Có một lưu ý nhỏ trong bài viết này, đó là buổi phỏng vấn đã được thực hiện trước khi Lật Mặt: 48H ra rạp gần 10 ngày. Sáng hôm ấy, Lý Hải như "ngồi trên đống lửa" vì lo lắng cho sự kiện công chiếu đang cận kề. Anh cố gắng né tránh tất cả mỹ từ quảng bá về phim mà chỉ cầu trời để Lật Mặt: 48H ra mắt thuận lợi, hoà vốn, coi như làm phim cho vui.
"Không ngờ làm phim tới phần 5 rồi mà vẫn bồn chồn như vậy", anh nói, trái ngược hoàn toàn với viễn cảnh tươi sáng ở hiện tại.
Lý Hải chia sẻ về series phim Lật Mặt và chuyện "ngôi sao phòng vé"
Cuối cùng thì Lật Mặt: 48H đã ấn định được ngày ra mắt chính thức sau hai lần dời lịch, mà lẽ ra bây giờ đang là lúc anh tổng kết doanh thu và làm tiền kỳ cho phần 6. Cảm giác lúc này của anh thế nào, thở phào được rồi chứ?
Phim của tôi như trải qua hai mùa mưa nắng, đến hiện tại thì đã cạn kiệt về mọi mặt từ kinh phí quảng bá đến tư liệu truyền thông. Mọi thứ mới bắt đầu thôi nên tôi hồi hộp, ám ảnh dữ lắm, chỉ biết ngồi chờ thôi.
Nhưng sau khi chứng kiến sức hút dữ dội của Bố Già, anh có nghĩ việc Lật Mặt: 48H bị dời lịch là may mắn vì đã né được màn cạnh tranh với một đối thủ mạnh như thế?
Bất cứ bộ phim nào ra mắt trong thời điểm đẹp nhất đều là may mắn. Bây giờ giảm cạnh tranh là điều tốt. Tôi như đang ngồi trên đống lửa vì phim chỉ có 3 ngày cuối tuần để truyền miệng, thu hút khán giả đến rạp và giữ suất chiếu tốt. Nhiều khi phim này chưa kịp gây tiếng vang thì phim khác đã đến.
Nhưng đã làm trong ngành này thì phải quen với sự cạnh tranh. Đâu cần chờ tới Bố Già, trước đó phim Lật Mặt đã có duyên đụng độ với toàn bom tấn nước ngoài. Rồi sắp tới, tôi đâu biết phim nào sẽ là bom tấn tiếp theo? Toàn là phim lớn. Bỏ qua vấn đề cá nhân, đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy điện ảnh Việt đang đi lên, khởi sắc, có nhiều phim chất lượng.
Không trở lại ngay thời điểm bình thường như Bố Già, cũng không ôm trọn chuỗi ngày lễ lớn 30/4 - 1/5, vì sao anh ra mắt phim vào lưng chừng giữa tháng 4?
Lịch ra mắt của phim sẽ do đơn vị phát hành quyết định, sau khi thống nhất với bộ phận PR của bà xã tôi phụ trách. Đại loại là trước đó tôi cũng có nghe nói tháng 4 này có rất nhiều phim, mười mấy bộ lận. Tôi thấy chọn ngày như vậy cũng hợp lý để hạn chế cạnh tranh với các phim khác, vừa an toàn cho mình vừa nhẹ nhàng cho người ta.
Ai cũng muốn phim được chiếu vào thời điểm đẹp nhất, đặc biệt là những đợt nghỉ lễ dài để khán giả thoải mái ra rạp. Nhưng nhìn lại, phim của Lý Hải thực ra không có ngôi sao bán vé, khó mà đùng một phát kéo người ta đi xem chỉ trong vài ngày. Do đó, truyền miệng là yếu tố quan trọng nhất và cần nhiều thời gian. Nếu phim tạo hiệu ứng tốt thì sẽ trụ vững cho tới lúc 30/4 và tận dụng thêm một đợt bán vé nữa.
Chẳng lẽ Lý Hải lại không phải ngôi sao bán vé? Nếu thế thì một thương hiệu như Lật Mặt lấy đâu ra sức hút để duy trì đến phần 5?
Có thể qua mỗi phần, phim của tôi vẫn tạo được hiệu ứng truyền miệng tốt và không làm người ta thất vọng. Cứ như vậy, độ nhận diện của phim ngày càng tăng lên và trở thành thương hiệu quen thuộc. Đa phần các phần của Lật Mặt đều phải mất từ 5 - 7 ngày trình chiếu thì mới bắt đầu thu hút khán giả và đạt kỳ vọng doanh thu. Đây là chính là điểm khác biệt của một bộ phim không có ngôi sao phòng vé.
Lý Hải may mắn được mọi người yêu thương từ lúc còn cầm mic đi hát. Nhiều bạn trẻ ngày nay thích tôi vì từng là thần tượng của ba mẹ. Mấy bé đã biết tôi từ lúc nhỏ xíu. Kiểu hồi đó ai mà được hỏi "Con muốn quà gì" thì sẽ đòi một cái đĩa Trọn Đời Bên Em. Rồi những lúc ăn cơm, y chang con nít bây giờ thích xem iPad, điện thoại thì hồi đó người ta bật nhạc Lý Hải. Đến hiện tại, tất cả như một sự chuyển giao thế hệ. Các bạn sinh năm cuối 9X và đầu 2000 giờ đã lớn lên, thành khán giả của mình.
Nhưng thời đại ngôi sao phòng vé ở Việt Nam vẫn chưa kết thúc (khác với Hollywood, nơi đang chịu sự thống trị của dòng phim thương hiệu), liệu Lật Mặt có thể được xem là một trường hợp lội ngược dòng?
Đầu óc tôi không nghĩ sâu xa được như các nhà làm phim Hollywood đâu. Nói thẳng luôn, đạo diễn nào cũng mơ ước phim mình có một ngôi sao phòng vé cả. Nhưng khi bạn mời ngôi sao, đồng nghĩa với chi phí sẽ đội lên rất cao. Mà chưa hết, thời gian còn bị phụ thuộc và san sẻ với các hoạt động của họ. Do đó với phim của Lý Hải, thời gian còn quan trọng hơn cả tiền bạc.
Trung bình một bộ phim mất từ 2 - 3 tháng tiền kỳ, nếu mời ngôi sao thì chẳng lẽ bảo họ bỏ ấy thời gian để tập dợt? Như vậy là làm khó họ. Đóng phim hành động là phải tập rất nhiều để ra hiện trường là vào cảnh luôn, không đứng xớ rớ được. Bắt buộc phải làm vậy thì mới giảm thiểu rủi ro cho nhà sản xuất và đảm bảo an toàn cho diễn viên.
Theo anh, điều gì đã cản trở các diễn viên đến những buổi casting?
Ở nước ngoài, diễn viên không lấy cát xê cao hay đặt nặng chuyện tiền bạc. Nhưng sau khi phim thành công, họ được danh tiếng. Nhiều nhãn hàng tìm đến họ mời quảng bá, quảng cáo sản phẩm. Còn ở Việt Nam, chắc có nhiều người thấy kinh phí rồi doanh thu phim khủng mà cát xê chỉ nhiêu đó nên họ cho là không hợp lý, dẫn đến sự thiếu hụt các buổi casting chất lượng.
Lý Hải chia sẻ về chuyện làm phim.
Là người có nhiều trải nghiệm trong các cuộc đấu tay đôi với bom tấn nước ngoài như Marvel - những dự án có kinh phí và đầu tư gấp trăm lần Lật Mặt nhưng giá vé lại cạnh tranh ngang bằng, anh nhìn nhận thế nào về sự đối đầu không-bao-giờ cân sức này?
Mình phải sống chung thôi. Còn nếu muốn an toàn và hoà vốn với tình hình của thị trường điện ảnh Việt, một bộ phim chỉ nên đầu tư dưới 25 tỷ. Làm sao để khán giả bỏ tiền ra mua vé cảm thấy hài lòng là được. Và quan trọng là phải có nhiều chất xám, sự chân thành, câu chuyện chạm đến trái tim người xem.
Khán giả mình thực chất rất yêu phim Việt. Họ dần xem phim nhiều và biết cách thể hiện ý kiến hơn. Qua đó các nhà làm phim dễ nắm bắt được tâm lý, thị hiếu của họ để mà tiếp thu, hoàn thiện sản phẩm. Họ đâu có kỳ vọng một bộ phim Việt phải hoành tráng, được đầu tư khủng như bom tấn Hollywood. Họ thừa hiểu cán cân chênh lệch như thế nào. Họ chỉ cần xem một tác phẩm sạch sẽ, gần gũi, có gì đó để kể lại khi ra về.
Nhưng chất xám bao nhiêu là đủ để tiết kiệm được cả gia tài?
Lý Hải làm phim ít tốn lắm. Nếu phim người ta hết 25 tỷ thì phim tôi chỉ cần 20 tỷ mà chất lượng vẫn tương đương. Nhiều người bảo Lý Hải chơi ngông khi đập phá cái này đốt cái kia, nhưng mọi thứ đều nằm trong sự kiểm soát của tui hết. Ví dụ đốt 2 chiếc xe hơi thì sẽ tạo hiệu ứng gì, lúc chiếu mang lại cảm xúc cho khán giả ra sao, có đáng để làm không? Theo tôi có 3 yếu tố khắc phục hạn chế kinh phí.
- Kinh nghiệm sản xuất: được thể hiện qua quy trình, nhất là giai đoạn tiền kỳ. Lý Hải sản xuất phim không bao giờ lố thời gian. Nếu làm phim 30 ngày thì cùng lắm bị dư 1 ngày do mưa chứ không thể đội lên thành 38, 40 ngày.
- Ê-kíp thuận: cả đoàn phim phải thống nhất mọi kế hoạch, phương án và cách giải quyết khi có vấn đề phát sinh. Bất cứ cá nhân nào cũng cần đặt mình vào tâm thế nhà sản xuất để xem điều mình làm có đáng không. Nếu bộ phim có 10 bối cảnh thì cần đầu tư vào cảnh nào? Nếu giảm ở một cảnh thì hiệu ứng ra sao? Trong trường hợp chọn đầu tư cảnh khác thì tính toán đắp kinh phí thế nào cho cân bằng? Chứ không phải ai cũng thích làm cho đã cái "nư" mình: "Tôi quay là phải đẹp", phải thế này thế kia.
- Kịch bản: chắc chắn rồi. Một bộ phim được đầu tư tới 50 tỷ, 70 tỷ mà không có kịch bản tốt thì cùng lắm chỉ dừng ở mức ổn, còn hiệu ứng vẫn vậy. Ngay cả phim Mỹ và Hàn Quốc, có những cảnh rất đơn giản chỉ 1 đến 2 shot nhưng vẫn hiệu quả. Người ta đã tính toán kỹ lưỡng để dồn tất cả cho vài cảnh cuối đắt nhất, không bị đầu voi đuôi chuột, mới vô đẩy cho đã rồi về sau đuối dần.
Với cương vị đạo diễn, làm phim mà phải cân đo đong đếm chuyện tiền bạc có khiến anh bị hạn chế về sáng tạo?
Đôi khi tôi vẫn tính toán sai. Như trong Lật Mặt: 48H, lúc làm nhà sàn để dựng bối cảnh, tôi ước chừng khoảng chục căn là đủ. Nhưng lúc đó là chưa có quần chúng xuất hiện. Lên phim nhét 500 người vào thì các căn nhà lọt thỏm, phải xây thêm. Tôi xài chiêu chỉ xây cái vách và lấy mặt tiền ở những căn nằm xa khung hình.
Hay đến cảnh giật sập nguyên dãy nhà, tôi tính chỉ hết nửa ngày. Sáng sớm mọi người, tàu, thuyền, trang thiết bị đã sẵn sàng để làm sập. Cuối cùng khi vào vị trí thì nước lại cạn, ló cả đất khiến tàu vướng chân vịt. Tôi phải canh 3 ngày, xài 1 tàu nhỏ không được thì phải ra sông lớn thuê thêm 2 chiếc. Cảnh này lên phim có mười mấy giây nhưng tốn nhiều tiền và thời gian. Cái gì đáng thì tôi vẫn làm, kể cả sai phải làm lại.
Lý Hải chia sẻ về việc quay phim và gia đình
Nhiều nhà làm phim Việt hiện nay đang có xu hướng thành lập ê-kíp kín để đảm nhận tất cả các khâu về sản xuất sáng tạo. Anh thì sao?
Ê-kíp của Lý Hải trước giờ được bung lụa thoải mái. Bởi ngoài 3 tháng làm phim của tôi, chẳng lẽ các bạn không có gì làm suốt 9 tháng còn lại? Thành lập ê-kíp kín đồng nghĩa với việc bạn phải có khả năng nuôi sống tất cả thành viên.
Tôi thì đơn giản. Ví dụ tháng 10 này phim bấm máy, thì trước đó khoảng 2 - 3 tháng tôi sẽ gửi kịch bản. Gần tới ngày ngồi bàn bạc, tính toán casting, sản xuất. Quan trọng là lúc làm việc có hết lòng và thống nhất với nhau hay không. Hơn nữa, khi các bạn làm phim cho người khác, tức là các bạn đang học hỏi được những cái hay của họ để mang về áp dụng cho mình.
Hơn nữa, với tôi gia đình vẫn là tài sản quý giá nhất. Tưởng tượng cảnh một năm làm 2 - 3 phim, đi miết, bỏ con nheo nhóc, không quan tâm chăm sóc rồi lúc về nhìn lại con đã lớn một cách khủng khiếp. Làm cha mẹ mà không được tận mắt chứng kiến con cái lớn lên mỗi ngày thì có ý nghĩa gì. Tôi chỉ tập trung toàn lực cho công việc khi nào con mình đủ lông đủ cánh.
Nhưng khi ấy anh cũng không còn trẻ nữa để làm ông hoàng phim hành động. Vậy kế hoạch của anh là gì?
Tôi muốn lập công ty sản xuất để phát triển dòng phim trẻ và năng nổ hơn. Lúc đó tôi sẽ đứng sau nâng đỡ các bạn mới vào nghề. Cứ về đây làm với tôi. Hiện tại trong đoàn phim Lý Hải có tôi là già nhất, xung quanh toàn các em 20 - 30 tuổi. Các bạn đầy nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm, nhiều ý tưởng táo bạo. Cho nên khi nhìn vào một nhà làm phim, đừng bao giờ đánh giá khả năng dựa trên kinh nghiệm, kiểu như "tôi thấy phim trước của anh đó quay kỳ". Nếu cầu tiến thì sau một năm trình độ của họ khác hoàn toàn. Dù là hiện tại hay sau này, tôi không bao giờ nghĩ mình là cái gì đó lớn lao cả.
Có phải anh vẫn mang theo trải nghiệm bị đánh giá thấp về năng lực lúc mới vào nghề đến bây giờ?
Người ta có quyền mà. Như chuyện mời ngôi sao phòng vé, tôi toàn bị từ chối. Không ai dám đóng bộ phim chưa có thương hiệu như Lật Mặt 1. Họ tạo dựng tên tuổi bao nhiêu năm, rồi lỡ đóng phim của một ông đạo diễn không có tên tuổi xong "chết name" luôn thì sao? Họ làm vậy là đúng. Tôi không dám trách và không có quyền trách.
Còn hiện tại thì sao?
Các bộ phim tôi làm ra chủ yếu xài tiền của nhà nên trước sau gì cũng vậy. Áp lực lớn nhất vẫn là hoàn thiện sản phẩm thật tốt gửi đến khán giả. Bạn thấy tôi ngồi đây, dù sắp sửa ra mắt phần 5 nhưng người vẫn bồn chồn, ngại đụng chạm, thậm chí ám ảnh. Trong thâm tâm lúc nào cũng sợ dịch bùng phát lần nữa. Chỉ mong phim tạo được hiệu ứng tốt về chất lượng và nhờ truyền miệng của mọi người để thu hồi vốn. Lúc đó tôi mới dám ăn mừng.
Còn số phận của phần 6?
Sẽ không bị ảnh hưởng bởi doanh thu của phần 5. Tôi đã lên kế hoạch bấm máy từ tháng 10 năm ngoái nhưng dời sang năm nay, do ôm một lúc 2 "master films" thì đuối quá. Dù là trong trường hợp xấu nhất, phần 5 không ra rạp mà chiếu online, tôi vẫn ấp ủ duy trì Lật Mặt tới phần 10 như Trọn Đời Bên Em. Tôi còn tính làm việc với ê-kíp nước ngoài để quay phần 6 vừa ở Việt Nam vừa ở quốc tế.
Cảm ơn anh vì các chia sẻ trên!