Mẹ đơn thân ở Mỹ chật vật trăm đường: Chi phí sinh hoạt, tiền nuôi con còn thiếu sao dám mơ tới chuyện mua nhà

Thái Anh, Theo Pháp luật & Bạn đọc 16:28 14/11/2021
Chia sẻ

Mất việc vì Covid-19, đối mặt với mọi thể loại chi phí sinh hoạt đã trở thành những rào cản khiến ước mơ sở hữu một căn nhà của những bà mẹ đơn thân ở Mỹ ngày càng trở nên xa vời hơn.

Mẹ đơn thân Mỹ và những căn nhà "trong mơ"

Karlet Hewitt quyết định thay đổi kế hoạch cuộc đời sau khi trải qua cú sốc đại dịch Covid-19 khiến thu nhập của cô bị ảnh hưởng, "chôn chân" trong căn hộ ở tầng 3. Vào tháng 2/2021, Hewitt, một bà mẹ đơn thân của cậu con trai 9 tuổi, rời Mount Vernon, New York, và chuyển đến sống ở Raleigh, Bắc Carolina.

Mẹ đơn thân ở Mỹ chật vật trăm đường: Chi phí sinh hoạt, tiền nuôi con còn thiếu sao dám mơ tới chuyện mua nhà - Ảnh 1.

"Mục tiêu của tôi là mua nhà ở Bắc Carolina vì điều kiện sống ở đó tốt hơn" - Hewitt chia sẻ. Thế nhưng, cô đã sớm sử dụng tiền tiết kiệm để cố vực dậy công việc tổ chức sự kiện của mình trong khi giá nhà thì tăng vọt từng ngày.

Trong 3 thập kỷ qua, mẹ đơn thân chiếm tỷ lệ ngày càng lớn những người mua nhà ở Mỹ dù cuộc sống của mẹ con họ thiếu mất đi một người đỡ đần kinh tế. Theo một báo cáo gần đây của Viện Đô thị Mỹ, mặc dù mẹ đơn thân kiếm tiền không bằng những ông bố "gà trống nuôi con" và các cặp vợ chồng đã kết hôn nhưng 1/4 số bà mẹ đơn thân tại xứ sở cờ hoa đều sở hữu cho riêng mình một căn nhà vào năm 2019, gần gấp đôi tỷ lệ của năm 1990.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết đại dịch có nguy cơ làm giảm sự tăng trưởng của tỷ lệ ấy Trong suốt 1 năm rưỡi qua, những bà mẹ đơn thân đã bị mất việc làm trong khi vẫn gánh vác phần lớn trách nhiệm chăm sóc con cái. Đồng thời, thị trường nhà ở lại ngày càng phát triển, trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết khi giá nhà dành cho một hộ gia đình tăng gần 20% so với một năm trước đó trong tháng 8/2021, theo Chỉ số giá nhà quốc gia của S&P CoreLogic Case-Shiller.

Jun Zhu, đồng tác giả báo cáo của Viện Đô thị và là trợ lý giáo sư lâm sàng thuộc khoa tài chính tại Đại học Indiana, cho biết: "Covid-19 chính là nguyên nhân khiến cuộc sống của các hộ gia đình, đặc biệt là mẹ đơn thân, trở nên khó khăn hơn".

Quyền sở hữu nhà thường được xem là dấu hiệu cho thấy sự ổn định tài chính của một gia đình vì họ không cần phải lo lắng về chi phí thuê nhà và lạm phát tăng. Mặc dù sở hữu một căn nhà không phải là không có rủi ro nhưng nó lại là tài sản có tiềm năng tăng giá trong tương lai hoặc có thể được truyền lại qua nhiều thế hệ.

Kelly Shue, giáo sư tài chính tại Trường Quản lý Yale, cho biết: "Quyền sở hữu nhà là một phần cực kỳ quan trọng trong việc tiết kiệm và tích lũy tài sản của mọi người, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có thu nhập trung bình".

Bà Shue đã phân tích dữ liệu khảo sát của chính phủ từ năm 1989 đến năm 2016 và phát hiện ra rằng, trong số các hộ gia đình có mức tiết kiệm trung bình, nhà cửa chiếm 70% tài sản của phụ nữ độc thân khi nghỉ hưu, tỷ lệ này ở nam giới độc thân và đối với các cặp vợ chồng lần lượt là 50% và 60%.

"Nhà cửa có ý nghĩa quan trọng với tất cả các nhóm người trong xã hội nhưng đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ độc thân" - bà Shue nói.

Đại dịch Covid-19 cộng với thị trường nhà cửa ngày càng tăng giá đã làm xói mòn niềm tin của phụ nữ về khả năng sở hữu một căn nhà. Bằng chứng là Mỹ hiện có gần 60% mẹ đơn thân đi thuê nhà, những người từng trải qua cuộc hôn nhân thất bại, đã chia tay với bố của các con mình hoặc góa phụ. Và những người này nói rằng hiện tại, họ không đủ khả năng để mua nhà và cũng chẳng biết liệu chuyện đó có thể xảy ra trong tương lai hay không, theo nghiên cứu vào tháng 9 của Freddie Mac, gã khổng lồ trong lĩnh vực cho vay thế chấp.

Hewitt bộc bạch chuyện mua nhà đối với cô giờ đây thật sự khó khăn. Cô đang tập trung toàn lực để ổn định thu nhập và khôi phục lại số tiền tiết kiệm đã chi ra. Bên cạnh đó, cô cũng phải chật vật với nỗi lo tiền nhà, chi phí nuôi con và khoản nợ từ thời sinh viên 109.000 USD (hơn 2,4 tỷ đồng).

"Làm sao tôi có thể thoát khỏi mớ bòng bong ấy đây? Tôi vốn là một người rất lạc quan đấy nhưng giờ thì tôi không biết làm thế nào nữa" - Hewitt chia sẻ.

Mẹ đơn thân ở Mỹ chật vật trăm đường: Chi phí sinh hoạt, tiền nuôi con còn thiếu sao dám mơ tới chuyện mua nhà - Ảnh 2.

Phụ nữ độc thân mua được nhà chiếm tỷ lệ 19% từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021, tăng lên 1% so với cùng thời kỳ năm trước đó, theo một phân tích từ Hiệp hội Môi giới Quốc gia. Jessica Lautz, phó chủ tịch nhân khẩu học và thông tin chi tiết về hành vi của nhóm Realtors cho biết, sự gia tăng tỷ lệ nhẹ này có thể là kết quả của việc sụt giảm số lượng người Mỹ kết hôn.

Không từ bỏ ước mơ mua nhà

Taylor Hurles, 27 tuổi, là mẹ đơn thân đang sống với 2 cậu con trai lần lượt 7 tuổi và 3 tuần tuổi ở Bronx. Dù đã là nhân viên chính thức của một công ty sản xuất nhưng cô vẫn phải nhận công việc làm thêm cho một trang web âm nhạc để kiếm thêm thu nhập.

Mẹ đơn thân ở Mỹ chật vật trăm đường: Chi phí sinh hoạt, tiền nuôi con còn thiếu sao dám mơ tới chuyện mua nhà - Ảnh 3.

Hurles đang xem xét các chương trình dành cho những người mua nhà lần đầu tiên khi kế hoạch của cô đang bị trì hoãn vì nhiều yếu tố khách quan. Hurles mất công việc chính thức vào tháng 11 năm ngoái trong khi hợp đồng làm bán thời gian của cô kết thúc vào tháng 1/2021. Bà mẹ 2 con đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp nhưng số tiền được chính phủ hỗ trợ không thấm vào đâu so với chi phí sinh hoạt của gia đình.

Hurles bắt đầu đi xin việc và trải qua hơn 40 cuộc phỏng vấn. Những cuộc hẹn phỏng vấn qua Zoom đối với cô cũng vô cùng thách thức khi người mẹ này liên tục bị đứa con 7 tuổi quấy rầy.

Đại dịch đã làm thay đổi đáng kể cuộc sống của Hurles. Cô nhận làm nhiều công việc hơn, đánh giá lại toàn bộ cách tiếp cận công việc của mình. Hurles bắt đầu kinh doanh tự do, làm freelancer cho các công ty sản xuất và công việc sáng tạo khác giúp cô linh hoạt được thời gian nhưng kéo theo đó là áp lực khi phải đứng ra tự điều hành, cân chỉnh mọi thứ.

Theo phân tích của Lauren Bauer, một nhà nghiên cứu kinh tế tại Viện Brookings, ngay trước khi đại dịch xảy ra, vào tháng 1/2020, 81% bà mẹ đơn thân tham gia lực lượng lao động, nghĩa là họ đang làm việc hoặc tìm việc làm. Nhưng tỷ lệ này đã giảm mạnh khi Covid-19 ập đến, chỉ còn 75% vào tháng 4/2020. Tháng 9/2021, tỷ lệ ấy tăng nhẹ lên 77% nhưng vẫn thấp hơn so với trước đại dịch.

Những người mẹ đơn thân như Hurles, có con nhỏ dưới 5 tuổi, bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tỷ lệ tham gia lao động của họ vào tháng 8/2021 chỉ vỏn vẹn 60%.

Hewitt, Hurles và nhiều bà mẹ đơn thân khác đang sống ở nước Mỹ, đang phải đối mặt với áp lực tài chính rất lớn, nhất là khi họ khó có thể tiếp cận gói vay nếu không có người bạn đời bên cạnh để cho thấy thu nhập gia đình ổn định.

Mẹ đơn thân ở Mỹ chật vật trăm đường: Chi phí sinh hoạt, tiền nuôi con còn thiếu sao dám mơ tới chuyện mua nhà - Ảnh 4.

Hurles, hiện đang có số tiền tiết kiệm 8.000 USD vẫn chưa từ bỏ giấc mơ mua nhà. Cô lạc quan rằng chỉ cần cố gắng thêm một thời gian nữa thôi.

3 tuần sau khi nghỉ sinh không chính thức, Hurles trở lại làm việc online với tư cách là trợ lý sản xuất cho các buổi nói chuyện và thuyết trình về giáo dục.

Kế hoạch trước mắt của cô rất đơn giản: "Tiếp tục cố gắng thôi".

Nguồn: NY Times

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày