Mua bán nội tạng - cạm bẫy với người dân tị nạn ở Ai Cập

Yến Chi, Theo An ninh Thủ đô 10:47 13/02/2019
Chia sẻ

Mong muốn đến châu Âu, những người di cư từ châu Phi đang tìm đến Ai Cập bán nội tạng của mình để có tiền trang trải cho chuyến đi của họ.

Mua bán nội tạng - cạm bẫy với người dân tị nạn ở Ai Cập - Ảnh 1.

Góc tối trong cuộc sống thường ngày ở Cairo là những hoạt động ngầm buôn bán nội tạng

Đội mũ bóng chày và hút tẩu shisha trong quán cà phê ở Cairo, Dawitt nói anh ta mới 19 tuổi và rời quê hương Eritrea (một quốc gia châu Phi, giáp Sudan về phía Tây, Ethiopia về phía Nam) khi 13 tuổi để tránh bị ép buộc đi nghĩa vụ quân sự. Gia đình Dawitt đã trả tiền cho những kẻ buôn người để đưa chàng trai này qua Sudan đến Ai Cập. Trước món nợ lớn và không thể vượt biển đến châu Âu, Dawitt bắt đầu tìm việc để kiếm sống. Thanh niên này sau đó có gặp một người đàn ông Sudan gợi ý cho anh ta cách kiếm tiền “an toàn và dễ dàng” - bán một quả thận.

“Tôi nghĩ đó là một cách tốt để kiếm tiền nhanh chóng và đi sang châu Âu. Tôi đã lo lắng, nhưng người đó đã thuyết phục tôi rằng đó là một ca phẫu thuật đơn giản và có thể sống bình thường với một quả thận. Làm sao có thể nói không với 5.000 USD khi tôi không có gì và gia đình cần sự giúp đỡ?”.

Mắc bẫy lừa bán thận để vượt biên

Dawitt đã được xét nghiệm máu và nước tiểu, sau đó được đưa đi phẫu thuật. “Chúng tôi lái xe cả đêm để đến bệnh viện. Tôi nhớ là đi xuống cầu thang và chờ nói chuyện với bác sĩ. Tôi bước vào một căn phòng, được yêu cầu thay quần áo và nằm xuống giường. Tất cả những gì tôi nhớ sau đó là tỉnh dậy, cảm thấy đau nhói ở bên cạnh sườn. Tôi bắt đầu la hét và chửi rủa cho đến khi người môi giới đến đưa tôi trở về căn hộ”.

Sau ca phẫu thuật, Dawitt được người môi giới có tên Ali đưa đến một căn hộ ở quận Mohandessin của Giza để tĩnh dưỡng. Anh được giới thiệu với Isaac, người Eritrea hứa sẽ đưa anh đến Damietta, nơi có sẵn một chiếc thuyền đánh cá chuẩn bị vượt biển tới Sicily. Người môi giới khuyến khích Dawitt chấp nhận lời đề nghị của Isaac, rằng anh ta sẽ chuyển tiền Dawitt bán thận cho chuyến đi đó.

“Tôi cảm thấy rất thoải mái sau khi nói chuyện với Isaac. Anh ta là đồng hương Eritrea với tôi và trông không giống kẻ lừa đảo. Isaac còn nói anh ta đưa hàng trăm người đi mỗi tháng và không cần tiền. Anh ta làm cho tôi có cảm giác như anh ta muốn giúp đỡ vì quý mến tôi. Chúng tôi trao số điện thoại và Isaac bảo cứ gọi khi tôi đã sẵn sàng”.

Hai tuần sau, Dawitt cảm thấy đã khỏe lại sau ca phẫu thuật. Anh gọi cho Isaac để xác nhận việc sắp xếp vượt biển sang châu Âu. Nhưng số điện thoại không liên lạc được, Ali cũng biến mất, Dawitt đành trình báo cảnh sát.

Mua bán nội tạng - cạm bẫy với người dân tị nạn ở Ai Cập - Ảnh 2.

Asha, người gốc Sudan cho xem vết sẹo sau khi bị ép buộc mổ thận tại Cairo

“Tôi bị khóa lại và lấy thận”

Một nạn nhân khác tên là Asha, người Sudan kể rằng, cô được tuyển dụng ở Khartoum và đưa đến Cairo. “Họ nói sẽ tìm việc cho tôi và đưa tôi đến Italia. Tôi không tin tưởng những người đó, nhưng tôi không thể ở lại Khartoum. Các con tôi bị bệnh. Vì vậy, tôi nghe theo bọn họ”.

Khi đến Cairo, Asha được thông báo rằng cô sẽ không đến châu Âu. Thay vào đó, cô sẽ “hiến tặng” quả thận của mình. Asha được hứa trả cho 2.000 USD nếu nghe theo. Nếu không, những người đàn ông nói, họ sẽ lấy quả thận của cô bằng vũ lực.

Asha được taxi đưa đến một căn hộ ở Alexandria. “Tôi biết đó là Alexandria vì tôi có thể nhìn thấy biển. Họ nhốt tôi trong phòng và bảo tôi nghĩ về các con tôi”. Sau ca phẫu thuật, Asha đã trình báo vụ việc với cảnh sát. Gã môi giới bị bắt và tạm giữ trong 30 ngày, sau đó được thả ra mà không bị buộc tội.

Asha luôn sống trong nỗi sợ hãi vì những lời đe dọa của những kẻ môi giới. Cô nói rằng chúng dọa nếu cô không rút lại đơn kiện, các con cô sẽ phải gánh chịu hậu quả. “Tôi rất lo cho các con tôi, biết đâu có ngày bọn họ cũng sẽ đến lấy nội tạng của chúng”.

Tâm sự của kẻ môi giới

Theo một báo cáo năm 2018, Văn phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc đã thu thập dữ liệu về 700 vụ buôn bán nội tạng tại Bắc Phi và Trung Đông. Tuy nhiên, quy mô thực sự của “ngành công nghiệp” này rất khó đánh giá, vì phần lớn các trường hợp không được báo cáo, do các nạn nhân không muốn tố cáo bởi sợ bị trục xuất, bắt giữ hoặc xấu hổ.

Trong một quán cà phê nằm trên con phố gần quảng trường Tahrir ở Cairo, Ibrahim giới thiệu anh ta là người chuyên tuyển người di cư trong một mạng lưới buôn người hoạt động dọc theo bờ biển phía Bắc Ai Cập. “Mọi người tìm đến tôi để được đưa đi vượt biên. Tôi xác nhận thanh toán với ông chủ, sau đó, tôi đưa người từ Cairo đến Alexandria. Họ ở trong các nhà kho của trang trại gà và đợi cho đến khi mọi công việc chuẩn bị đã sẵn sàng”.

Để đối phó với nhà chức trách, những kẻ buôn lậu ở Ai Cập và Libya đã tăng phí từ 1.500 lên 3.500 USD để duy trì lợi nhuận. Khách hàng không đủ tiền được bọn chúng giới thiệu với bên môi giới nội tạng ở Cairo. “Có một số người chỉ quan tâm đến việc nhận tiền. Họ không quan tâm anh có đến được đích hay là chết trên biển. Đây là lý do tại sao tôi khuyên mọi người nên thanh toán trước, ngay cả khi điều đó có nghĩa là bán đi một bên thận của mình”, Ibrahim biết rằng những gì anh ta đang làm là bất hợp pháp nhưng biện minh, “Tôi không thấy công việc của mình là tồi tệ vì tôi đang giúp mọi người thay đổi cuộc sống của họ tốt hơn”.

“Chợ đen” hoạt động mạnh dù đã có luật cấm

Lĩnh vực buôn bán thận dường như đang phát triển mạnh ở Ai Cập, một phần bởi Liên minh châu Âu (EU) siết chặt quy định với người tị nạn, thế nên những kẻ buôn lậu, môi giới nội tạng săn tìm những người đang cần tiền để vượt Địa Trung Hải. Nhiều bằng chứng cho thấy những kẻ môi giới đang tiếp cận người di cư với lời đề nghị đưa sang châu Âu để đổi lấy việc hiến tạng.

Với ý định rời khỏi Ai Cập bằng mọi cách, người di cư đang trở thành mục tiêu để mua bán nội tạng. Điều trớ trêu đây là hệ quả của chính sách “lập biên giới từ bên ngoài” EU khi các quốc gia châu Âu tài trợ để tăng cường năng lực của các quốc gia châu Phi như Libya, Ai Cập và Sudan trong quản lý người di cư. Số liệu do Ủy ban châu Âu công bố năm 2018 cho thấy, ngày càng ít người trốn sang châu Âu qua bờ biển phía Bắc Ai Cập. Tuy nhiên, việc đóng cửa biên giới đã đẩy nhiều người rơi vào đường cùng và gia tăng các mạng lưới tội phạm.

Năm 2010, Ai Cập đã ban hành một đạo luận cấm buôn bán nội tạng nhưng điều đó khiến cho các hoạt động buôn bán ngầm diễn ra mạnh hơn. Vào tháng 7-2018, số liệu của Bộ Y tế Ai Cập cho biết, 37 người đã bị buộc tội liên quan đến tội danh buôn bán bất hợp pháp các bộ phận cơ thể người.

“Chính quyền Ai Cập tiếp tục thận trọng theo đuổi, điều tra và đưa ra công lý bất kỳ tội ác nào về buôn bán nội tạng theo các quy định nghiêm ngặt của luật hình sự. Hơn nữa, những buôn bán bất hợp pháp ghê tởm như vậy không bao giờ chính quyền và cơ quan thực thi pháp luật của Ai Cập bỏ qua. Chúng tôi sẽ tiếp tục chống lại những tội ác như vậy và đưa những kẻ tham gia buôn bán nội tạng ra công lý, đồng thời bảo vệ công dân Ai Cập cũng như cộng đồng người tị nạn và người di cư của chúng tôi”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập khẳng định.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày