Miền Trung trước nguy cơ lũ chồng lũ

Gia đình & Xã hội, Theo 10:46 05/12/2016
Chia sẻ

Người dân miền Trung đang gặp nhiều khó khăn vì cơn bão vừa qua đã khiến cho 13 người thương vong, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Mới đây, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ lại dự báo, bão sẽ đổ bộ vào miền Trung vào mấy ngày tới khiến người dân nơi đây lại phải gồng mình trong bão dù biết mình không đơn độc.

Miền Trung trước nguy cơ lũ chồng lũ - Ảnh 1.

Các đoàn cứu trợ đến với đồng bào miền Trung trong đợt lũ vừa qua. Ảnh: Thiên Ân

Gồng mình đón lũ mới

Ngày 4/12, thông tin từ Chi cục Phòng chống thiên tai miền Trung - Tây Nguyên cho hay lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam đã đạt đỉnh và đang xuống. Lượng mưa trên địa bàn tỉnh Bình Định đã giảm nhưng nhiều khu dân cư vẫn bị lũ chia cắt và đây cũng là tỉnh chịu nhiều thiệt hại nhất trong đợt mưa lũ này với 9 người thương vong, thiệt hại lớn về nhà cửa, vật nuôi và hoa màu.

Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, tỉnh Bình Định, mưa lũ làm cho tỉnh lộ 629 và nhiều tuyến đường dẫn đến các xã vùng cao của huyện này tiếp tục bị chia cắt. Ba thôn Vạn Long, Vạn Khánh, Trà Cong và một phần thôn Vạn Xuân thuộc xã An Hòa chìm sâu trong lũ. Tại huyện Tuy Phước, hiện nhiều xã như Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Lộc, Phước An bị ngập úng cục bộ. Nước lũ chia cắt nhiều tuyến đường khiến việc đi lại gặp khó khăn. Gần 20.000 học sinh của 29 trường học trên địa bàn phải nghỉ học.

Tại huyện Hoài Ân có 1.600 ngôi nhà và 1.200 giếng nước bị ngập, 1.050 gia cầm bị trôi. Ở huyện Hoài Nhơn có 2.036 ha lúa ngập úng; 50 ngôi nhà bị ngập. Hàng ngàn hecta lúa vừa gieo sạ ở các huyện Phù Mỹ, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và TP Quy Nhơn có nguy cơ mất trắng.

Tại Quảng Ngãi, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết tại huyện Tư Nghĩa có 135 hộ dân ở xã Nghĩa Mỹ và thị trấn Sông Vệ bị nước ngập hơn 1 m. Huyện Nghĩa Hành có 325 hộ dân bị ngập. Mưa lũ cũng đã làm 1 người mất tích là ông Nguyễn Đức Trọng (ngụ huyện Sơn Tịnh) bị nước lũ cuốn trôi khi lội qua suối.

Tuyến vận tải từ cảng Sa Kỳ đi đảo Lý Sơn phải tạm ngưng hoạt động khiến Lý Sơn bị cô lập trong 5 ngày qua làm nhiều hành khách bị kẹt ở 2 đầu bến, hàng trăm tấn hàng hóa thiết yếu từ đất liền chở ra đảo cũng đang phải chuyển xuống các tàu hàng để kịp thời chuyển ra đảo khi biển êm.

Sẽ còn mưa rất to

Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ đêm 5/12 đến ngày 9/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, nên khu vực Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt mưa lũ lớn. Rủi ro thiên tai cấp 1-2.

Cụ thể khoảng đêm 5 ngày 6/12, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định do ảnh hưởng kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, từ 4/12 đến hết ngày 8/12 tiếp tục có mưa, mưa vừa, riêng khu vực Thừa Thiên-Huế đến Bình Định có mưa to đến rất to. Gió Đông Bắc trong đất liền lại mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5. Sáng ngày 6/12, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2-4m, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã có thông báo số 560 ngày 3/12 gửi Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định về diễn biến mưa lũ, công tác khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp. Các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa, lũ; Tiếp tục tăng cường lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người chết. Huy động lực lượng giúp dân vệ sinh nhà ở, môi trường, khôi phục sản xuất khi lũ rút; thống kê, đánh giá thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Tăng cường tuần tra canh gác ở các điểm ngầm tràn, các vị trí có nguy cơ sạt lở để cảnh báo cho dân, hạn chế thiệt hại về người. Tiếp tục cảnh báo tàu thuyền ở khu vực cửa sông tại các tỉnh Trung Bộ và đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh do tác động của lũ và ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, sẵn sàng lực lượng phương tiện kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.

Biết rằng, miền Trung không đơn độc, cả nước đang hướng về miền Trung,trên mạng xã hội nhiều người đang đăng tải những status thể hiện sự chia sẻ, lo lắng của mình với miền Trung ruột thịt: “Lũ chưa qua lại có dự báo lũ mới sẽ đổ về thương lắm miền Trung ơi. Cả nước đang hướng về khúc ruột miền Trung, cầu mong lũ mau qua và lũ đừng đến nữa, nhiều đau thương lắm rồi”.

13 người thương vong vì mưa lũ

Đợt mưa lũ này đã khiến 13 người thương vong (Bình Định 6 người, Quảng Ngãi 4 người, Quảng Nam 3 người), 1 người mất tích (Quảng Ngãi); 3 người bị thương (Bình Định). Mưa lũ cũng làm sập đổ, hư hỏng 99 nhà ở Quảng Ngãi, Bình Định, ngập 9.782 ha lúa, 2.790 ha hoa màu, 72.597 chậu cây cảnh vụ Tết, làm chết 713 gia súc, 18.086 gia cầm, sạt lở hơn 30 km đường, hỏng 6 đập, 10 cầu...

Người dân vượt khó sau bão lũ

Tại Hà Tĩnh, hai đợt mưa lũ liên tiếp trong nửa tháng làm 9 người chết, 36 người bị thương, gần 34.000 hộ dân bị ngập, ước tính thiệt hại hơn 1.064 tỉ đồng. Đây được đánh giá là đợt mưa lũ lớn trong vòng hơn 5 năm trở lại đây ở địa phương này. Dù vừa trải qua hai trận lũ lịch sử vừa qua, nhưng tại rốn lũ Phương Mỹ và nhiều vùng quê ở huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, Thạch Hà và Vũ Quang… bà con không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà luôn chủ động khắc phục hậu quả để ổn định cuộc sống dù gặp vô vàn khó khăn. Tại các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Lộc Yên (huyện Hương Khê), người dân cũng đang khẩn trương chăm bón lại những cây bưởi Phúc Trạch bị bật gốc, trồng mới và thay thế những gốc đã bị chết.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày