Malala Yousafzai: Cô gái chết đi sống lại sau phát súng của Taliban, vượt cửa tử trở thành biểu tượng lên tiếng bảo vệ phụ nữ Afghanistan ngay lúc này

Diệp Lục, Theo Pháp luật 03:14 18/08/2021
Chia sẻ

Malala Yousafzai đang cố gắng dùng tiếng nói của mình để bảo vệ người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ngay lúc này.

Malala Yousafzai, sinh năm 1997, đã trở thành biểu tượng toàn cầu cho sức mạnh hồi sinh và ý chí quật cường. Cô đã sống sót một cách kỳ diệu sau khi bị tay súng của lực lượng Hồi giáo Taliban bắn vào đầu khi mới 15 tuổi.

Vào năm 2014, Malala Yousafzai đến từ Pakistan, là người trẻ nhất trên thế giới đạt giải Nobel Hòa bình ở tuổi 17. Từng hứng chịu nỗi đau mà Taliban gây ra, Malala Yousafzai thấu hiểu phần nào sự sợ hãi và lo lắng của người dân Afghanistan ngay lúc này khi họ bị Taliban kiểm soát một lần nữa.

Malala Yousafzai: Cô gái chết đi sống lại sau phát súng của Taliban, vượt cửa tử trở thành biểu tượng lên tiếng bảo vệ phụ nữ Afghanistan ngay lúc này - Ảnh 1.

Hãy bảo vệ phụ nữ và trẻ em

Cô gái 24 tuổi này cho biết mình hoàn toàn bị sốc khi hay tin Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan. Chia sẻ quan điểm trên Twitter, Malala cho biết cô "vô cùng lo lắng cho phụ nữ, người thiểu số cũng như những người ủng hộ nhân quyền". Đồng thời, cô cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy ra tay hành động.

"Chúng tôi hoàn toàn bị sốc khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan. Các cường quốc toàn cầu, khu vực và địa phương phải kêu gọi việc ngừng bắn ngay lập tức, cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp và bảo vệ người tị nạn cũng như dân thường", nhà hoạt động nhân quyền này chia sẻ trên Twitter.

Malala Yousafzai: Cô gái chết đi sống lại sau phát súng của Taliban, vượt cửa tử trở thành biểu tượng lên tiếng bảo vệ phụ nữ Afghanistan ngay lúc này - Ảnh 2.

Nhìn thấy những bức ảnh dòng người hốt hoảng xen lẫn tuyệt vọng cố gắng chạy trốn khỏi Afghanistan, Malala nói với BBC News trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng đây là một "cuộc khủng hoảng nhân đạo khẩn cấp".

Cô nói: "Chúng ta đang sống trong một thế giới mà thường xuyên nói đến những tiến bộ về bình đẳng, nhất là bình đẳng giới. Chúng ta không thể đứng nhìn một đất nước phải quay ngược lại lịch sử cách đây hàng thập kỷ. Chúng ta phải có lập trường mạnh mẽ để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái và vì một nền hòa bình, ổn định trong khu vực".

Nỗi đau nhức nhối của Malala

Hơn ai hết, Malala là người thấu hiểu được nỗi đau mà Taliban từng gây ra trong quá khứ. Khi Taliban tiếp quản khu vực quê hương của Malala ở Pakistan vào năm 2009, lúc đó, cô mới 11 tuổi và đã sử dụng bút danh Gul Makai để lên tiếng ủng hộ và đấu tranh giành quyền đi học cho nữ giới.

Vào thời điểm đó, Taliban xuất hiện đến đâu thì ở đấy bạo lực nhanh chóng lan tới, các mối đe dọa đổ xuống các trường chỉ dành cho nữ. Cô bé dũng cảm này đã trở thành mục tiêu mà Taliban nhắm đến. Vào tháng 10/2012, đang trên đường đi học về, Malala bất ngờ bị một tay súng bắn vào đầu.

Malala Yousafzai: Cô gái chết đi sống lại sau phát súng của Taliban, vượt cửa tử trở thành biểu tượng lên tiếng bảo vệ phụ nữ Afghanistan ngay lúc này - Ảnh 3.

Gã đàn ông đó chỉ hỏi một câu lạnh lùng: "Ai là Malala?" rồi hắn bắn vào đầu cô gái nhỏ 3 viên đạn, đồng thời khiến cả hai người bạn cùng lớp của cô bị thương nặng. Xe cứu thương đến và đưa Malala vào một bệnh viện quân đội trong tình trạng nguy kịch.

Sau cuộc phẫu thuật kéo dài 5 tiếng đồng hồ, viên đạn đã được gỡ bỏ, nhưng tình trạng của cô vẫn không ổn định. Cô bị hôn mê và nhiễm trùng. Ngay sau đó, có rất nhiều lời đề nghị điều trị cho Malala đến từ khắp nơi trên thế giới.

Chính vì thế, gia đình nữ sinh 15 tuổi này đã đưa cô đến Birmingham, Anh để điều trị phục hồi chức năng vì những vết thương đe dọa đến tính mạng. May mắn thay Malala đã thoát chết và hồi phục nhanh chóng.

Biến đau thương thành sức mạnh

Vào tháng 1/2013, Malala Yousafzai cuối cùng đã được xuất viện sau khi được tái tạo hộp sọ và được cấy ốc tai điện tử để khôi phục thính giác. Cuộc sống của Malala sau vụ nổ súng kinh hoàng đã rẽ sang một trang mới. Malala phải đối mặt với sự lựa chọn: Rút lui để an toàn, hoặc tiếp tục cuộc chiến vì nhân quyền.

Và cuối cùng cô gái đã dũng cảm chọn cách bước tiếp, trở thành đại sứ toàn cầu cho giáo dục phụ nữ. "Tôi đã đối mặt với cái chết. Đây là cuộc sống thứ hai của tôi. Nếu sợ, tôi đã không thể tiến về phía trước", Malala khẳng khái nói.

Sau khi ám sát Malala thất bại, những kẻ khủng bố khẳng định sẽ “tấn công” cô một lần nữa nếu có cơ hội nhưng Malala cho biết cô không sợ bị dọa dẫm. “Thật sự tôi có sợ ma một chút. Nhưng tôi không sợ Taliban. Không hề!”, Malala quả quyết với Đài NDTV năm 2013.

Malala Yousafzai: Cô gái chết đi sống lại sau phát súng của Taliban, vượt cửa tử trở thành biểu tượng lên tiếng bảo vệ phụ nữ Afghanistan ngay lúc này - Ảnh 4.

Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News vào năm 2019, cô gái quả cảm này cho biết: "Trên thế giới có nhiều người không muốn phái nữ trở nên quyền lực, họ không muốn phụ nữ ngồi vào vị trí của họ. Và đối với Taliban điều này lại càng rõ ràng hơn.

Họ không muốn trẻ em gái đi học vì nếu không, những cô gái ấy thông qua giáo dục sẽ trở thành những nhà lãnh đạo và có tiếng nói. Họ sẽ chống lại bạo lực tình dục và những cuộc hôn nhân áp đặt".

Sau khi hồi phục sức khỏe và sinh sống ở Anh, Malala cùng cha mình thành lập Quỹ mang tên cô, một tổ chức phi lợi nhuận với nhiệm vụ tạo ra một thế giới mà mọi cô gái trẻ đều có quyền kiểm soát tương lai của mình. Malala cũng xuất sắc hoàn thành việc học tại ngành triết học, chính trị và kinh tế tại Đại học Oxford.

Nỗ lực không ngừng

Tháng 7/2013, Malala được mời đến phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Cô tuyên bố mình sẽ không im lặng và sẽ đứng lên giành nữ quyền. Năm 2014, Malala Yousafzai trở thành người trẻ tuổi nhất nhận giải thưởng Nobel Hòa bình.

Ngoài Quỹ Malala, nhà hoạt động này còn là một nhà viết sách và là Sứ giả Hòa bình của Liên Hợp Quốc. Khi 22 tuổi, Malala Yousafzai đã trở thành biểu tượng toàn cầu cho giáo dục nữ giới và đã đi khắp thế giới, từ Nhà Trắng đến trại tị nạn để bảo vệ và vận động cho quyền lợi của nữ giới.

Một đứa trẻ, một giáo viên, một quyển sách và một cây viết có thể thay đổi thế giới. Giáo dục là giải pháp duy nhất. Giáo dục luôn phải được đặt ưu tiên hàng đầu”, Malala cho hay.

Malala Yousafzai: Cô gái chết đi sống lại sau phát súng của Taliban, vượt cửa tử trở thành biểu tượng lên tiếng bảo vệ phụ nữ Afghanistan ngay lúc này - Ảnh 5.

Cuốn sách đầu tiên của cô gái trẻ có tựa đề "Tôi là Malala", kể về cuộc sống của cô những ngày còn ở Pakistan và sự kiện đã đưa cô đến với cuộc sống mới. Cuốn sách thứ hai xuất bản năm 2017 có tên là "Bút chì ma thuật của Malala".

Cuốn sách được viết dành riêng cho trẻ em. Cuốn sách kể về Malala ngày còn nhỏ đã từng khao khát có một cây bút chì đặc biệt cho phép cô làm mọi thứ.

Malala Yousafzai: Cô gái chết đi sống lại sau phát súng của Taliban, vượt cửa tử trở thành biểu tượng lên tiếng bảo vệ phụ nữ Afghanistan ngay lúc này - Ảnh 6.

Cuốn sách đầu tay của Malala

Năm 2013, Malala nói với nhà báo Christiane Amanpour của CNN rằng cô hi vọng một ngày nào đó sẽ trở thành thủ tướng của Pakistan. Cô gái trẻ chia sẻ: "Thông qua chính trị, tôi có thể phục vụ toàn bộ đất nước mình".

Malala đã trở thành biểu tượng truyền cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ trên thế giới và giờ đây, cô không thể ngồi yên chứng kiến cảnh tượng Taliban có thể gây thêm bi kịch cho bất kỳ người dân nào, nhất là phụ nữ và trẻ em. Cô vẫn đang miệt mài kêu gọi và nỗ lực thúc đẩy hòa bình cho người dân Afghanistan ngay lúc này.

Nguồn: Tổng hợp

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày