Tại toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Đầu tư vào vàng , chứng khoán hay bất động sản nửa cuối năm?” chiều 5/7, ông Báu cho biết, trong 6 tháng đầu năm vàng nhẫn là kênh đầu tư có hiệu suất tốt nhất trong số các kênh như cổ phiếu, trái phiếu, USD, tiền gửi, trái phiếu chính phủ. Cụ thể, giá vàng nhẫn tăng gần 22%.
Vàng nhẫn tăng gần 22% trong 6 tháng đầu năm.
Trong khi đó, vàng miếng SJC chỉ tăng hơn 4%. Ông Báu cho rằng, mùa xuân đẹp nhất của vàng đã đi qua nhưng sẽ còn “làn gió xuân” mới thổi về. Ví dụ như câu chuyện ngân hàng trung ương các nước có thể tích thêm vàng trước sức ép về sự thay đổi đồng tiền dự trữ hay việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất… Đây sẽ là động lực cho giá vàng trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Hoàng Phương - Chuyên gia Tài chính, Cố vấn Quản lý gia sản CTCP FIDT - cho rằng vàng vẫn còn cơ hội . “Ngay từ đầu năm chúng tôi đã khuyến nghị nhà đầu tư nên có vàng trong danh mục và chúng tôi chọn vàng nhẫn bởi đối với vàng miếng, Việt Nam đang phải giải quyết vấn đề liên quan đến chính sách. Do đó, vàng nhẫn an toàn hơn vì biến động sát hơn với thế giới”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, n ếu thống kê 10 năm qua, vàng được xem là kênh rủi ro cao nhưng đem lại lợi nhuận thấp. Nguyên nhân vì trong một chu kỳ kinh tế kéo dài, lạm phát thấp thì vàng không phát huy được giá trị của mình. Nhưng tính trong chu kỳ 50 năm thì câu chuyện hoàn toàn khác vì xảy ra nhiều giai đoạn lạm phát cao, rủi ro địa chính trị tăng, như vậy vàng sẽ phát huy lợi thế.
Ông Phương dẫn chứng giai đoạn từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, lạm phát trỗi dậy, địa chính trị cũng biến động. Như vậy, môi trường vĩ mô đang ủng hộ vàng. Do vậy, nhà đầu tư cần có vàng những yếu tố này đang xảy ra và vẫn còn đang diễn ra.
Ông Tạ Thanh Tùng - Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn Bất động sản CTCP FDIT - cho rằng, nhà đầu tư vẫn nên có vàng trong danh mục. Tuy nhiên, tỷ trọng không nên quá nhiều vì là tài sản phòng thủ, khoảng 5%. Nhận định trong ngắn hạn, ông Tùng cho rằng vàng vẫn còn dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nhưng dư địa không còn quá nhiều. Nếu kinh tế thế giới tốt hơn thì giá sẽ ổn định hơn.
Trong ngắn hạn, nhà đầu tư có thể nắm giữ vàng nhưng không phải quá hấp dẫn để tăng tỷ trọng. Về mặt dài hạn, nắm giữ các tài sản khác hấp dẫn hơn.
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Vietnam, vàng là tài sản nên nắm giữ khi có những bất ổn về kinh tế, chính trị. Tuy nhiên, giai đoạn bất ổn nhất cũng đã qua. Do vậy, dư địa để giá vàng tăng hơn nữa không còn nhiều.