Một công đôi việc: Phát minh hút sạch sẽ không khí bẩn rồi tạo ra năng lượng

J, Theo Trí Thức Trẻ 19:06 12/05/2017

Một phát minh đột phá của các nhà khoa học người Bỉ, với khả năng vừa lọc sạch không khí, vừa tạo ra năng lượng sạch cho nhân loại.

Ô nhiễm không khí và khủng hoảng năng lượng là 2 trong số vô vàn vấn đề con người đang phải đối mặt vào thời điểm hiện tại. Hiểu được điều này, một nhóm nghiên cứu người Bỉ đã phát minh ra một thiết bị được đánh giá là "nhất cử lưỡng tiện", khi giải quyết được cả hai vấn đề cùng một lúc.

Cụ thể, các chuyên gia từ ĐH Antwerp và Leuven đã tạo ra một thiết bị hấp thụ được không khí nhiễm bẩn, sau đó thải ra năng lượng. Tuyệt vời nhất, thứ để vận hành thiết bị này đơn giản chỉ là ánh sáng - cả tự nhiên lẫn nhân tạo.

Một công đôi việc: Phát minh hút sạch sẽ không khí bẩn rồi tạo ra năng lượng - Ảnh 1.

Thiết bị chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay, bên trong có chứa các tấm quang điện (photo-electrochemical cell). Nó hoạt động với cơ chế giống như các tấm pin Mặt trời hiện nay, nhưng thay vì sản sinh ra điện, nó tạo ra năng lượng dưới dạng khí hydro. 

"Thiết bị nhỏ của chúng tôi gồm 2 khoang riêng biệt, giữa là một màng ngăn" - giáo sư Sammy Verbruggen, chủ nhiệm nghiên cứu cho biết. "Một khoang có nhiệm vụ làm sạch không khí, ngăn còn lại tạo ra khí hydro bằng cách phân hủy các hóa chất khác. Lượng khí hydro này sẽ được trữ lại, trở thành nhiên liệu cho nhiều phương tiện khác."

"Trong quá khứ, các tấm quang điện này vốn được dùng để phân tách hydro ra khỏi nước. Giờ chúng tôi phát hiện ra rằng ứng dụng nó trên không khí bẩn là có thể, thậm chí còn đạt hiệu quả cao hơn."

Một công đôi việc: Phát minh hút sạch sẽ không khí bẩn rồi tạo ra năng lượng - Ảnh 2.

Thiết bị này đang được đánh giá rất cao về mặt tiềm năng. Tuy rằng với kích thước khá nhỏ bé, nó chỉ làm sạch và sản xuất được một lượng hydro nhỏ và cần đến ánh sáng nhân tạo để vận hành. Tuy nhiên, với nền tảng có được, các chuyên gia đang tích cực gia tăng quy mô của thiết bị, để đem đến ứng dụng thực sự cho nó.

"Chúng tôi hiện đang làm việc trên một thiết bị có kích cỡ chỉ vài cm2. Nhưng trong tương lai, tôi tin rằng công nghệ sẽ đủ để ứng dụng trong các ngành công nghiệp. Ngoài ra, vật liệu để chế tạo cũng là yếu tố đáng cân nhắc, để khả năng tận dụng ánh Mặt trời được hiệu quả hơn" - giáo sư Verbruggen kết luận. 

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí ChemSusChem.

Nguồn: IFL Science