Thay vì phải che mụn dưới nhiều lớp trang điểm, gen Z đang ưa chuộng dùng các miếng dán hình ngôi sao, mặt cười hoặc hình trái cây, không chỉ giúp che đậy, hỗ trợ điều trị những nốt mụn mà còn kết hợp hài hòa với trang phục.
Cree Payton (29 tuổi), nhà sáng tạo nội dung tại thành phố New York (Mỹ) tự hào diện những món phụ kiện thời trang đầy màu sắc này ra nơi công cộng. Cô nhận xét với The Post : " Chúng dễ thương và hiệu quả".
Hầu hết các miếng dán mụn đều chứa hydrocolloid hoặc axit salicylic để trị mụn, đồng thời bảo vệ vùng mụn khỏi vi khuẩn.
Những miếng dán mụn xinh đẹp này là một phần của trào lưu chăm sóc da đang thịnh hành tại Mỹ. Trào lưu này được dự đoán sẽ lan rộng toàn cầu và tăng trưởng từ 184 tỷ USD năm 2024 lên 407 tỷ USD vào năm 2035.
Clare Daly, 24 tuổi, chia sẻ với The Post : “ Tôi thấy chúng giống như những phụ kiện nhỏ. Tôi sử dụng chúng để làm nổi bật trang phục của mình. Hơn nữa, những miếng dán này còn giúp mụn biến mất nhanh hơn".
Tuy nhiên không phải ai cũng thích chúng. Monica Bright, 29 tuổi, cho rằng: "Tôi thấy chúng thật lố bịch. Thật ngớ ngẩn khi chúng ta chỉ loanh quanh với miếng dán mụn. Miếng dán như la lên cho cả thế giới biết: 'Tôi có mụn".
Các chuyên gia y tế đã xác nhận rằng hầu hết sản phẩm miếng dán mụn đều có tác dụng giảm mụn trứng cá nhờ thành phần có các chất dẫn lưu và hấp thụ mủ từ mụn nhọt hoặc u nang, dưỡng ẩm cho vùng da đó, chống sẹo và ngăn vi khuẩn xâm nhập.
Tiến sỹ Howard Sobel, bác sỹ da liễu tại Bệnh viện Lenox Hill cho rằng, miếng dán mụn “có tác dụng như phương pháp điều trị tại chỗ tạm thời giúp làm giảm các vết sưng và mụn” , nhưng chúng “không thực sự ngăn ngừa hoặc làm hết mụn bùng phát”.
Ông nói thêm rằng, xét về mặt y tế, chúng an toàn khi dùng ở nơi công cộng, còn xét về mặt ngoại hình, đẹp hay không tùy vào sở thích cá nhân.