Man City, kẻ chết đói trên đống tiền

Minh Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 20:19 27/07/2017

Man City vừa chính thức trở thành CLB đầu tiên trong lịch sử bóng đá chi vượt mốc 225,5 triệu bảng chỉ trong một phiên chợ Hè. Tuy nhiên, giữa một kẻ giàu có và một kẻ giàu có thông minh khác nhau rất nhiều.

2 mùa bóng gần đây, Man City đều là đội bóng tiêu nhiều tiền nhất nước Anh. Tuy nhiên, phải đến khi kỷ lục về số tiền đổ vào một phiên chợ Hè được lập ra, người ta mới hình dung Gã nhà giàu thành Manchester tiêu nhiều đến mức nào.

Kể từ ngày thị trường chuyển nhượng Hè 2017 mở cửa đến nay, Man City đã mua 6 tân binh và tốn 225,7 triệu bảng. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá xuất hiện một đội bóng chi vượt mốc 225,5 triệu bảng - cột mốc mà Real Madrid đã lập ra mùa Hè 2009.

Man City, kẻ chết đói trên đống tiền - Ảnh 1.

Sau khi chiêu mộ thành công Mendy từ Monaco, Man City đã phá kỷ lục chuyển nhượng trong một mùa hè của một CLB với số tiền 225,7 triệu bảng.

Khen Man xanh giàu quả là thừa thãi. Chỉ có điều, Man City đang mua sắm như một gã trọc phú thừa tiền nhưng lại thiếu kiến thức.

Cứ thử hình dung về một câu chuyện thực tế kiểu này: Một gã nông dân bất chợt giàu lên thần tốc. Gã mang tiền lên thành phố với ý định mua sắm những món đồ thời thượng nhất để nâng cao giá trị bản thân.

Gã vào tất cả các cửa hàng và thay vì tìm hiểu, cân nhắc kỹ về chất lượng, nhu cầu sử dụng và giá cả, gã luôn chọn món đồ đắt nhất để mua với suy nghĩ nông cạn rằng: Đắt kiểu gì cũng tốt.

Man City cũng đang đi theo lối mua sắm kiểu này. Họ mang về rất nhiều tân binh giá trị, nhưng lại chưa từng bán nổi một cầu thủ nào với giá cao.

Man City, kẻ chết đói trên đống tiền - Ảnh 2.

Man City tiếp tục phá kỷ lục giành cho một hậu vệ Anh khi mua Kyle Walker với giá 50 triệu bảng.

Ví dụ Real Madrid mua Cristiano Ronaldo với giá cao. CR7 mang về Bernabeu cả trăm triệu bảng và nếu Real trong tương lai có bán Ronaldo cho một CLB nào đó, họ cũng có thể thu về cả trăm triệu bảng tiền chuyển nhượng.

Hay như Neymar ở Barcelona cũng vậy. Barca cài điều khoản phá vỡ hợp đồng của Neymar lên tới 222 triệu euro và họ có thể thu về trọn vẹn ngần ấy tiền nếu PSG chịu chơi.

Trong bóng đá, giá trị của một cầu thủ được tính lũy tiến: Anh đóng góp nhiều cho CLB, giá trị anh ngày càng tăng và đến một thời điểm tốt nào đó, anh sẽ được bán với giá rất cao để mang về số tiền khổng lồ cho chính đội bóng đó. Hàng trăm vụ chuyển nhượng đã diễn ra theo cách này.

Everton hưởng lợi vì bán Lukaku. Liverpool cũng kiếm cả mớ tiền nhờ Luis Suarez. Monaco giàu lên trông thấy nhờ liên tục bán Mendy, Silva và sắp tới có thể cả Kylian Mbappe.

Man City, kẻ chết đói trên đống tiền - Ảnh 3.

Lukaku về Man Utd với giá 75 triệu bảng.

Tuy nhiên cho đến tận ngày hôm nay, vụ chuyển nhượng mang về nhiều tiền nhất cho Man City lại cách đây tới 12 năm - thời điểm Man xanh chưa được tiếp quản bởi những ông chủ Ả rập giàu có. Đó chính là thương vụ họ bán Shaun Wright-Phillips cho Chelsea với giá 21 triệu bảng. Shaun Wright-Phillips là cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo Man City và anh đến bây giờ có lẽ vẫn là vụ làm ăn có lãi lớn duy nhất của Man xanh.

Suốt 10 năm qua - 10 năm kỷ nguyên Abu Dhabi, Man City đã mua về biết bao cầu thủ đắt tiền, nhưng không biết cách sử dụng dẫn tới giá trị của những cầu thủ này rớt thảm hại và rốt cuộc Man xanh đành chịu lỗ bán đi.

Ví dụ thì rất nhiều: Robinho về Man City với giá 32 triệu bảng, rồi được bán cho Milan với giá 15 triệu. Balotelli cũng tốn của Man City 21 triệu rồi sau đó trở về Milan với giá 20 triệu. Stevan Jovetic được mua với giá 26,7 triệu euro và sau đó bán lại cho Inter với giá 14,5 triệu euro.

Man City, kẻ chết đói trên đống tiền - Ảnh 4.

Cho tới thời điểm này, việc bán Shaun Wright-Phillips cho Chelsea cách đây 12 năm với mức giá 21 triệu bảng đang là thương vụ làm ăn có lãi nhất của Man City.

Có rất nhiều cầu thủ sau khi đến một CLB nào đó, gắn bó một thời gian và giá trị tăng gấp từ 2,3 lần đến cả… trăm lần. Chỉ riêng Man City mua người với giá cao và sau đó bán rẻ. Đó là hệ quả của những lần mua sắm thiếu suy nghĩ. Cho dù Man City vẫn đang trên đà thành công, nhưng riêng khâu chuyển nhượng thì đó là cả một sự xấu hổ.

Hơn thế nữa, làm gì có CLB nào chi ra 1,2 tỷ bảng tiền chuyển nhượng chỉ trong 10 năm mà không thành công cơ chứ?