Trong đời sống hằng ngày, không khó để chúng ta gặp những cặp đôi trông khá giống nhau về mặt ngoại hình. Trong văn hóa Á Đông, việc này còn được dân gian gọi là “tướng phu thê”.
Khoa học có nhiều giả thuyết về lý do tại sao điều này xảy ra, nhưng một trong những cách giải thích phổ biến nhất là hiện tượng gọi là “hiệu ứng quen thuộc”. Theo đó, con người có xu hướng phát triển sở thích đối với những thứ mà chúng ta cảm thấy quen thuộc. Khi chúng ta càng tiếp xúc nhiều với một thứ gì đó (chẳng hạn như hình ảnh phản chiếu của chính bản thân), bộ não của chúng ta càng xử lý nó dễ dàng hơn và do đó tạo cảm xúc dễ chịu hơn.
Có rất nhiều các cặp đôi trông giống nhau
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Perception, mọi người được yêu cầu đánh giá mức độ hấp dẫn của hình ảnh có các khuôn mặt khác nhau, một số đã được chỉnh sửa để bao gồm các đặc điểm quen thuộc với họ.
Những người tham gia không chỉ liên tục cho những gương mặt quen thuộc điểm hấp dẫn cao hơn, mà còn đánh giá những gương mặt ít quen thuộc hấp dẫn hơn sau khi họ được cho xem nhiều lần. Điều này cũng có thể làm sáng tỏ lý do tại sao càng chạm mặt nhiều, chúng ta càng dễ có cảm tình với một người.
Việc chúng ta bị hấp dẫn bởi người có nét tương đồng với mình là hiện tượng tự nhiên của tâm lý
Bên cạnh đó, cũng có một lý do khác kỳ lạ hơn cho việc này. Nghiên cứu cho thấy các cặp đôi bắt đầu trông giống nhau theo đúng nghĩa đen khi họ ở bên nhau một thời gian dài, ngay cả khi hai người không giống nhau ban đầu.
Một bài báo đăng trên tạp chí PLOS One đã phân tích những bức ảnh chụp những người khi mới kết hôn và sau đó 25 năm. Các chuyên gia phát hiện ra rằng hầu hết các cặp vợ chồng bắt đầu trông giống nhau trong những bức ảnh sau này. Có khả năng đó là kết quả của một hiện tượng gọi là “bắt chước đồng cảm”, xảy ra giữa những người có mối quan hệ gắn bó bền chặt.
Vì thân thiết, họ dần hình thành mức độ đồng cảm cao hơn dành cho nhau, từ đó vô thức bắt chước lẫn nhau. Các cặp đôi có thể bắt chước các biểu hiện gương mặt của đối phương, lâu dần họ phát triển cơ mặt tương tự theo thời gian.
Trong suốt cuộc đời bên nhau, một cặp đôi trải qua rất nhiều khoảnh khắc. Mọi thứ họ trải qua cùng nhau như một cặp đôi đều ảnh hưởng đến ngôn ngữ cơ thể và trạng thái cảm xúc. Những trải nghiệm này được “viết” trên khuôn mặt của họ. Thậm chí đôi khi ngay cả nếp nhăn của một cặp đôi cũng có thể hình thành ở cùng một vị trí. Bên cạnh đó, khi hai người sinh sống cùng nhau lâu, họ thường có thói quen ăn uống, sinh hoạt tương tự nhau và điều này tất nhiên cũng tác động đến ngoại hình.
Cặp đôi càng ở bên nhau lâu càng dần trông giống nhau
Ngoài ra, trước đây còn có những giả thuyết như gợi ý của nhà tâm lý học huyền thoại Freud cho rằng chúng ta tìm kiếm những người bạn đời gợi cho chúng ta hình ảnh của cha mẹ trong tiềm thức.
Một nghiên cứu thời hiện đại thực sự cho kết quả những người dị tính đánh giá ảnh của các đối tác tiềm năng hấp dẫn hơn khi có nét giống với cha hoặc mẹ mình. Việc chính bản thân chúng ta có ngoại hình giống cha mẹ là chuyện bình thường. Vậy nên theo tính chất “bắc cầu” này, người mà chúng ta thấy thu hút cũng giống bản thân mình.
Nguồn: Bright Side, NY Post