Bản Đỉnh Sơn 1 - nơi có tới 12 người phụ nữ đi bán con. Ảnh: Vũ Đồng
Bán con để trả nợ
Ông Lữ Văn Phúc - cộng tác viên dân số bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An dẫn chúng tôi đến nhà chị M.T.T ở lưng chừng đồi, sát con suối Khe Pà. Thấy chị T đang ôm đứa con thứ 2 ngồi trước bậu cửa nhìn ra suối, ông Phúc cho biết: “T lấy chồng năm 17 tuổi, giờ đã có 2 con trai. Đứa lớn 7 tuổi và đứa bé 4 tuổi. Tháng 10 vừa rồi, khi T đang mang thai đứa thứ 3 được 8 tháng thì một người trong xã dẫn đi để bán đứa con đang nằm trong bào thai. Người này dẫn T ra Quốc lộ 7 bắt xe đi Móng Cái (Quảng Ninh) rồi đưa qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch”.
Chia sẻ với PV, chị T kể, từ Móng Cái, người dẫn đường đưa chị lên một chiếc thuyền con. Sau gần 30 phút lênh đênh sông nước thì cập bờ bên kia biên giới. Tại đây, họ tiếp tục đưa chị T đi thêm 3 ngày đường nữa bằng một chiếc xe nhỏ đến nơi ở tạm. Đó là trong một căn nhà nhỏ chật chội ước chừng khoảng 30m2.
Ở được 1 tháng thì chị T trở dạ. Khi đó, họ đưa chị T đến bệnh viện địa phương và sinh một bé trai. Chị sinh xong, họ bế đứa bé đi nhanh đến nỗi chị T không kịp cho con bú được giọt sữa nào. Bốn ngày sau, họ đưa cho chị T 40 triệu đồng và cho về nước.
“Trở về quê nhà, cầm những đồng tiền đó để trang trải nợ nần, tôi lại càng nhớ con đứt ruột. Nghĩ lại, tôi thấy ân hận vô cùng. Giờ họ có cho tiền tỷ tôi cũng không làm việc này nữa. Sống hay chết cũng không đi bán con như thế này nữa”, chị T nghẹn giọng.
Rời nhà chị T, chúng tôi tìm gặp anh Thạch Đồng - công an viên xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn). Anh Đồng mở danh sách 21 phụ nữ vừa bán con trở về, nói: “Riêng bản Đỉnh Sơn 1 có 12 người bán con. Từ nhà cuối bản đến nhà đầu bản đều có người bán con. Con số này của cả xã là 21 người. Điểm chung của họ là không biết chữ, nhận thức về xã hội, pháp luật rất hạn chế”.
Anh Đồng dẫn chúng tôi đến nhà của chị L.T.T ở cuối bản. Lúc này ở nhà chỉ có mẹ chị T đang gùi đứa cháu mới 2 tuổi trên lưng. Hỏi thăm chị T, bà mẹ nói: “Nó ra suối đi bắt cá, nòng nọc rồi. Tối muộn mới về”. Hỏi việc con gái bà đi Trung Quốc bán con, mẹ chị T lắc đầu: “Không biết mô. Nó đi khi mô tôi không biết. Lúc về thì có 12 triệu đồng để trả nợ thôi”.
Anh Đồng dẫn chúng tôi đi, nói rủ rỉ: “Việc các phụ nữ ở đây bỗng dưng mất tích một thời gian rồi quay về là chuyện bình thường. Vì có lúc họ lên rẫy từ mờ sáng đến hơn 1 tháng sau mới về. Có lúc họ đi làm ăn ở dưới xuôi hoặc đi sang các địa phương khác cũng không khai báo gì với chúng tôi. Quản lý họ rất khó”.
Những đứa trẻ ngóng mẹ
Bản Đỉnh Sơn 1.
Theo anh Thạch Đồng, những trường hợp bán con trong bào thai xong mà trở về được là rất may mắn, vì những người phụ nữ mang thai sau 6-7 tháng phải di chuyển đoạn đường rất dài khi qua sông nước, khi qua đồi núi để vượt biên là vô cùng nguy hiểm.
Điển hình như trường hợp chị M.T.M (bản Huồi Thợ) mang bầu 8 tháng cùng 4 người khác ở xã khác đã gặp nạn khi vượt biên bán con. Vụ tai nạn này xảy ra tại xã Dương Cao, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc vào ngày 20/9. Trên chuyến xe gặp nạn này có 4 thai phụ ở huyện Kỳ Sơn và người dắt mối. Trong đó, chị M.T.L (29 tuổi, ở bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu) tử vong tại chỗ. Chị M hiện đã sinh con và 3 người khác bị thương vẫn chưa trở về nhà.
Rời bản Đỉnh Sơn 1, chúng tôi xuôi theo Quốc lộ 7 gần 10km nữa để đến nhà chị M.T.L ở bản Lưu Tiến. Anh Giang - công an viên xã Lưu Tiến chỉ tay lên ngôi nhà lưng chừng đồi nói: “Nhà của L đó. Giờ chỉ còn 4 đứa bé con ở nhà thôi. Một đứa đi nhặt củi trong rừng rồi. Đứa lớn mới 14 tuổi, đứa nhỏ nhất vừa lên 3 tuổi. Còn chồng là anh Lương Văn Hồng đi rẫy không biết khi nào về”.
Thấy chúng tôi đến, đứa út ướt từ đầu đến chân chạy đến ôm chầm lấy chị cả là L.T.D để chị mặc quần áo. D mới 14 tuổi, bây giờ phải cáng đáng mọi việc trong nhà. “Mẹ bị tai nạn mất rồi, giờ cháu không đủ sức theo bạn đến trường nữa mà phải ở nhà để chăm các em”, D nói trong nước mắt.
Nói xong, D chạy vào bếp lấy một chõ xôi, một bát cà thái mỏng với nước muối đổ vào để các em chấm ăn. Riêng đứa em út được D ưu ái cho thêm nửa con cá mắm. Nhắc đến mẹ, D buồn rầu: “Ngày mẹ ở nhà, mấy chị em còn có con cá bắt được dưới suối về nấu ăn. Giờ mẹ mất, thi thoảng bố mới mua ít cá thôi. Mẹ mất hơn 2 tháng rồi mà em út của cháu cứ nghĩ mẹ đi rẫy với bố”.
Mới đây, Bộ Công an ban hành Công điện chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh với các hành vi, vi phạm liên quan đến mua bán bào thai. Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nơi xảy ra tình trạng mua bán bào thai; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, mua bán bào thai để nhân dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa.
Bộ Công an cũng chỉ đạo tổ chức rà soát tình hình mua bán bào thai, các đường dây, đối tượng môi giới mua bán người, mua bán bào thai ra nước ngoài để triệt xóa; khẩn trương điều tra làm rõ các vụ việc đã xảy ra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vụ việc mua bán bào thai tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).