Hai con người ở hai thế giới
Juan và Evita Perón gặp nhau năm 1944. Trong một buổi tiệc, Juan Perón - lúc bấy giờ đang giữ chức Thượng tá - đã mạnh mẽ lên án môi trường chính trị hiện thời, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo lan rộng, thái độ hờ hững của những người giàu mà bất nhân, phê phán mạnh mẽ thói tham lam vô độ của họ.
Trong khi những vị khách cao quý ở đó chỉ đáp lời một cách khách sáo mà không thực sự chú ý vào những gì chàng nói, thì Evita - một cô gái quê vì hoàn cảnh nên phải bôn ba chốn lầu xanh - cảm kích tột cùng trước lời vàng ý ngọc của Juan. Nước mắt Evita lúc bấy giờ đã ướt đẫm khuôn mặt. Nàng tin đây là người đàn ông thực sự của đời mình, cũng là người duy nhất có thể cứu vớt những người dân nghèo khổ của Argentina.
Lau khô nước mắt, đè nén tâm tình kích động, nàng từng bước từng bước đi về phía Thượng tá, nở nụ cười chân thành. Nàng nói với Thượng tá Juan rằng: "Cảm ơn sự có mặt của ngài". Và thế là Juan và Evita - hai con người là đại diện của hai thế giới đối lập - một ánh sáng một bóng tối, một cao quý một thấp hèn, một giàu có một nghèo khổ - chính thức đến với nhau, nhờ có chung lý tưởng.
Tình yêu vượt mọi định kiến xã hội hay quá khứ đen tối
Khi tin tức Juan và Evita thành đôi được truyền ra ngoài, một làn sóng phẫn nộ đã nổ ra trong xã hội thượng lưu ở Argentina lúc bấy giờ. Một kỹ nữ, một người đàn bà từng bán thân nuôi miệng sao có thể bước chân vào xã hội thượng lưu? Dưới quan niệm bảo thủ thời bấy giờ, sự kết hợp của hai người họ chẳng khác nào một đòn chí tử của xã hội tầng thấp đánh vào tầng lớp quý tộc.
Mới đầu, Evita cảm thấy e ngại. Nàng sợ Juan sẽ chê bai mình bởi cách mưu sinh khó chấp nhận ngày trước. Những lúc ở một mình cùng người yêu, nàng thường chủ động kể hết cho chàng nghe về toàn bộ những gì mà mình đã trải qua từ lúc nhỏ cho đến khi trưởng thành.
Nào ngờ Juan không mảy may để tâm chứ đừng nói là tức giận. Nghe nàng kể xong, chàng đưa tay vuốt nhẹ mái tóc của nàng, trìu mến nói: "Em lúc trẻ đã phải chịu nhiều đau khổ như vậy, đó vốn không phải là lỗi của em. Anh sẽ giúp em quên đi mọi đau khổ trước đây". Những ngày sau đó, chàng không ngại nắm tay đưa nàng đến các buổi tiệc tùng của giới thượng lưu.
Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang
Những ngày sau đó, Evita đã không làm Juan thất vọng khi giúp chàng có được sự ủng hộ của dân nghèo. Nàng thường tới thăm nơi ở của họ, tham gia nhiều hoạt động từ thiện, thân thiết bắt tay trò chuyện với người nghèo và lắng nghe những câu chuyện cuộc đời họ. Thân ở địa vị cao sang nhưng cử chỉ của nàng lại vô cùng nhã nhặn. Nàng quan tâm đến nỗi khổ của người dân nghèo từ đáy lòng mình. Bằng tình yêu dành cho Juan và tình yêu bao la cho dân chúng, Evita dần chiếm được cảm tình của đông đảo mọi người.
Thế nhưng, thành công của đôi "nhân tình chính trị" ngọt ngào này lại chọc giận phe phản đối trong nước. Juan bị nhà cầm quyền tống vào ngục giam. Evita trong lúc khẩn cấp ấy vẫn không hề hoang mang, nàng đã dùng hết vốn liếng đi khắp nơi tranh cử, kêu gọi sự ủng hộ của người dân. Kết quả là hơn 300 nghìn người dân xuống đường phố, lớn tiếng hô lên: "Hãy trả lại tự do cho Perón, hãy trả lại tự do cho Perón".
Trong khoảng thời gian 5 ngày, nhà cầm quyền không chịu đựng nổi áp lực, đành phải thả Juan từ trong tù ra. Việc đầu tiên Juan làm sau khi ra tù chính là ôm thật chặt người vợ vừa nhân từ vừa tài giỏi của mình và lập tức cầu hôn bà. Ban đầu, chàng bị ấn tượng bởi vẻ đẹp và dũng khí của Evita, cuối cùng lại bị tấm lòng chân thành và sự cứng cỏi của nàng chinh phục.
Khi Juan đắc cử Tổng thống, Evita trở thành đệ nhất phu nhân Argentina, năm đó bà chỉ mới 27 tuổi. Sau khi kết hôn không bao lâu, Evita tự cảm thấy bản thân phải hoàn thành những trách nhiệm trọng đại của mình, không dám chậm trễ phút nào, vì chồng, vì những người nghèo khổ và vì chính bản thân nàng. Cùng với Juan, nàng trở thành huyền thoại của đất nước Argentina.
Tuy nhiên ông trời đã không có cho cặp đôi tâm đầu ý hợp này quá nhiều thời gian. Ngày 9/1/1949, Evita đã ngất xỉu ngay trong lúc đang cắt băng khánh thành. Bác sĩ chẩn đoán nàng bị ung thư cổ tử cung, cũng tương đương với việc nàng đã bị tuyên án tử hình. Trên giường bệnh, nàng vẫn kiên trì làm việc, đấu tranh cho dân nghèo, phụ nữ và hỗ trợ người chồng chính khách.
8h25' tối ngày 26/7/1949, Evita gọi người đàn ông mà mình yêu thương, cũng là người đã thay đổi cuộc đời mình hoàn toàn đến bên cạnh, khẽ nói với ông rằng: "Cả một đời này của em, chỉ những lúc ốm đau mới chảy nước mắt. "Cô nàng bé bỏng" của chàng không gắng gượng thêm được nữa, em phải đi rồi!". Năm đó, bà mới 33 tuổi. Sự ra đi của người vợ tuyệt vời như Evita khiến Tổng thống Argentina nhung nhớ khôn nguôi rất nhiều ngày sau đó.
Lược dịch và tổng hợp từ NYtimes, Mydearvalentine