"Con tôi sống đã đau đớn, lúc gần chết cũng không được yên"
Tìm về nhà chị Hoàng Thị Soa sau gần 1 tuần xảy ra sự việc, không khí tang thương vẫn bao trùm ngôi nhà nghèo khó. Với chị, đây là quãng thời gian đau đớn nhất, phải động viên mãi, chị Soa mới trấn tĩnh để kể lại toàn bộ sự việc khủng khiếp ngày hôm đó.
Theo chị Soa, cháu D. là con thứ 2 của vợ chồng chị, nhưng mới sinh ra đã mắc chứng bệnh tim bẩm sinh. Rất nhiều lần chị đưa con đi khám và chữa bệnh, đây là lần thứ 4 vợ chồng chị đưa con ra BV Nhi Trung ương điều trị.
Trước đó, đã từng có số lạ gọi hỏi chị có thuê xe về không với giá 5,8 triệu nhưng không có y tá đi cùng, nếu có y tá thì khoảng 7 triệu. Lúc đó, gia đình chị không đủ tiền và cũng không có ý định đưa con về nên không thuê.
Sau đó, biết bệnh tình cháu không qua khỏi, gia đình muốn đưa cháu về để cháu trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà nên đã tìm xe cấp cứu. Qua nhiều người giới thiệu, gia đình làm hợp đồng với một xe từ Nghệ An vì họ vừa chở một bệnh nhân ra đang chuẩn bị về nên giá rẻ hơn.
Chị Soa đau đớn kể lại việc bảo vệ ngăn cản xe khiến con mình qua đời ngay tại cổng bệnh viện.
"Khi xe đến, em trai tôi ra đón xe vào đưa cháu về. Vì sợ vợ chồng tôi buồn nên mọi người bảo hai vợ chồng chúng tôi ra bến xe bắt xe về trước", chị Soa nói, nhưng chị không ngờ đó là lần cuối cùng được gặp con.
"Đang trên đường ra bến xe, chúng tôi được người nhà báo là bảo vệ bệnh viện không cho xe chở con tôi ra, vợ chồng chúng tôi đành quay lại, lúc chúng tôi tới thì công an đã đến làm việc", chị Soa bức xúc nói.
"Lúc cháu còn thoi thóp, gia đình muốn cháu về quê càng sớm càng tốt thì nhóm báo vệ bệnh viện lại hành xử như vậy, thật xót xa. Cháu đã sống đau đớn, đến lúc gần chết cũng không được yên", chị Soa khóc òa.
Uất nghẹn khi thấy con thoi thóp thở nằm chờ trên xe cấp cứu nhưng vợ chồng chị Soa không biết phải làm sao, chỉ biết gào khóc đau đớn.
Ngôi nhà tuềnh toàng, đơn sơ của hai vợ chồng chị Soa
Anh Hoàng Ngọc Thủy (dượng của cháu bé) là người trực tiếp đưa cháu ra xe cứu thương cho biết: "Các bảo vệ nhất quyết không cho chúng tôi đưa cháu ra xe, khi đưa được cháu ra rồi thì lại không cho xe đi. Khi bảo vệ vây và đòi xích xe, tài xế đã gọi công an đến. Nhưng mãi một tiếng sau công an mới đến, lúc đó cháu đã chết trên xe rồi", anh Thủy bức xúc nói.
Mong không còn gia đình nào lâm vào cảnh tương tự
Được biết, hoàn cảnh gia đình chị Soa hết sức khó khăn, vợ chồng chị sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Chồng chị có đi làm kiếm thêm thu nhập nhưng chẳng được là bao.
Cả gia đình sống trong căn nhà đơn sơ, phải căng bạt khắp nơi để che cho mưa khỏi dột. Hiện tại vợ chồng anh chị đang nợ nần nhiều vì vay mượn chữa trị cho con. Họ cũng chỉ mong sau sự việc lần này, tình trạng trên sớm được chấn chỉnh, để không còn gia đình nào lâm vào hoàn cảnh tương tự như thế nữa.
Hình ảnh bảo vệ khóa xe cứu thương trong clip từ trước đó. Ảnh cắt từ clip.
Nói về gia đình chị Soa, ông Hoàng Xuân Ngư, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp cho biết: "Gia đình chị Soa rất khó khăn, người con thứ 2 bệnh nặng nên mọi tài sản trong gia đình đều đưa đi cầm cố để chữa bệnh cho con. Sau khi nắm được thông tin, chúng tôi đã xuống thăm hỏi và động viên gia đình".
Trước đó, như tin tức đã đưa, sáng 2/7, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài gần 18 phút ghi lại cảnh đôi co giữa tài xế xe cấp cứu và nhân viên bảo vệ tại cổng Bệnh viện Nhi Trung ương, đường Đê La Thành, quận Ba Đình, Hà Nội.
Theo người đăng tải đoạn clip, chỉ vì cuộc đôi co này mà việc vận chuyển bệnh nhân nhỏ tuổi bị chậm trễ, khiến cháu chết ngay trên đường. Ngay sau khi đoạn clip trên được đăng tải đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng, đa phần mọi người đều tỏ ra bức xúc với hành vi của bảo vệ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Liên quan đến vụ việc trên, chiều 7/7, ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV bày tỏ sự không hài lòng đối với hành vi ứng xử của bảo vệ trong đoạn clip mà các trang mạng xã hội ghi lại, đồng thời xin lỗi người dân về những hành vi đó. Cùng ngày, Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Nhi Trung ương khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thông tin do báo chí và các trang mạng xã hội phản ánh, đề xuất giải pháp xử lý và báo cáo về Bộ trước ngày 15/7.