Ông Nguyễn Kiệt, Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam bộ cho biết như trên.
Theo ông Kiệt, mưa trái mùa có thể còn tiếp tục diễn ra trên diện rộng ở TP.HCM nói riêng và Nam bộ nói chung. Tuy nhiên, lượng mưa có thể giảm so với những ngày qua.
Trận mưa chiều 1-4 có lượng mưa lớn nhất từ đầu năm 2017 đến nay, có 22 tuyến đường ở TP.HCM bị ngập. Ảnh: M.Phong
Về tình trạng mưa trái mùa xảy ra nhiều từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP.HCM, ông Kiệt cho biết, kết quả thống kê một số trạm đo mưa cho thấy, lượng mưa trái mùa tăng từ 300 -400% so với những năm trước.
“Đây là hiện tượng bất thường, chúng tôi đang tiếp tục phân tích dữ liệu để sớm đưa ra nhận định về diễn biến và xu hướng mưa trong năm nay”, ông Kiệt cho biết thêm.
Liên quan đến tình trạng ngập nước do mưa trái mùa gia tăng trên địa bàn TP.HCM, trong báo cáo cho UBND TP, trung tâm Chống ngập TP cho biết, cơn mưa chiều tối 1-4, là trận mưa cực đoan trái mùa, lớn nhất từ đầu năm 2017 đến nay.
Lượng mưa chiều tối 1-4 ở địa bàn TP.HCM
Số liệu do trung tâm chống ngập báo cáo, chỉ trong thời gian khoảng 1 giờ 30 phút, lượng mưa đã đạt gần 150 mm, vượt xa tần xuất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay.
Cũng theo Trung tâm Chống ngập, sau trận mưa 1-4, trên địa bàn TP.HCM có 22 tuyến đường bị ngập. Trong đó, có 20 tuyến đường thuộc kế hoạch xóa giảm ngập giai đoạn 2016-2020.
Theo Trung tâm Chống ngập, tình trạng xả rác lấp bít miệng thu nước làm gia tăng tình trạng ngập. Ảnh: K.B
Về nguyên nhân, theo trung tâm chống ngập, thời điểm xảy ra mưa lớn cùng lúc với thời điểm đỉnh triều đang lên, đỉnh triều lúc 19h30 ngày 1-4 là +1.47m, do đó làm tăng mức độ ngập và giảm thời gian nước rút trên các tuyến đường, đặc biệt là những khu vực trũng thấp.
“Tình trạng xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu hầm ga, kênh rạch) còn phổ biến. Khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn trôi rác vào lưới chắn rác làm cản trở dòng chảy... Tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch còn phổ biến…”, Trung tâm chống ngập nêu thêm nguyên nhân.