Mỗi quốc gia trên thế giới đều có một ngày đặc biệt gọi là Ngày quốc khánh để đánh dấu một sự kiện lịch sử, chính trị hoặc văn hóa gắn liền với lịch sử nhà nước hiện tại của quốc gia đó, chẳng hạn như ngày khai sinh của quốc gia, ngày giành được độc lập, lật đổ chế độ cũ hoặc ngày thông qua hiến pháp... Đối với Pháp, ngày quốc khánh chính là Bastille Day, ngày mà toàn thể người dân đồng loạt nổi dậy lật đổ nền quân chủ chuyên chế do nhà vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette đứng đầu.
Bastille Day là gì và tại sao được gọi là ngày Quốc khánh của Pháp?
Bastille được xây dựng với vai trò là pháo đài và kho vũ khí vào những năm 1300 trong thời kỳ chiến tranh Trăm Năm (Hundred Years' War) giữa Anh và Pháp kéo dài từ năm 1337 đến năm 1453 nhằm giành giật lãnh thổ và ngôi vua Pháp. Bastille được thiết kế để bảo vệ lối vào phía đông của thành phố Paris. Pháo đài Bastille dài 33 mét, rộng 34 mét và các tháp cao 24 mét, được bao quanh bằng hào nước rộng 25 mét, sâu 8 mét lấy nước từ sông Seine. Tám ngọn tháp của pháo đài mang tên Coin, Chapelle, Trésor, Comté, Bertaudière, Basinière, Puits và Liberté.
Đến thời vua Louis XVI, Bastille được sử dụng như một nhà ngục. Nó là nơi giam giữ các nhà hoạt động chính trị nhưng không được lòng vua và có tư tưởng chống đối.
Chân dung vua Pháp Louis XVI.
Mặc dù phải gánh các khoản nợ khổng lồ từ vương triều trước nhưng nhà vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette lại không thương cho dân chúng mà tiếp tục tiêu tiền không biết xót, vung tay quá trán, chẳng hạn như việc giúp các thuộc địa Mỹ thoát khỏi ách nô lệ của người Anh. Đến cuối những năm 1780, Pháp đứng trên bờ vực của thảm họa kinh tế.
Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi mùa màng thất bát dẫn đến nạn đói trên toàn quốc vào năm 1788. Giá bánh mì tăng cao đến nỗi công nhân đã phải chi 88% lương mới có 1 bữa ăn. Thất nghiệp cũng là một vấn đề, dân chúng đổ lỗi cho chính sách giảm thuế hải quan giữa Pháp và Anh. Sau một mùa đông khắc nghiệt, bạo loạn đã bắt đầu bùng nổ khắp nước Pháp.
Trong một nỗ lực để giải quyết khủng hoảng, Louis XVI triệu tập một hội đồng quốc gia chia các tầng lớp xã hội thành ba nhóm: giáo sĩ (First Estate), quý tộc (Second Estate) và thường dân (Third Estate). Tháng 6 năm 1789 khi tầng lớp bình dân (Third Estate) trong Hội nghị đơn phương tuyên bố họ là Quốc hội. Tình hình diễn biến phức tạp hơn khi ngày 20 tháng 6, 576 trong số 577 đại biểu thuộc Third Estate tụ họp tại một sân quần vợt trong nhà cùng thề nguyện đoàn kết và đấu tranh cho đến khi hình thành một hiến pháp. Ngày 9 tháng 7, tuyên bố thành lập Quốc hội Lập hiến.
Ngày 11 tháng 7 năm 1789, vua Louis XVI cùng hoàng hậu Marie Antoinette và em trai, Quận công Artois, đã trục xuất vị bộ trưởng cải cách Jacques Necker và tái cơ cấu lại tất cả các bộ.
Bức tranh minh họa cảnh chiếm ngục Bastille.
Vào ngày 14/7/1789, hàng ngàn người dân thành phố Paris, chủ yếu là công nhân, thợ thủ công và dân nghèo nổi dậy khởi nghĩa tấn công ngục Bastille. Sau ít giờ họ đã chiếm được ngục Bastille. Cuộc tiến chiếm nhà tù Bastille đã thúc đẩy phong trào cách mạng ở khắp các nơi, từ thành thị đến nông thôn, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc cách mạng Pháp. Như được tiếp thêm ngọn lửa cách mạng, nông dân, công nhân khắp nơi nổi dậy đánh phá thành lũy của địa chủ, đốt bỏ các văn tự thu thuế của chính quyền phong kiến. Sau đó vua Louis XVI bị phế truất. Chế độ quân chủ bị lật đổ, vua Louis XVI cùng hoàng hậu Marie Antoinette bị hành quyết.
Và từ đó trở đi Bastille Day đã trở thành Ngày Quốc khánh của nước Pháp, tượng trưng cho sự kết thúc "thời kỳ vương quyền cổ đại". Chính quyền cách mạng Pháp được thành lập và ra lệnh phá hủy nhà tù Bastille trong giai đoạn 1789-1790.
Người Pháp làm gì trong ngày Quốc khánh?
Kỷ niệm quốc khánh chỉ sau Mỹ 10 ngày, ngày quốc khánh 14.7 là một ngày quan trọng đối với người dân nước Pháp. Theo website của Điện Élysée, Pháp kỷ niệm ngày quốc khánh 14.7 hằng năm kể từ năm 1880.
Từ đó trở đi, mỗi năm, người Pháp đều kỷ niệm Ngày Quốc khánh với màn bắn pháo hoa, diễu hành, duyệt binh và tiệc tùng. Lễ kỷ niệm Quốc khánh 14/7 được bắt đầu với lễ duyệt binh trên Đại lộ Champs-Élyseés. Đến tối, người dân Pháp sẽ được chứng kiến màn bắn pháo hoa kéo dài 35 phút ở Tháp Eiffel. Là một ngày trọng đại đối với quốc gia nên không chỉ người dân Paris mà tất cả người dân trên đất nước này và cả những người Pháp sinh sống ở nước ngoài đều có những cách ăn mừng riêng bằng các bữa tiệc tùng.
Hình ảnh bnh lính Pháp duyệt binh trên Đại lộ Champs-Élyseés mừng Quốc khánh.
Không quân Pháp trình diễn máy bay để kỷ niệm Ngày Quốc khánh.
Năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời một số vị khách đặc biệt tới dự lễ kỷ niệm, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân.
Còn năm nay, vào ngày quốc khánh, người dân Pháp đang hân hoan trong niềm vui sướng gấp nhiều lần vì đội tuyển bóng đá quốc gia của họ đã giành vé vào trận chung kết World Cup sau rất nhiều năm lỡ hẹn với cúp vàng. Và niềm vui của họ có thể sẽ được nhân lên nhiều lần nếu tuyển Pháp lên ngôi vô địch sau đúng 20 năm, kể từ lần gần đây nhất họ được bước lên đỉnh vinh quang năm 1998.
Ngày quốc khánh năm nay, người dân Pháp đang hân hoan trong niềm vui sướng gấp nhiều lần vì đội tuyển bóng đá quốc gia của họ đã giành vé vào trận chung kết World Cup 2018.
Trong mùa World cup 2006, cũng vào tháng 7 lịch sử, đúng 5 ngày trước ngày Quốc khánh Pháp, đội tuyển Pháp đã tham gia trận chung kết với đội tuyển Italia tại sân vận động Olympic ở thành phố Berlin. Ở 90 phút đá chính, đội Italia đã hòa 1 – 1 nhờ bàn thắng của Materazzi vào phút thứ 19. Ở 30 phút đá hiệp phụ, tỷ số vẫn là 1 – 1. Italia đã đánh bại Pháp với tỷ số là 5 – 3 ở loạt sút luân lưu 11m.
Liệu người dân Pháp có được tận hưởng niềm vui chiến thắng thêm lần nữa? Câu trả lời sẽ có trong trận chung kết diễn ra vào ngày mai 15/7.
(Nguồn: History, Express, Wikipedia)