Ngày 18/3, ngày đầu tiên thực hiện Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) của chính phủ, thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia dường như đã trở thành một thành phố khác.
Cảnh tàu xe tấp nập mọi khi đã không còn. Các con đường chính, thậm chí là các con phố nhỏ cũng thưa thớt người qua lại. Hàng quán hai bên đường hầu hết đã đóng cửa. Chỉ còn lác đác các hiệu thuốc, bưu điện, siêu thị mini hay trạm xăng là còn hoạt động. Trời còn sáng mà dường như tất cả đều vẫn đang trong “giấc ngủ nồng.”
Tất cả đều bắt nguồn từ cái tên đã chiếm lĩnh tất cả các mặt báo tại quốc gia này trong những ngày qua “COVID-19.”
Khu phố Bukit Bintang, vốn là trung tâm vui chơi, ẩm thực nổi tiếng nhất thủ đô Kuala Lumpur, thường thu hút hàng chục ngàn du khách quốc tế cũng như người dân Malaysia kéo đến hàng ngày, hôm nay đã mang một bộ mặt khác.
Dọc khu phố chỉ còn lác đác ít người qua lại. Những nhà hàng ẩm thực Thái, Tàu hay Việt Nam vốn thường kín chỗ ngồi khi buổi chiều còn chưa dứt nắng, hôm nay chỉ còn lại những tấm biển im lìm cùng các khung cửa đóng im ỉm. Một cảm giác giống như sáng mồng Một Tết ở Việt Nam.
Hình ảnh trung tâm đầu mối giao thông KL Sentral. (Nguồn: Malaymail)
Trung tâm thương mại KLCC, nơi tọa lạc của Tòa Tháp đôi nổi tiếng, cũng không phải là ngoại lệ, dù nơi đây trước kia kể cả ngày lễ tết quan trọng nhất của người Hồi giáo hay của người gốc Hoa cũng chưa bao giờ vắng người qua lại.
Giờ đây, tại điểm đến lừng danh này chỉ còn những người bảo vệ cùng một vài người khách có lẽ còn luyến tiếc chưa được đến thăm hoặc do không biết làm gì trong những ngày “bế quan tỏa cảng.”
Chỉ một ngày trước, KL Sentral, trung tâm đầu mối về giao thông của Kuala Lumpur hay trạm xe BTS còn đông nghịt người ngược xuôi. Vốn là hai địa điểm đầu mối và trung chuyển của hầu hết các tuyến xe bus tỏa đi khắp thủ đô cũng như các địa phương khác trong toàn quốc, những nơi này chưa từng một phút im tiếng còi xe. Vậy mà ngày hôm nay, có cái gì đó thật bất thường.
Do Mệnh lệnh kiểm soát di chuyển, kèm theo đó là lệnh cấm người dân di chuyển giữa các bang trừ phi có việc thực sự gấp, hàng trăm nghìn người dân từ ngày 16, đặc biệt là ngày 17/3, ùn ùn đổ về quê. Trong số đó có các sinh viên, công chức, những người được phép nghỉ công việc hay học hành cho đến hết tháng này.
Tại những nhà ga hay trạm xe bus, người dân xếp hàng mua vé kéo dài không khác gì dịp lễ tết của người Hồi giáo. Tất cả đều hối hả trở về quê để “trốn” quãng thời gian hai tuần được nghỉ.
Đây cũng không phải là điều mà Chính phủ Malaysia mong muốn khi đưa ra mệnh lệnh nói trên. Mục đích chính của mệnh lệnh này là muốn người dân hãy “ở yên nơi mình đang ở” nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của COVID-19 ra cộng đồng thông qua sự tiếp xúc giữa người với người. Sự việc người dân di chuyển “ngoài ý muốn” này thực sự đã khiến cho nguy cơ lây lan của virus càng lớn hơn.
Tính đến tối 18/3, số ca nhiễm bệnh tại Malaysia đã lên đến 790 người, tăng hàng trăm người so với cách đây ít ngày. Tốc độ lan truyền nhanh chóng này liên quan tới sự kiện tôn giáo kéo dài từ ngày 27/2-1/3 tại đền thờ Masjid Sri Petaling ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur. Sự kiện này đã thu hút khoảng 16.000 người tham dự, trong số đó có khoảng 14.500 người là các tín đồ Hồi giáo Malaysia.
Theo Bộ Y tế Malaysia, trong số những người tham dự có nhiều người đã nhiễm COVID-19 mà không hay biết. Với mật độ tập trung đông người, lại cùng chia sẻ thức ăn và cầu nguyện trong không gian chật hẹp vì quá đông người,virus đã lây lan như “diều gặp gió”. Sau sự kiện, những người tham dự đã trở về gia đình, công sở, công ty và cả về các nước khác, mang mầm bệnh gieo rắc khắp nơi.
Việc truy tìm và khoanh vùng những người này là một nhiệm vụ “khổng lồ và gây nản chí,” như lời của lãnh đạo Bộ Y tế Malaysia.
Cho đến nay, giới chức nước này đã nỗ lực tìm kiếm, song mới chỉ truy tìm được phân nửa trong số đó. Xét nghiệm cho thấy, hàng trăm người, mà theo thống kê của Bộ Y tế là hơn một nửa số bệnh nhân tại Malaysia, đều có liên quan đến sự kiện tôn giáo này.
Một góc Trung tâm thương mại KLCC. (Nguồn: Malaymail)
Những ngày sắp tới, dự báo Malaysia sẽ còn ghi nhận nhiều ca nhiễm mới, chưa kể hàng trăm, hàng nghìn những người tiếp xúc với họ. Đây quả là một thách thức lớn đối với nỗ lực khống chế, nói đúng hơn là giảm nhẹ ảnh hưởng của dịch bệnh ra cộng đồng.
Ngày 18/3, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã tiếp tục lên truyền hình để kêu gọi người dân “hãy ở yên tại nơi bạn đang ở” nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan truyền rộng hơn, thể hiện tinh thần trách nhiệm công dân của mình, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và đất nước.
Thủ tướng Malaysia cam kết chính phủ sẽ đáp ứng đủ các nhu cầu thiết yếu của người dân trong thời gian kiềm tỏa. Hai tuần đóng cửa biên giới cùng các lệnh cấm tụ tập đông người, kể cả các buổi cầu nguyện của các tôn giáo, là biện pháp khó khăn, nhưng hết sức cần thiết để vớt vát những hy vọng mong manh.
Giờ đây, chỉ có thái độ tích cực và tự giác hợp tác của người dân với cơ quan chức năng mới có thể giúp dịch bệnh sớm trôi qua, trả lại nhịp sống bình thường cho Kuala Lumpur nói riêng và đất nước Malaysia nói chung.