Còn tận 10 ngày nữa mới được nhận lương, nhưng trong tài khoản của Eric Hsu chỉ còn 32 USD (khoảng 750 nghìn đồng), và anh cũng không có tiền tiết kiệm. Chia sẻ với CNBC Make It, thanh niên này cho hay: “Tôi đã dùng số tiền còn lại để mua một vài ổ bánh mì trắng, tôi sẽ ăn chúng 3 bữa mỗi ngày cho đến khi được nhận lương".
Trên thực tế, khoản tiền lương mà Hsu nhận được mỗi tháng không hề thấp, thậm chí có thể nói là ở mức cao so với những người cùng trang lứa. Tuy vậy, anh vẫn cảm nhận rõ ràng sự “nghèo túng” vào mỗi cuối tháng.
Hsu thuộc nhóm những người lao động trẻ và độc thân ở Đài Loan (Trung Quốc). Những đối tượng này thường được gọi là “yue guang zu” - nghĩa là những người gặp hiện tượng “phá sản” vào cuối tháng.
Giới trẻ Trung Quốc đang rơi vào tình trạng không có tiền ăn dịp cuối tháng
Một báo cáo địa phương cho biết có khoảng 40% thanh niên độc thân sống ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến đang tiêu hết sạch số tiền lương hàng tháng của mình. “Hành vi này rất khác so với thế hệ cha mẹ của họ, những người tiết kiệm từng xu. Ngược lại, thế hệ trẻ hiện nay lại tiêu hết mọi số tiền mà họ có", Chung cho hay.
Với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, nhiều người đang có nguy cơ gia nhập nhóm “yue guang zu”, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Đối với A-Jin (34 tuổi), chỉ những chi phí cố định như bảo hiểm, tiện ích và đi lại thôi đã chiếm tới hơn một nửa số tiền lương 985 USD (khoảng 23 triệu đồng) của cô. Điều này đồng nghĩa với việc cô chỉ còn lại khoảng 328 USD (khoảng 7,7 triệu đồng) để ăn uống và chi trả các khoản khác. Với mức sống hiện tại ở Đài Loan, việc tiết kiệm gần như bất khả thi.
Mức sống cao cùng lối sống "tận hưởng" khiến việc mua nhà trở nên xa vời với thể hệ trẻ tuổi
Kể từ khi Hsu bắt đầu đi làm cách đây 10 năm, chàng kỹ sư xây dựng đã phải vật lộn để trả các khoản nợ thời sinh viên. Thay vì tiết kiệm, anh lựa chọn dùng hết số tiền lương còn lại để trả nợ. Thế nhưng, 2 tuần nghỉ phép không lương vì chấn thương đầu gối đã khiến anh nhận ra rằng mình không thể tự nuôi sống bản thân nếu không đi làm liên tục.
“Tại sao mình lại không dùng thẻ tín dụng để thanh toán mọi thứ và làm cuộc sống trở nên dễ dàng hơn", Hsu suy nghĩ. Thế nhưng trước đó, anh ấy phải nhớ rằng bản thân đã có đến 4 chiếc thẻ tín dụng, và gần 70% lương của anh đều dùng để trả nợ cho những tấm thẻ đó.
Chàng kỹ sư trẻ tuổi thừa nhận rằng nếu một nửa các khoản nợ của anh dành cho chi phí sinh hoạt hằng ngày, thì một nửa còn lại dùng để phục vụ cho nhu cầu tận hưởng cuộc sống.
Thay vì tiết kiệm, nhiều người lựa chọn mua tất cả những gì mà mình thích
“Đó có thể là bất cứ điều gì, từ một tách cà phê Starbucks, đến một chuyến du lịch nước ngoài. Tất cả những điều đó sẽ mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc nhỏ nhoi để bù đắp cho sự mất mát vì không thể thực hiện được các mục tiêu lớn”, Chung Chi Nien cho biết.
Theo giáo sư Chung, khái niệm “yue guang zu” đang phản ánh sự vỡ mộng của thế hệ trẻ ngày nay. Thế hệ của cha mẹ chúng ta trải qua quá trình công nghiệp hoá rất thành công, giúp họ hoàn thành các mục tiêu dài hạn trong cuộc sống. Nhưng đối với thế hệ trẻ, họ nhìn thấy sự thành công của cha mẹ, nhưng không thể nào đạt được điều đó, giữa kỳ vọng và thực tế có một khoảng cách rất xa.
Hiện nay, vì thiếu nhà ở giá rẻ nên giới trẻ Đài Loan khó có thể sở hữu cho mình một ngôi nhà. UN Habitat cho biết, giá nhà ở được xem là phải chăng khi tỷ lệ giữa giá nhà và thu nhập trung bình hàng năm là 3,0 trở xuống. Tuy nhiên, tỷ lệ này hiện đại duy trì mức 9,6 ở Đài Loan và 15,7 ở thành phố Đài Bắc.
Vị giáo sư cho hay: “Kỳ vọng mua được nhà riêng, kết hôn và xây dựng gia đình riêng đã quá xa vời. Những người trẻ tuổi thà từ bỏ giấc mơ đó để tiêu tiền vào những thứ mà họ chắc chắn sẽ có được ở thời điểm hiện tại".
Dù thu nhập ở mức trung bình cao, cuộc sống của người trẻ vẫn vô cùng chật vật
Trước thực tế đáng thất vọng đó, A-Jin gần như không có mục tiêu dài hạn nào và đã hoàn toàn từ bỏ giấc mộng mua nhà riêng. “Miễn là tôi có thức ăn và được no bụng, tôi sẽ không thể chết được. Đối với tôi thế là đủ", cô gái trẻ tâm tự.
Còn đối với Hsu, anh quan niệm rằng những ngày tháng khó khăn nhất đã qua. Sau thời gian dài trải nghiệm, anh đã huỷ thẻ tín dụng của mình vào 2 năm trước và cam kết tiết kiệm một phần ba tiền lương của mình mỗi tháng.
Tuy nhiên, bản thân anh vẫn xem mình là một thành viên của nhóm “yue guang zu” vì anh không chắc liệu mình có thể trải qua một trường hợp khẩn cấp nào nữa hay không. Hsu vẫn không có mục tiêu dài hạn nào mà chỉ tập trung vào việc trả nợ thẻ tín dụng.
Anh cho biết: “Việc không biết liệu mình có đủ tiền mua thức ăn cho đến ngày nhận lương hay không là một trạng thái đáng sợ - nhưng đó là sự trừng phạt cho lối sống mà tôi đã lựa chọn".
Nguồn: CNBC