Bạn thường làm gì với những món đồ cũ không dùng tới nữa, chẳng hạn như bàn chải cũ, giày cũ, áo ngực cũ hay xe đạp cũ…? Chắc hẳn nhiều người trong số chúng ta sẽ nhanh chóng tìm cách vứt chúng ra bãi rác để khỏi chật chội nhà cửa. Những người New Zealand thì khác, những vật dụng tưởng chừng là rác vô dụng đã được họ “tái sinh” theo một cách cực kỳ ấn tượng: trang trí hàng rào.
Một trong những “công trình” nổi tiếng nhất và được xem là phát súng mở màn cho phong trào treo rác lên hàng rào của người New Zealand chính là chiếc hàng rào áo ngực có tên là Cardrona Bra Fence trải dài ở khu vực Central Otago.
Khởi nguồn của chiếc hàng rào độc đáo này là từ năm 1999, những chiếc áo ngực của 4 người phụ nữ được phát hiện treo trên hàng rào, bay phấp phới trong gió, tạo nên một khung cảnh vô cùng lạ lùng và vui mắt. Những tin đồn kể rằng nhóm phụ nữ này sau một đêm ăn mừng vui say bí tỉ tại khách sạn Cardrona thì đã quyết định cởi hết áo ngực và treo lên hàng rào cho vui. Vài tuần sau đó, nhiều chiếc áo ngực khác bắt đầu xuất hiện. Đến tháng 2 năm 2000, số áo ngực tại đây vào khoảng hơn 60 chiếc.
Người này truyền người nọ, tin tức về chiếc hàng rào áo ngực lan đi rộng rãi. Nhiều người bắt đầu đem áo ngực đến treo tại đây. Hàng chục rồi nhân lên đến hàng nghìn chiếc áo ngực được móc vào hàng rào, biến nơi đây thành một địa điểm tham quan thu hút rất nhiều du khách và tạo được danh tiếng trên cả thế giới.
Sự nổi tiếng của chiếc hàng rào cũng không tránh khỏi những sự chỉ trích cho rằng việc trưng bày nội y phụ nữ ngoài nơi công cộng như vậy thật bất lịch sự, đáng xấu hổ và là một cảnh quan chẳng đẹp mắt chút nào. Những người phản đối bắt đầu giở trò phá hoại, rất nhiều lần chiếc hàng rào bị tấn công, áo ngực bị cắt nát. Thế nhưng sau mỗi đợt càn quét như vậy, chỉ ít ngày sau, áo ngực lại từ đâu ồ ạt “mọc ra”. Chiếc hàng rào lại trở về đầy đặn như xưa.
Nhiều năm qua, hàng rào Cardrona Bra Fence đã trở thành một biểu tượng và được Tổ chức ngăn ngừa ung thư vú sử dụng để quyên góp từ thiện. Khách du lịch đến đây có thể đóng góp thông qua chiếc hộp từ thiện màu hồng được gắn trên hàng rào.
Bên cạnh áo ngực, bàn chải cũ, xe đạp, giày dép cũ… cũng được tận dụng để tạo nên những chiếc hàng rào độc nhất vô nhị. Trên con đường của vùng nông thôn yên tĩnh Te Pahu, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc hàng rào bàn chải đánh răng sặc sỡ đủ mọi sắc màu.
Người sáng tạo ra nó là một người địa phương tên Graeme Cairns. Ban đầu không mấy ai quan tâm đến chiếc hàng rào này, chỉ có bạn bè và khách du lịch lâu lâu ghé thăm treo bàn chải của họ lên. Dần dà chiếc hàng rào bắt đầu tạo được tiếng tăm, rất nhiều bàn chải cũ từ khắp đất nước và cả khắp năm châu đã được gửi về đây để góp một phần trang trí. Được biết bàn chải cũ của cựu Thủ tướng của New Zealand, Helen Clark, cũng được treo tại đây.
Bên cạnh đó, rất nhiều người dân New Zealand lại thích trang trí hàng rào với dép xỏ ngón, họ đặt tên chúng là Jandal - viết tắt của Japanese Sandals. Jandal - những chiếc hàng rào dép xỏ ngón, nhanh chóng trở thành một trong những biểu tượng của đất nước này.
Tại Woodhill, phía tây nam Aukland, bạn có thể tìm thấy hàng rào ủng cao su.
Hay ở Athol, Southland, có những chiếc hàng rào với xe đạp cũ.
Chỉ cần ra khỏi con đường chính ở Kingston, bạn sẽ được chứng kiến King Wheel Cottage. Chiếc hàng rào đặc biệt này được treo đầy những bánh xe động cơ cũ.
Tại Kelston và gần khu vực Wenderholm, những chiếc hàng rào được trang trí với hàng trăm chiếc nắp đậy trục bánh xe vô cùng lạ lùng.
Một chiếc hàng rào trên còn đường dẫn đến Cape Palliser ở Wairarapa, người ta treo những chiếc phao nhiều màu sắc lên hàng rào.
Bức tường xi măng ở Eltham, trung tâm thị trấn Taranaki lại có một kiểu trang trí khác với hàng trăm món đồ chơi trẻ em được dán vào tường. Bức tường rào này được bắt đầu từ năm 1997 bởi một người địa phương tên Fay Young.
Trong một lần tình cờ, cô phát hiện chiếc xe đồ chơi của đứa trẻ nào đó đánh rơi trước cửa nhà mình nên đã đặt món đồ chơi lên trên bức tường, chờ người đến nhận. Qua nhiều ngày trời, chiếc xe cứ liên tục rớt xuống mãi mà cũng chưa thấy ai đến lấy về, Fay quyết định dùng xi măng dán luôn chiếc xe lên tường.
Kể từ sau ngày đó, nhiều đứa trẻ trong khu vực đã xin Fay được dán đồ chơi của chúng lên bức tường. Đến ngày nay bức tường đó đã dài đến hơn 20 mét.
(Nguồn: Elite Readers, amusingplanet)