hóa nước này vào những năm 1930.
Ngoài Mary Poppins với trang phục được cải biên sơ lược từ những phiên bản trước, trong lần xuất hiện này, Sandy còn phải ra sức chăm sóc cho vẻ ngoài của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là những đứa trẻ tinh nghịch của nhà Banks. Không chỉ dừng lại ở trang phục, kiểu tóc cùng với phụ kiện như vớ, giày, túi xách cũng được trau chuốt sao cho phù hợp với bối cảnh phim. Tuy được đánh giá chỉ nằm ở mức trung bình trên mặt trận Oscar năm nay, Mary Poppins Returns vẫn còn có cơ hội để tạo nên kỳ tích trong lễ trao giải tượng vàng danh giá.
Đón xem lễ trao giải Oscar lần thứ 91 diễn ra vào sáng ngày 25/2/2019 (giờ Việt).