Nhiều gia đình gặp chuyện ly thân hoặc ly hôn. Dù nguyên nhân là gì thì đây vẫn là những điều khó khăn đối với tất cả mọi người. Riêng với trẻ em, tình cảnh này có thể khiến bé đặc biệt lo sợ khi thấy hai người lớn mà con luôn dựa dẫm đi theo con đường riêng của mình.
Trong cuốn sách What's My Child Thinking? (Con đang nghĩ gì - Tâm lý học trẻ em thực hành cho cha mẹ hiện đại) của tác giả Tanith Carey đã giải thích khá rõ ràng về vấn đề này. Cụ thể:
Cha mẹ thường thích cho rằng trẻ em rất kiên cường. Nhưng việc cha mẹ ly hôn là một sự kiện bước ngoặt đối với trẻ em, đặc biệt nếu cuộc sống sau khi cha mẹ ly hôn khác hẳn so với cuộc sống trước đó.
Việc được thông báo rằng bố mẹ không còn yêu nhau nữa, việc phải thích nghi với quá trình đi đi lại lại giữa những ngôi nhà khác nhau và sự vắng mặt đột ngột của một trong những người khiến con cảm thấy an toàn và được yêu thương, đều là những thách thức lớn đối với con trẻ.
Không phải lúc nào sự chia ly cũng là thủ phạm chính tổn thương trẻ mà chính những cuộc xung đột, gây gổ giữa các bậc cha mẹ mới làm trẻ tổn thương. Do đó, khi cha mẹ có suy nghĩ và cách xử lý cẩn thận có thể làm giảm tác động của quá trình này đến sức khỏe tinh thần của con.
1. Cùng nói chuyện với bé
Hầu hết trẻ em sẽ luôn ghi nhớ thời điểm được thông báo về quyết định ly hôn của cha mẹ. Hãy tạo ra một mặt trận đoàn kết khi trao đổi cùng con, lạc quan để bớt đau thương
2. Thiết lập những quy tắc cơ bản
Hãy giải thích rằng bố mẹ không hạnh phúc khi ở bên nhau và đã đồng ý sống xa nhau để có thể tiếp tục làm bạn bè và chăm sóc bé. Nhấn mạnh những điều giữ nguyên như khi còn sống cùng nhau.
3. Trấn an con
Hãy giải thích những gì đang xảy ra với cuộc sống của con bạn, không phải của bạn. Trả lời nỗi lo lắng chính của con là "ai sẽ chăm sóc con". Hãy nói với bé rằng cả hai bố mẹ vẫn sẽ chăm sóc bé. Sự khác biệt chính là bạn và vợ/ chồng cũ của bạn sẽ sống ở những nơi khác nhau.
4. Tránh mua chuộc bé bằng quà vặt để giảm bớt cảm giác có lỗi
Việc bạn đối xử đặc biệt với bé cũng có thể khiến con cảm thấy bất an và khiến bé có cảm giác như thể bản thân bị mua chuộc để chôn giấu cảm xúc buồn bã của mình.
5. Tránh những lời chỉ trích
Dù có chuyện gì xảy ra giữa hai bạn thì chồng/ vợ cũ của bạn vẫn là bậc cha/ mẹ duy nhất mà con có. Hãy giữ thái độ trung lập trước mặt con, nếu không, sự thù địch có thể khiến con thấy tan nát cõi lòng.
6. Lắng nghe con
Con bạn có thể cảm thấy nhiều cảm xúc khác nhau trong đó có cả sự tức giận. Bé cũng có thể muốn hai bạn ở cùng nhau. Hãy cho bé biết rằng nếu bây giờ bé cảm thấy buồn thì điều này là hoàn toàn bình thường. Cho phép bé trao đổi về tình huống này theo quan điểm của bé mà không đứng về phía nào hoặc không đi theo quan điểm của bạn.
7. Hãy giống như một doanh nghiệp
Bạn vẫn phải hành động vì lợi ích tốt nhất của con bạn bằng cách gạt bỏ cảm xúc của mình sang một bên, bạn cùng đối phương có thể hợp tác để đưa ra quyết định tốt hơn.
8. Chăm sóc chính mình
Hãy chăm sóc bản thân để bạn có thể nuôi con. Nhờ gia đình và bạn bè giúp đỡ hoặc thử tìm các nhóm hỗ trợ nếu có vấn đề cần giải quyết với chồng/ vợ cũ, biện pháp hòa giải có thể giúp tránh sự thù địch.
9. Kiên nhẫn
Có thể mất ít nhất 2 năm để một đứa trẻ ổn định lại cảm xúc sau khi cha mẹ chia tay.
10. Duy trì thói quen
Giúp con trở lại cuộc sống bình thường sớm nhất có thể với những ngày vui chơi, những chuyến đi và những buổi gặp mặt gia đình, để con bạn cảm thấy thế giới vẫn an toàn trong tầm dự đoán. Yêu cầu chồng/ vợ cũ của bạn giữ nguyên giờ đi ngủ vào giờ ăn của bé khi con ở nhà của người đó.