Trên những mảnh đất bạc màu, khô cằn sỏi đá của vùng núi, những em nhỏ lấm lem ngơ ngác nhìn theo đoàn xe tình nguyện đi về từng bản làng. Khu vực miền Trung Tây Nguyên là nơi cư trú của rất nhiều dân tộc thiểu số như Ca Dong, Xê Đăng, M'Nông, H'rê... với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Sinh sống ở những vùng xa xôi hiểm trở, cơ sở vật chất hạn chế nên các em nhỏ nơi đây không có nhiều cơ hội tiếp cận các hoạt động học tập, vui chơi giải trí để phát triển về thể chất và tinh thần.
Các em nhỏ nơi đây không có điều kiện học tập đầy đủ như trẻ em thành thị
Tại các điểm trường, điều kiện dạy học còn quá nhiều thiếu thốn. Nhiều trường không có các công cụ phục vụ giảng dạy như máy chiếu, màn hình LCD, nếu có thì hầu như đã cũ, hư hỏng không sử dụng được. Mỗi điểm trường là nơi 400 - 500 em học sinh tập trung nhưng thư viện chỉ lèo tèo vài cuốn sách giáo khoa đã cũ nát, sắp xếp bừa bộn…
Thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi đó của các em học sinh miền núi, chương trình “Đọc và Thực Hành – Read and Practice” do công ty điện tử LG Việt Nam phối hợp cùng tình nguyện viên từ các trường đại học đã chính thức khởi động để mang lại những niềm vui học tập cho các em. Trong giai đoạn đầu của chương trình, 33 chiếc tivi LCD 43 inch đã được trao tận tay các trường thuộc những khu vực nghèo khó của các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Bình, nhằm tạo điều kiện để triển khai các chương trình giảng dạy mới lạ cho các em.
Những chiếc TV LG được chuyển cho các trường ở những huyện khó khăn nhất của cả nước
Niềm hân hoan của các thầy cô giáo và nét mặt hào hứng của những em nhỏ miền núi trước những thiết bị hiện đại lần đầu được thấy trong đời không khỏi khiến đoàn thiện nguyện thấy ấm lòng.
Niềm hân hoan của các em khi tận mắt nhìn thấy những thiết bị học tập hiện đại
Trong buổi ngoại khóa đầu tiên của chương trình, các bé học sinh ngồi ngay ngắn trong hội trường, những ánh mắt sáng thơ ngây chăm chú nhìn vào màn hình và ồ lên vui sướng trước những thước phim tư liệu, phim hoạt hình sống động trên màn ảnh chiếc TV hiện đại.
Những ánh mắt háo hức theo dõi chương trình giảng dạy thú vị
Cũng trong chương trình, những kệ sách mới với nhiều loại sách hay cũng vượt đường sá xa xôi đến với những nẻo đường đất đỏ nơi đây. Các em sẽ được cầm trên tay những cuốn sách còn thơm mùi giấy mới, ngoài sách tham khảo, những đầu sách dạy kỹ năng sống, sách khoa học, sách tiếng Anh… sẽ giúp các em bắt kịp với tri thức hiện đại.
“Mô hình này rất cần thiết cho các em học sinh và nhà trường rất vui mừng nếu dự án thư viện được triển khai thành công. Bởi vì từ nay nhà trường sẽ có thêm nguồn sách tham khảo phục vụ cho việc dạy và học, cũng như giúp cho các em học sinh có thêm cơ hội mở mang tri thức bằng cách đọc sách giải trí sau mỗi giờ học căng thẳng.” Thầy Nguyễn Thành Đông, hiệu trưởng trường THCS Bế Văn Đàn, xã Cư Kbang, huyện Easup, tỉnh Đak Lak cho biết.
Chương trình cung cấp nhiều đầu sách bổ ích để các em mở mang kiến thức và phát triển tư duy
Để mang lại cho các em trải nghiệm học tập mới lạ, các hoạt động ngoại khóa dạy Toán, Tiếng Anh, Văn học… qua internet và các phương tiện giảng dạy hiện đại cũng được triển khai. Các em còn được tham gia khóa đào tạo các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, các hoạt động ngoài trời như câu đố theo chủ đề, vẽ tranh, hát múa và trò chơi tập thể. Những hoạt động ý nghĩa này không chỉ mang lại cho các em học sinh dân tộc thiểu số một sân chơi giải trí hữu ích, mà còn thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển tư duy, tạo niềm vui và sự hứng khởi cho mỗi ngày đến trường của các em.