Victor Frankenstein - Liệu khoa học có bị lạc đường?

Dương Kinh, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 04/12/2015

“Victor Frankenstein” đã đem đến cho khán giả một cái nhìn mới về vị bác sĩ tâm thần vốn đã ngủ yên gần 2 thập kỷ qua trên trang sách của Mary Shelley.

Những trang sách của Mary Shelley chưa bao giờ nguội khi các nhà làm phim thay phiên nhau lôi chúng lên màn ảnh. Cuốn tiểu thuyết giả tưởng nổi tiếng mang tên Frankenstein của bà đã trở nên nhẵn mặt với các tín đồ điện ảnh khi có hơn 457 bản phim chuyển thể. Tưởng chừng Victor Frankenstein của đạo diễn Paul McGuigan sẽ chìm nghỉm trong hàng trăm cái tên khác, nhưng bất ngờ thay, phim lại tạo nên một nét chấm phá độc đáo về cuộc đời của nhà khoa học tâm thần lừng danh này.

Không tạo ra một bộ phim quái vật đẫm máu như những người tiền nhiệm, Paul McGuigan tập trung định nghĩa lại khái niệm của từ vựng này. Sinh vật báng bổ mà Frankenstein tạo ra là quái thú hay chính ông mới là con quái vật thực sự?


Victor Frankenstein “phản bội” nguyên tác của Mary Shelley khi thuật lại tác phẩm của bà thông qua lăng kính khác màu. Phim thay máu quyển tiểu thuyết nguyên thủy, hư cấu nên một nhân vật quan trọng trong đường dây câu chuyện. Thay vì trực tiếp dẫn dắt người xem bước vào thế giới cuồng loạn của Frankenstein, phim sáng tạo nên nhân vật anh chàng trợ lý Igor Strausman khiến góc nhìn câu chuyện về Prometheus thời hiện đại trở nên khách quan và đa chiều hơn.

Victor Frankenstein không còn sa đà miêu tả độ ghê rợn của con quái vật mà đặt ra những dấu chấm hỏi lớn trong mâu thuẫn giữa tôn giáo và khoa học, giữa sự phát triển của khoa học và bước tiến hóa tự nhiên của loài người. Hồi sinh người không đáng chết và tạo ra thứ không nên tồn tại là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau, song đam mê khoa học quá lớn đã che mờ đôi mắt của những con người nhiệt huyết này. Một lần nữa, phim khơi gợi câu hỏi mà “mẹ đẻ” Mary Shelley cũng tự vấn chính mình thông qua tác phẩm: "Giới hạn nào dành cho khoa học trước quy luật của tự nhiên?"

Victor Frankenstein không phải là một bộ phim xuất sắc nhưng chắc chắn bạn sẽ không thể ngủ gật khi xem phim. Kết cấu chặt chẽ cùng nhịp phim kịch tính khiến Victor Frankenstein hút hồn khán giả trên từng khung hình. Mặc dù đoạn mở đầu của phim khiến người xem chỉ muốn uống ngay một viên Paracetamol vì lối dựng gây chóng mặt, nhưng càng về sau, phim dần đi vào quỹ đạo của nó. Các tình tiết trong phim được phát triển nối đuôi nhau, sự việc này sinh ra sự việc khác tạo nên một cấu trúc đồng nhất và logic.

Mặc dù tạo ra hướng đi mới cho câu chuyện nhưng Victor Frankenstein không tạc nên một tượng đài lạ lẫm về vị bác sĩ này. Ngược lại, phim là hệ quy chiếu tổng hợp tất cả các ý niệm qua hàng trăm năm nay về Frankenstein. Phim có nhiều tình tiết mới nhưng lại dễ đoán chính vì sự quen thuộc từ trong tiềm thức của những người đã từng biết về Frankenstein. Đạo diễn Paul McGuigan khéo léo mang đến cho khán giả một chiếc “bình mới rượu cũ”, đảm bảo được cả tính giải trí lẫn thông điệp của tác phẩm.


Nếu như ngòi bút của Mary Shelley không can thiệp nhiều vào các tri thức khoa học thì Victor Frankenstein lại cho khán giả các nhìn tổng quát bằng cách thuật ngữ và nguyên lý của quá trình tái tạo sự sống. Thay vì thiết lập bối cảnh vào năm ra đời của cuốn tiểu thuyết (1818), phim đưa câu chuyện đến tận năm 1860, thời điểm mà công nghệ đang manh nha ở ngưỡng cửa mới. Mary Shelley có tầm nhìn đi trước thời đại còn Paul McGuigan lại đặt Frankenstein vào đúng thời điểm “nên” ra đời của nó.

Có lẽ phần đông khán giả kéo đến rạp chỉ để mục sở thị thứ quái thai mà Frankenstein tạo ra. Tuy nhiên, phim đã tạo một cú sốc phản vệ lớn khi Victor Frankenstein chưa đủ là một bộ phim quái vật thực thụ như nhiều người kỳ vọng. Trong các trang viết của Mary Shelley, bà đã rải đầy máu tanh trên những trường đoạn Frankenstein trả giá cho bước đi sai lầm của mình. Nhưng trong phim, đó chỉ đơn thuần là cuộc đấu tranh sống còn giữa ông và thứ mà ông nghĩ là cả sự sống của mình. Phân đoạn cao trào này có thể hiểu chính là quá trình tự nhận thức của vị bác sĩ “thiên tài – thiên tai” Frankenstein.

Phim sáng tạo nên một cái kết đẹp nhưng nông, vô tình tát một cái thật mạnh vào những tư tưởng truyền đạt trước đó. Xây được đến tầng 10, người xem chờ phim bước lên tầng 11, nhưng tiếc thay phim trượt dốc bằng một đoạn kết phổ thông có thể tìm thấy trong hàng nghìn bộ phim cùng thể loại, đồng thời thiếu sự tương xứng với mạch phim trước đó. Dẫu vậy, cái kết an toàn này vẫn rất diễm tình với nhiều khán giả.


Hai chàng lùn của Hollywood là James McAvoyDaniel Radcliffe đã có màn tung hứng ăn ý trong thân phận những người cộng sự theo đuổi giấc mơ điên rồ. Tuy nhiên, Paul McGuigan có lẽ đã quá tay khi khắc họa mối quan hệ này bằng nhiều tình tiết khá đam mỹ, khiến chuyện tình của Igor và bóng hồng Lorelei trở nên hời hợt. Nữ chính Jessica Brown Findlay bị biến thành “khung nền” tuyệt đẹp cho hai nam chính.

James McAvoy đã chứng tỏ khả năng diễn xuất đa dạng của mình qua nhân vật Frankenstein. Ánh mắt chạm giữa ranh giới của đam mê và cuồng loạn, biểu cảm khuôn mặt như không còn làm chủ chính mình, McAvoy chính là tấm gương phản chiếu quá trình Frankenstein chuyển mình từ một kẻ yêu nghiên cứu khoa học cho đến gã bác sĩ tâm thần sẵn sàng chết để “tác phẩm” của mình được sống.


Về phía Daniel Radcliffe, nhân vật Igor Strausman của anh không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng diễn xuất. Daniel chỉ dừng lại ở mức tròn vai và chưa có sự đột phá. Mặc dù vậy, “Thúy Kiều sẽ không thể nổi bật nếu không có Thúy Vân”, Igor của Daniel đã tạo nên bệ phóng để McAvoy có nhiều đất diễn thể hiện ngón nghề của mình.

Giữa hàng trăm bộ phim về Prometheus thời hiện đại, Victor Frankenstein đã tìm được chỗ đứng cho riêng mình. Chắc chắn phim không thể trở thành cái tên được nhắc đến mãi trong lịch sử điện ảnh nhưng Victor Frankenstein đã thổi một làn gió mới làm sống dậy vị bác sĩ tâm thần vốn ngủ yên gần 2 thế kỷ qua.

Victor Frankenstein được phát hành trên toàn quốc kể từ ngày 27/11/2015.