Tính cách của mỗi đứa trẻ đều khác nhau, một số trẻ hoạt bát, vui vẻ và một số trẻ hướng nội, ít nói. Tin rằng trong mắt nhiều người, ai cũng muốn con mình hướng ngoại hơn, và dường như họ rất không vừa lòng khi con mình bị đánh giá là người hướng nội.
Chẳng hạn, câu chuyện một cậu bé tên Tiểu Minh (Trung Quốc). Cậu thường ở nhà vào mỗi cuối tuần và đọc sách, ngoài việc hoàn thành bài tập mà trường giao, cậu ấy cũng sẽ đọc nhiều sách ngoại khóa. Đôi khi cha mẹ cảm thấy Tiểu Minh ở nhà quá lâu nên đề nghị con ra ngoài chơi với các bạn một lúc, nhưng lần nào đứa trẻ cũng từ chối. Điều này khiến phụ huynh đau đầu và cảm thấy con mình sống quá nội tâm, sợ con khó có triển vọng lớn trong tương lai.
Các thuật ngữ hướng nội và hướng ngoại được phổ biến thông qua công trình của bác sĩ tâm thần học, nhà tâm lý học Thụy Sĩ Carl Jung và sau đó trở thành phần trung tâm của các lý thuyết tâm lý khác (như Big-5 hay MBTI của Myers-Briggs). Theo ông, đặc điểm tính cách mọi người đều có cả hướng nội lẫn hướng ngoại. Tuy nhiên, họ sẽ thiên về cái này hơn cái kia.
Thật thú vị nếu trong gia đình bạn có một đứa trẻ hướng ngoại bởi chúng vui vẻ, năng động và nhiệt tình. Chúng thường có nhiều bạn và thường xuyên gặp gỡ bạn bè. Ngược lại, khi trong nhà có một đứa trẻ hướng nội, chắc chắn không tránh khỏi những lời khuyên như mạnh dạn lên, hãy ra ngoài nhiều một chút. Người hướng nội thường tập trung vào suy nghĩ và cảm xúc nội tâm. Họ thường thích ở nhà một mình hoặc với một người bạn rất thân thay vì ra ngoài gặp gỡ những người lạ.
Tuy nhiên, hướng nội và hướng ngoại đều không tốt hay xấu. Trẻ hướng ngoại có thể nổi bật và trẻ hướng nội cũng có thể đạt được điều gì đó, thậm chí không kém gì trẻ hướng ngoại. Vì vậy, điều quan trọng là không có loại nào tốt hơn loại nào.
Mỗi loại hướng nội hay hướng ngoại đều có lợi ích và nhược điểm tùy thuộc vào mỗi tình huống. Bằng cách hiểu rõ hơn về tính cách, bạn có thể chấp nhận đứa trẻ, chọn lối sống và cách giáo dục phù hợp với sở trường của con mình. Đó mới chính là yếu tố quan trọng để đứa trẻ trưởng thành trong tương lai.
1. Quan sát mạnh mẽ hơn
Một số trẻ hướng nội không thích nói chuyện, điều này khiến trẻ có nhiều thời gian và năng lượng hơn để quan sát sự việc và quan sát người khác. Nếu trẻ có kỹ năng quan sát tốt, trẻ sẽ thuận lợi hơn trong học tập và dễ đạt điểm cao hơn.
2. Tạo ra lợi ích lớn hơn
Người hướng nội không giỏi lời nói, nhưng nhiều người trong số họ là những người mạnh mẽ, làm việc chăm chỉ. Họ không muốn lãng phí thời gian giao lưu, nhưng sẽ tiếp tục chuyên tâm vào những việc mà họ quan tâm. Những người như vậy không chỉ có thể tự mình thành công, mà còn mang lại lợi ích cho môi trường xung quanh và trở thành một nhân tài hiếm có.
1. Từ chối "gắn nhãn"
Những đứa trẻ hướng nội luôn được gắn với nhiều nhãn tiêu cực khác nhau, chẳng hạn như nhút nhát, rụt rè, hèn nhát, v.v... Những nhãn mác này đôi khi do cha mẹ đặt cho, đôi khi là của người khác, nhưng trên thực tế, điều này khiến trẻ có thói quen chối bỏ bản thân. Vì vậy, các bậc cha mẹ không được dễ dàng đưa ra kết luận và chỉ trích con mình.
2. Học cách bao dung
Một phần lớn tính cách của trẻ là do tiền định, tức là khi trẻ được sinh ra thì tính cách của chúng mới thực sự được hình thành. Tuy sẽ thay đổi do ảnh hưởng của mọi người và mọi vật xung quanh, nhưng về cơ bản mọi thứ đều dễ thay đổi, bản chất khó thay đổi.
Vì vậy, cha mẹ nên học cách khoan dung với tính cách của con cái, dù là trẻ hướng ngoại hay hướng nội, cha mẹ cũng nên phát hiện ra ưu điểm của con, thấu hiểu hết mức với những khuyết điểm của con, đồng thời đưa ra những hướng dẫn đúng đắn.
3. Học cách giao tiếp
Cha mẹ nên chú ý đến việc giao tiếp với con cái, ngay cả khi bản thân con cái không muốn, cha mẹ cũng nên cố gắng hết sức để đi vào thế giới nội tâm của trẻ và thực sự hiểu con mình. Điều này không chỉ có lợi cho sự phát triển của mối quan hệ cha mẹ - con cái mà còn cho phép đứa trẻ phấn đấu để trở nên tốt hơn với sự chấp thuận của cha mẹ.
Tuy nhiên phụ huynh cần lưu ý, trẻ hướng nội khác với trẻ nhút nhát, dù nhìn bề ngoài có thể cư xử giống nhau. Để phân biệt, cha mẹ nên dựa vào thái độ của các em khi đặt trong tình huống ở một mình hoặc cùng với nhiều người. Nói chung, trẻ nhút nhát sợ phải trò chuyện, lo lắng bị mọi người xung quanh đánh giá. Trong khi trẻ hướng nội thích dành thời gian một mình để khám phá thế giới, bản thân nhưng không sợ hãi khi phải trò chuyện với mọi người.
Phụ huynh có thể giúp trẻ nhút nhát trở nên tự tin nhưng không thể biến trẻ hướng nội thành hướng ngoại và không phải tất cả trẻ hướng nội đều nhút nhát. Trong thực tế, nhiều người hướng nội rất thành thạo các kỹ năng xã hội, giỏi diễn thuyết như Albert Einstein, Bill Gates, Warren Buffett.