Người trẻ hiện nay đang có xu hướng tìm đến dự án chung cư đang trong quá trình xây dựng để tìm kiếm cơ hội sở hữu 1 ngôi nhà cho riêng mình, bởi vì hình thức mua nhà này phù hợp với những người trẻ có thu nhập chưa cao. Tuy nhiên, ngoài ưu điểm về mặt tài chính, mua căn hộ trong chung cư chưa xây xong ẩn chứa một số rủi ro tài chính mà người mua nhà cần cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Gia đình Nhã Cúc (30 tuổi, kinh doanh tự do) đã quyết định mua nhà khi ra ở riêng, chốt mua căn hộ 80m2, 3 phòng ngủ ở Hà Nội vào 2 năm trước khi dự án bắt đầu xây. Được biết giá nhà lúc này chưa cao, phù hợp với tài chính gia đình. Cụ thể, Nhã Cúc mua nhà khi dự án bắt đầu triển khai xây dựng, chủ đầu tư sẽ chia ra thành các đợt (khoảng 8 đợt) trả tiền trong vòng 2 năm. Trung bình mỗi đợt, vợ chồng cô đóng khoảng 300 - 400 triệu đồng, lần cuối cùng sẽ nộp khoảng 10% giá trị căn hộ khi nhận bàn giao nhà.
"Lúc đó, mình nghĩ nếu đợi đủ tiền mới mua có lẽ giá nhà cũng tăng lên nhiều, trong khi mua nhà lúc bắt đầu dự án xây dựng thì được đóng tiền theo từng đợt, thiếu đâu vẫn có thể vay mượn. Ngoài ra, mình nghĩ rằng khi đã sở hữu nhà, vợ chồng sẽ có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm hợp lý và động lực làm việc kiếm tiền hơn, vì vậy sẽ nhanh trả được tiền vay mua nhà".
Căn hộ của gia đình Nhã Cúc
Cũng giống gia đình Nhã Cúc, Phi Hùng (29 tuổi) đã mua căn hộ thuộc chung cư đang xây vào năm 2019. Giá căn nhà hơn 3 tỷ, diện tích 70m2 tại Quận 9, TP Hồ Chí Minh. Phi Hùng chia sẻ mua căn hộ thuộc chung cư đang xây tức là việc thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai được thực hiện nhiều lần. Vì chủ đầu tư của chung cư Phi Hùng mua là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên chỉ thanh toán đến 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm trước khi bàn giao. Do vậy, bài toán tài chính cũng không quá áp lực, mọi thứ trong tầm kiểm soát.
Bên cạnh đó, với số tiền ban đầu chỉ có vỏn vẹn 300 triệu, vợ chồng Nhật Linh (29 tuổi) đã sở hữu được căn nhà đầu tiên vì lựa chọn mua căn hộ trong chung cư đang xây. Nhật Linh cùng chồng chọn xem nhà dự án chưa xây xong, ở khu vực xa trung tâm 15-20km để phù hợp hơn với điều kiện kinh tế gia đình. Sau khi xem nhà mẫu, khi cảm thấy phù hợp thì gia đình Nhật Linh đặt cọc 30 triệu, sau đó 1 tuần ký hợp đồng góp vốn 10% giá trị căn nhà.
Căn hộ gia đình Nhật Linh đang sở hữu
Dù việc chọn mua căn hộ dự án chưa xây xong có lợi trên khía cạnh tài chính, tuy nhiên nó cũng có những rủi ro nhất định. Nhật Linh nhấn mạnh rằng bản chất hợp đồng này sẽ có rủi ro, giống 1 dạng đầu tư vì dự án chung cư này lúc đó chưa có giấy phép xây dựng, chưa có hồ sơ pháp lý được phê duyệt nên chưa được mở bán chính thức. Nếu như dự án suôn sẻ, xây đúng tiến độ, đây là khoản đầu tư khá hợp lý. Còn nếu trong trường hợp ngược lại, người đi mua rất có thể mất tiền, 10% của 1 căn hộ chung cư là con số không nhỏ. Đến bước này, Nhật Linh chia sẻ rằng chỉ có thể đặt niềm tin vào chủ đầu tư uy tín, có thể hoàn thành dự án nhanh chóng, đúng tiến độ.
Trong trường hợp của vợ chồng Nhật Linh, sau 2 tháng, chủ đầu tư đã hoàn thành phần móng, có giấy phép xây dựng, ký hợp đồng mua bán căn hộ. Khi ký hợp đồng này, người mua sẽ phải đóng đủ 30% giá trị căn hộ. Trong 2 năm sau, gia đình Nhật Linh đã đóng đủ 40% giá trị căn hộ. Cuối cùng, trước khi nhận nhà sẽ phải đóng nốt 32% giá trị căn hộ, trong đó 2% là đóng quỹ bảo trì chung cư.
Bên cạnh đó, Phi Hùng cho rằng để tránh những rủi ro khi mua chung cư đang xây dựng, cậu bạn đã kiểm tra nhiều dự án trước khi lựa chọn căn hộ này có chủ đầu tư nước ngoài với thiết kế hiện đại. "Hồ sơ pháp lý khá ổn, đặc biệt chủ đầu tư cung cấp cả thư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai nên tâm lý lúc đó cũng khá tin cậy chủ đầu tư nước ngoài. Nếu không phải là nhà đầu tư mục đích mua để bán lại, kiếm lời ngắn hạn mà chỉ là người mua để ở, theo mình nên mua căn hộ khi dự án đã có Giấy phép xây dựng và Thông báo đủ điều kiện huy động vốn (bán hàng) của Sở Xây dựng, giúp hạn chế phần nào khả năng gánh chịu rủi ro nhất".
Căn nhà của Phi Hùng
Theo trải nghiệm cá nhân, Nhã Cúc nhấn mạnh rằng để hạn chế những rủi ro, mình cần phải tìm hiểu kỹ chủ đầu tư dự án, uy tín. Tìm hiểu dự án có đang gặp vấn đề về pháp lý, kiện cáo gì không, đọc kỹ hợp đồng mua hàng, các điều khoản, quyền lợi của người mua nhà.
Ảnh: NVCC