Gù lưng vì ngực khủng
Khoa Phẫu thuật chỉnh hình, Bệnh viện Xanh Pôn hàng năm thực hiện phẫu thuật thu gọn vòng 1 cho hàng loạt trường hợp bị sa trễ với độ dài 30-40cm.
Các bệnh nhân đến khám đều cảm thấy mặc cảm với sự xuống cấp không phanh của núi đôi. Có người sau sinh thấy vòng 1 chảy xệ đã tìm mọi cách níu kéo, áp dụng đủ bài thuốc gia truyền từ ăn gân bò, nầm dê, uống sữa đậu nành đến dùng mỹ phẩm săn chắc ngực, massage thậm chí dồn tiền mua áo ngực nano hàng triệu đồng để mong "hồi sinh" vòng 1 nhưng rốt cuộc vẫn nhũn nhão như cái dây.
Vòng 1 chảy xệ là nỗi ám ảnh của hầu hết các chị em.
Như chị Thu Hà (Hà Nội) sau khi nghe quảng cáo đã không tiếc tiền bỏ ra hàng chục triệu đồng để nâng ngực bằng ánh sáng với hy vọng "trái mướp" sẽ co lại đúng chuẩn. Tuy nhiên kết quả không được như mong đợi, mướp vẫn hoàn mướp, vòng 1 chỉ co thêm 1-2 cm.
Theo ThS.BS Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật chỉnh hình, Bệnh viện Xanh Pôn, trong số những bệnh nhân phẫu thuật, ngoài những trường hợp sa trễ vòng 1 thông thường do quá trình sinh nở còn có những ca đặc biệt, mắc phì đại tuyến vú khiến núi đôi phát triển thần tốc rồi chảy xệ.
Đơn cử như trường hợp bệnh nhân Đặng Ngọc Dương (30 tuổi, Hải Dương). Sau sinh, vòng 1 của chị Dương to nhanh bất thường, sau 2 năm dài tới 55cm, nặng hơn 4 kg.
Tuyến vú lớn và chảy dài bất thường khiến chị Dương rất khó vận động, người luôn bị kéo về phía trước mỗi khi di chuyển khiến chị thường xuyên bị đau lưng, vai gáy. Đêm ngủ, chị Dương cũng phải nằm nghiêng để tránh ngạt thở. Do mặc cảm, chị rất ngại phải ra ngoài, chất lượng cuộc sống ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hay như trường hợp khác là cháu Nguyễn Thúy Hoa (13 tuổi, Quảng Ngãi), bị mắc phì đại tuyến vú Phyllode. Ban đầu, do nghĩ tuyến vú phát triển hơn các bạn cùng trang lứa nên Hoa thường xuyên mặc áo rộng để ngụy trang.
Tuy nhiên sau 1 năm, càng ngày tuyến vú của Hoa càng phì đại, chảy dài hơn 30cm, mỗi bên nặng hơn 1,5kg (người bình thường chỉ 300-350g) khiến em mặc cảm không dám đi học. Do "đeo" gò bồng đảo cỡ khủng lâu ngày, khi đi khám tại Bệnh viện Xanh Pôn, lưng cháu Hoa đã bị gù.
Thu gọn giữ nguyên cảm giác
BS Dung cho biết, với những trường hợp xệ nhẹ có thể dùng phương pháp nâng ngực bằng cách đặt túi silicon, tuy nhiên những trường hợp sa trễ từ độ 2 trở lên phải dùng kỹ thuật thu gọn vú.
Theo BS Dung, hiện các nước trên thế giới vẫn sử dụng phương pháp phẫu thuật cổ điển là Thorek. Theo đó các bác sĩ sẽ cắt rời tuyến vú, lấy phần quầng và núm vú ghép lên trên để tạo hình thẩm mỹ.
Nhận ra những hạn chế của kỹ thuật thu gọn vú cổ điển, từ nhiều năm trước, GS.TS Trần Thiết Sơn, trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh-Pôn đã nghiên cứu ra phương pháp thu gọn vú có bảo tồn, giúp bệnh nhân giữ nguyên được cảm giác, cho con bú bình thường và vẫn đảm bảo hình thể tuyến vú.
Hình ảnh trước và sau khi phẫu thuật thu gọn vú của bệnh nhân Đặng Ngọc Dương.
"Phương pháp cổ điển dễ khiến vết thương bị hoại tử do vết cắt lớn, các ống tuyến bị đứt lìa, dây thần kinh cảm giác cũng đứt nên bệnh nhân bị mất cảm giác sau phẫu thuật.", BS Dung phân tích.
Còn với phương pháp thu gọn vú có bảo tồn, bác sĩ sẽ giữ lại cuống nuôi, giữ lại một phần ống tuyến nên sau khi thu nhỏ, quầng núm vú sẽ có cơ hội sống cao hơn, tỉ lệ rối loạn cảm giác rất thấp, tuyến sữa vẫn tiết bình thường.
Để cắt ghép hoàn hảo, bác sĩ phẫu thuật sẽ phải tính toán, vẽ làm sao cho thật chính xác để khi ráp lại 2 phần khít nối với nhau, đảm bảo về mặt chức năng và thẩm mỹ.
BS Dung cho biết, thường sau phẫu thuật khoảng 3 ngày, bệnh nhân sẽ được xuất viện, sau 10 ngày sẽ được cắt chỉ. Trong vòng 3-6 tuần sau đó, bệnh nhân sẽ phải mặc áo định hình ngực để giúp tuyến vụ ổn định.
Thời gian phẫu thuật mỗi ca thu gọn vú khoảng 2 giờ, chi phí dao động 30-40 triệu đồng.
Với trường hợp chị Dương và cháu Hoa, BS Dung cho biết, sau ca phẫu thuật năm 2012, mới đây cả 2 quay lại bệnh viện tái khám với sức khỏe tốt, hình dạng tuyến vú hoàn toàn bình thường.
*Tên bệnh nhân đã thay đổi.