1. "Đây là một điều kỳ diệu. Chỉ có những đội bóng tuyệt vời mới có thể dũng cảm như chúng tôi, lội ngược dòng và đánh bại một tập thể mạnh như Anh", Mandzukic nói. "Hôm nay, chúng tôi đã chiến đấu như những con sư tử và sẽ tiếp tục như thế ở trận chung kết".
Mandzukic là một người nghiện xăm mình. Trong những hình xăm chi chít trên cơ thể, có một hình xăm ở phần lưng dưới gây chú ý. Hình xăm ấy mang thông điệp: "Những gì không giết ta, sẽ khiến ta mạnh hơn". Đấy là một câu nói nổi tiếng của triết gia Friedrich Nietzsche. Nhưng không hiểu vì một lý do gì, có thể là chỉ để cho ngầu, Mandzukic đã cho xăm câu ấy bằng tiếng Do Thái.
Vấn đề là người xăm mình cho anh có vẻ như đã dịch câu ấy sang tiếng Do Thái thông qua… Google Translate, nên câu ấy nếu dịch ngược lại thì có nghĩa là: "Nếu không giết tôi, hãy khiến tôi mạnh hơn". Đã thế, nó còn được xăm từ trái sang phải, trong khi ngôn ngữ Do Thái lại được biết từ phải sang trái.
Nhưng… lỡ rồi làm sao bỏ đây. Mandzukic cứ thế mà giữ hình xăm sai cả chính tả lẫn ngữ pháp ấy. Quan trọng là… thần thái, như các bạn trẻ Việt Nam vẫn nói. Nhìn hình xăm đoán… ý chính là được. Ý của Mandzukic là anh luôn sống như một chiến binh, và sẽ luôn vượt qua được những nghịch cảnh. Đã xăm như thế, Mandzukic sống đúng như thế.
Hai trận knock-out gần nhất, Mandzukic gần như không chạy nhanh nổi. Anh đã quá đau và quá mệt. Nhưng khi cơ hội ghi bàn mở ra, Mandzukic vung chân như một chàng trai 18. Tình huống lẻn ra sau lưng John Stones và sút tung lưới Jordan Pickford trong hiệp phụ thứ hai chính là một ví dụ. Anh đã không cho đối thủ một cơ hội nào.
Đấy là sự cứu chuộc cho chính bản thân Mandzukic, nếu bạn nhớ những gì đã diễn ra ở tứ kết vài ngày trước đó.
Phút thứ 115 trận đấu ấy, Mandzukic không còn đủ hơi sức để theo kèm Mario Fernandes như phân công. Kết quả là Fernades đã nhảy lên đánh đầu gỡ hòa 2-2 cho Nga, kéo trận đấu vào loạt đấu súng. Mandzukic đã cố nhảy, nhưng anh không nhấc chân lên mặt đất nổi. Trong lúc các cầu thủ Nga ăn mừng cuồng nhiệt phía sau khung thành, các đồng đội đã đến trách Mandzukic.
Nếu Croatia thua Nga trong loạt sút luân lưu, có lẽ Mandzukic sẽ trở thành tội nhân thiên cổ và bản thân anh sẽ trách mình cả đời. Nhưng rất may là Croatia đã đi tiếp, và chính anh, cũng trong hiệp phụ, đã lập công chuộc tội với một bàn thắng cực kỳ quan trọng. Bàn thắng mang Croatia lần đầu tiên vào một trận chung kết World Cup.
Mandzukic chính là người mắc lỗi trong bàn gỡ hòa của Mario Fernandes.
2. Mandzukic bị thay ra ít lâu sau khi ghi bàn thắng ấy, vì anh… đứng không nổi. Sự mệt mỏi ấy là hệ quả của những công việc thầm lặng nhưng không kém phần mệt mỏi để có thể kéo con tàu Croatia băng lên tại giải lần này.
Mọi ánh sáng đều chiếu vào Luka Modric, Ivan Rakitic hay Ivan Persic vì bóng đến chân họ nhiều hơn. Chỉ có những người theo dõi thật kỹ toàn cục trận đấu mới thấy tiền đạo của Juventus đã thi đấu cần mẫn như thế nào.
Nếu như chỉ đánh giá về số bàn Mandzukic ghi được, có lẽ ít ai nghĩ anh là một cầu thủ hàng đầu. Nhưng các tifosi của Juventus sẽ cho bạn một cái nhìn khác về anh.
HLV Max Allegri của Juve đã khai sinh ra một khái niệm mới: tiền đạo… phòng ngự. Bố trí Mandzukic bên cánh trái, Allegri có một cầu thủ vừa thông minh về vị trí, vừa cần mẫn trong việc pressing, hỗ trợ phòng ngự. Và anh cũng là chuyên gia ghi những bàn quan trọng, khi cả Gonzalo Higuain và Paulo Dybala đều bị bắt chết.
Khi Bayern có được Robert Lewandowski từ Dortmund, họ đã bán Mandzukic cho Juventus. Kết quả là tài năng lặng thầm của Mandzukic giúp Juve trở lại trận chung kết Champions League (dù để thua Real Madrid), còn Bayern thì không bao giờ đi xa hơn bán kết với Lewandowski.
Trong khi trước đó vào năm 2013, Mandzukic cùng Bayern vô địch Champions League nhờ đánh bại… chính Dortmund của Lewandowski 2-1 trong trận chung kết. Mandzukic là người mở tỷ số trận ấy.
Mandzukic tiếp tục duy trì lối chơi quyết liệt, cần mẫn ấy về đội tuyển, và Croatia hưởng lợi. Nhìn vào bản đồ nhiệt của anh mới biết anh chạy đến gần như mọi nơi trên sân, từ khung thành nhà đến khung thành đội bạn, di chuyển rộng ra hai cánh và tranh chấp không biết mệt ở tuyến giữa.
Hai trận tứ kết và bán kết, Mandzukic thực hiện 5 quả xoạc bóng, hết 4 quả là ở phần sân đội nhà. Trận gặp Đan Mạch ở vòng 1/8, anh có 5 lần phá bóng trong vòng cấm đội nhà.
Vất vả là… số phận của Mandzukic. Hiện cao 1,90 mét, nhưng Mandzukic từng là một chàng trai nhỏ bé, gầy gò. Một HLV ở địa phương từng nói là anh quá mảnh khảnh và yếu đuối để đá tiền đạo. Thậm chí chạy cánh thôi cũng khó.
Mandzukic đã vươn lên trong sự nghi ngờ ấy. Lên 11 tuổi, anh chạy 2,05 dặm trong bài kiểm tra Cooper (một bài kiểm tra thể chất được áp dụng trong quân sự, trong đó, người được kiểm tra sẽ chạy xa hết mức có thể trong vòng 12 phút).
Ở tuổi 33, Mandzukic tiếp tục chạy, chạy nhiều hơn hầu hết các đồng đội lẫn đối thủ của mình. Tất nhiên là anh không chạy như gà mất đầu. Cựu HLV đội tuyển Croatia, Slaven Bilic, nói với La Gazzetta dello Sport: "Điểm mạnh lớn nhất của Mandzukic không phải thể lực mà là sự thông minh. Anh ấy thấu hiểu trận đấu, anh ấy nhìn thấy một đường bóng trước hai, ba bước".
Nói cách khác, Mandzukic chạy có mục đích, chứ không phải "cứ chạy là ra chiến thuật" như cách nói để chỉ những người "cần cù bù khả năng". Trận đấu với Argentina, Mandzukic được xếp đá tiền đạo cắm, nhưng anh đã lùi xuống cánh phải để Ante Rebic dùng tốc độ xộc thẳng vào trung lộ. Và chính Rebic đã buộc thủ môn Willy Caballero phải phạm sai lầm trận ấy.
"Ghi bàn hay không ghi bàn", HLV Zlatko Dalic nói. "Mario vẫn đại diện cho tinh thần của đội bóng".
Đấy là tinh thần không bao giờ lùi bước. Cái gì không giết ta sẽ khiến ta mạnh hơn. Một câu quá hay khắc vào da thịt, dù… hơi sai chính tả.