Gặp lại chị Nguyễn Thị Khánh Mai tại TP.HCM sau hơn 3 năm ròng rã đi thưa kiện, đòi lại sự công bằng cho đứa em gái của mình khi bị chính ông chủ của mẹ hiếp dâm đến mang thai, chị Mai bắt đầu câu chuyện trong nước mắt.
Theo chị Mai cho biết, chị là con cả trong gia đình có 4 chị em gái, vì mẹ chị mất sớm nên bố lấy vợ khác là bà Lan và có được 3 người con gái, trong đó bé Hạnh (SN 1998) là con thứ 3 của gia đình.
Người chị kế ròng rã suốt 3 năm đi thưa kiện, đòi lại sự công bằng cho đứa em gái tội nghiệp của mình
Vì cuộc sống mưu sinh, chị Mai phải lên Sài Gòn lập nghiệp, ba đứa em gái kế sống cùng bố mẹ tại Lâm Đồng. Khoảng năm 2011, ba đứa em gái của chị Mai chuyển vào ở hẳn trong trang trại của ông Nguyễn Văn Đức (nơi bà Lan làm thuê) để phụ giúp mẹ.
Theo chị Mai, đến đầu năm 2013, bé Hạnh thường xuyên đến văn phòng ông Đức ở lại và tại đây, ông Đức đã có hành vi quan hệ tình dục với bé Hạnh.
Sau sự việc này, Hạnh có kể lại cho gia đình biết nhưng bà Lan một mực không tin, tỏ vẻ bênh vực ông Đức và cho rằng "không có chuyện đó xảy ra". Quá bức xúc trước việc mẹ đẻ của bé Hạnh không quan tâm đến con gái nhưng không làm gì được, chị Mai quyết định đón cả bé Hạnh và đứa em gái út của mình lên Sài Gòn sinh sống.
Tại đây, khoảng tháng 11-2013, phát hiện thấy bé Hạnh có nhiều dấu hiệu bất thường, tỏ vẻ mệt mỏi và biếng ăn, chị Mai đưa bé đi khám và bàng hoàng trước kết quả bé mang thai 8 – 9 tuần tuổi.
"Lúc đón em về Sài Gòn sống, tôi chỉ mong muốn em nó có một cuộc sống bình thường, thoát khỏi nỗi ám ảnh bị xâm hại mà ông Đức đã gây ra cho nó suốt những năm sống cùng. Khi biết nó mang thai, tôi căm phẫn ông ta đến tột cùng, quyết tâm đi đòi công bằng cho đứa em gái của mình", chị Mai chia sẻ.
Bé Hồng (đứa con gái Út của bà Lan) cùng với Hạnh đã được chị Mai dắt về TP.HCM sinh sống khi xảy ra vụ việc
Theo chị Mai, sau khi phát hiện bé Hạnh mang thai, chị đã đưa Hạnh đến Công an TP Bảo Lộc để tố giác sự việc. Vì không muốn giữ cái thai trong khi bé Hạnh còn quá nhỏ để đảm nhận vai trò làm mẹ, gia đình chị Mai được sự hỗ trợ của Công an TP Bảo Lộc đưa Hạnh đến bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) để phá thai và lấy mẫu giám định AND. Tiến hành thu mẫu gồm có điều tra viên, cán bộ phân Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an, người thân nạn nhân và bác sĩ bệnh viện.
Kết quả giám định ADN của phân viện Khoa học hình sự Bộ công an phía Nam thể hiện ông Đức là cha đẻ bào thai trong người cháu Hạnh. Bản kết luận khẳng định đã sử dụng hết mẫu vật. Tuy nhiên, sau đó ông Đức lại yêu cầu giám định lại tại Viện pháp y quân đội.
Vì đã sử dụng hết mẫu vật, Viện pháp y chỉ giám định số chất lỏng còn sót lại và cho biết không đủ căn cứ kết luận theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Tức không thể kết luận bào thai có phải là của ông Đức hay không. Trong chất lỏng còn sót lại có ADN của ít nhất 2 người nhưng không nêu rõ là của những người nào.
Chị Mai lo sợ mình không đủ khả năng để tiếp tục theo đuổi vụ kiện kẻ hãm hại em gái mình
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 3-2015, TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên phạt ông Nguyễn Văn Đức 5 năm tù giam về tội "giao cấu với trẻ em" và buộc ông Đức phải bồi thường cho gia đình bé Hạnh hơn 47 triệu đồng.
Tuy nhiên sau phiên xét xử sơ thẩm, phía ông Đức liên tục kêu oan vì cho rằng ông đã bị "liệt dương", mất khả năng tình dục nên không thể nào là tác giả của bào thai. Hơn nữa, phía mẹ của Hạnh là bà Lan (giúp việc cho ông Đức) luôn bênh vực ông và cho rằng bà hàng ngày chăm sóc, tắm rửa cho ông Đức nên biết rõ ông Đức không có khả năng tình dục?.
Sau khi ông Đức kháng cáo, TAND tối cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại với lý do trong quá trình thu, giao nhận mẫu vật chưa đúng trình tự, có nhiều sai phạm và giám định lại khả năng tình dục của ông Đức?
Suốt 3 năm kể từ ngày phát hiện bé Hạnh bị xâm hại tình dục đến có thai, một mình chị Mai phải tất bật vừa chăm lo cho cuộc sống của hai đứa em gái tội nghiệp, vừa phải lo cho hạnh phúc của gia đình mình. Nhiều lúc, chị Mai định buông xuôi, không theo đuổi vụ kiện nữa vì "thân cô thế cô" nhưng cứ nghĩ đến cảnh đứa em gái tội nghiệp của mình luôn bị ám ảnh bởi ông chủ trang trại, chị Mai càng thêm quyết tâm.
Chị cho biết: "Tôi sợ lắm, sợ mình không đủ khả năng để đi đến cùng sự việc. Lúc phiên tòa diễn ra gần nhất nhưng hoãn lại, tôi làm gì có tiền thuê luật sư để bào chữa, trong khi phía ông Đức có đến 11 luật sư tham gia phiên tòa. Họ thi nhau hỏi tôi, hỏi bé Hạnh…sao chị em tôi chịu đựng được".
Theo chị Mai, từ ngày xảy ra vụ việc, bà Lan (mẹ ruột bé Hạnh) có những lời đồn đại gièm pha, nói xấu cả ba chị em khiến cả ba rất đau lòng. "Tôi không hiểu mẹ kế nghĩ gì khi đến đứa con ruột của mình bị xâm hại đến mang thai mà bà ta vẫn luôn mực cho rằng ông ta bị oan? Tôi đau một, còn chị em bé Hạnh đau gấp trăm ngàn lần khi chứng kiến người mẹ đẻ của nó đối xử tệ bạc như vậy".
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhận giúp đỡ hỗ trợ miễn phí cho gia đình của chị Mai
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM cho biết sau khi nhận được đơn xin hỗ trợ, giúp đỡ từ phía chị Nguyễn Thị Khánh Mai về trường hợp đứa em gái cùng cha khác mẹ của mình bị ông chủ trang trại xâm hại đến mang thai, phía Hội sẽ hỗ trợ hết mình, đứng ra trợ giúp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình chị Mai.
"Trước mắt, tôi cùng các luật sư khác sẽ nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu kỹ những chi tiết trong vụ án để bào chữa miễn phí cho bé Hạnh. Việc một đứa bé dưới 16 tuổi mang thai là điều không thể chấp nhận được, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình, khi có phiên tòa xét xử lại vụ án, bản thân tôi hoặc đồng nghiệp sẽ đích thân lên Lâm Đồng để hỗ trợ bào chữa. Điều chị Mai cần làm lúc này là trấn an bé Hạnh, động viên bản thân mình để cố gắng theo đuổi vụ kiện đến cùng", luật sư Ngọc Nữ nhấn mạnh.
* Tên nhân vật đã được thay đổi