Kể từ khi chính thức chốt hoàn tất thương vụ mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD hôm 27/10, Elon Musk đã không lãng phí chút thời gian nào để biến đổi mạng xã hội có nhiều người sử dụng nhất nước Mỹ.
Ông sa thải phần lớn đội ngũ lãnh đạo cấp cao (bao gồm cả CEO và CFO), sa thải một nửa nhân viên chỉ thông qua 1 email, tuyên bố bãi bỏ chính sách “làm việc từ bất cứ nơi đâu”, bắt buộc nhân viên phải quay trở lại văn phòng sau nhiều năm làm việc từ xa. Trong nỗ lực tăng doanh thu, Musk chính thức chốt phương án thu phí 8 USD/tháng đối với các tài khoản tích xanh.
Theo Bloomberg, có 1 lý do đằng sau sự gấp gáp này: Twitter có rất nhiều hóa đơn khổng lồ cần phải thanh toán. Đây là 1 thương vụ mua lại sử dụng đòn bẩy (leveraged buyout - LBO), tức Musk sử dụng tiền đi vay mượn để mua Twitter và chính các tài sản của mạng xã hội được đem ra làm tài sản thế chấp.
Nợ của Twitter đã tăng vọt lên 13 tỷ USD, trong khi trước thương vụ này Twitter nợ 1,7 tỷ USD (gồm trái phiếu rác với một số loại chứng khoán nợ khác có thể chuyển đổi sang cổ phiếu). Kết quả là khoản lãi mà Twitter phải trả hàng năm tăng từ dưới mức dưới 100 triệu USD lên 1,2 tỷ USD sau khi Musk tiếp quản. Số lãi này nhiều khả năng sẽ tiếp tục phình to vì một nửa số nợ có lãi suất không cố định và sẽ tăng lên theo thị trường.
Suốt từ 2019 đến nay, Twitter chưa từng lãi cả năm và năm 2022 bức tranh cũng không hề sáng sủa hơn. Quý II, mạng xã hội này lỗ ròng 270 triệu USD và dự kiến sẽ lỗ hơn 200 triệu USD trong quý III.
Tất nhiên, Musk biết rõ tình hình tài chính của Twitter và đang ráo riết cắt bớt những thứ mà ông cho là thừa thãi. Cắt giảm một nửa nhân sự là cách dễ dàng nhất để giảm chi phí. Năm ngoái chế độ thưởng cổ phiếu cho nhân viên khiến Twitter phải chi 630 triệu USD, tương đương 12% tổng doanh thu.
Ngoài ra Musk cũng có kế hoạch đóng cửa nhiều văn phòng và yêu cầu Twitter phải tiết kiệm 1 tỷ USD mỗi năm bằng cách cắt giảm chi phí liên quan đến cơ sở hạ tầng, theo Reuters. Điều đó đồng nghĩa Twitter sẽ chi ít tiền hơn cho dịch vụ điện toán đám mây cũng như thuê địa điểm đặt máy chủ.
Nhưng không phải lúc nào cắt giảm chi phí thần tốc là cách tốt nhất để có lợi nhuận, bởi làm như vậy sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng tìm ra những cách tốt hơn để công ty có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai. Gần như phòng marketing, truyền thông, phòng nhân quyền sẽ bị xóa bỏ - điều sẽ khiến Twitter khó thu hút và giữ chân người dùng cũng như các nhà quảng cáo.
Cuối tuần trước, việc 3.700 người đột ngột bị sa thải đã tạo ra một mớ hỗn loạn. Hàng chục nhân viên hoang mang khi họ được công ty gọi trở lại vì trước đó bị sa thải nhầm. Hài hước hơn, một số được gọi trở lại vì cấp trên nhận ra Twitter vẫn cần họ để phát triển một số tính năng mới mà Musk mong muốn.
Musk đang yêu cầu cấp dưới phải nỗ lực hồi sinh Vine - ứng dụng video ngắn mà Twitter đã đóng cửa từ năm 2016 nhưng Musk hi vọng đây sẽ là cơ hội để công ty có thêm nguồn tiền quảng cáo. Twitter cũng đang phát triển 1 sản phẩm riêng biệt cho phép người dùng thu tiền những người xem video của họ.
Những sản phẩm video như vậy sẽ khiến Twitter tốn thêm chi phí lưu trữ, nhưng Musk thực sự cần chúng hoạt động hiệu quả một phần bởi mô hình kinh doanh hiện tại của Twitter đột nhiên trở nên “mong manh dễ vỡ”.
Toàn bộ ngành quảng cáo trực tuyến đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, và nhiều nhà quảng cáo không yên tâm khi Twitter về tay Musk. Một loạt thương hiệu lớn như Volkswagen, Pfizer và General Mills đã ngừng chi tiền. Chính Musk phải thừa nhận điều này khiến doanh thu sụt giảm mạnh.
Chưa dừng lại ở đó, một số nhóm vận động đang khuyến khích các thương hiệu “nghỉ chơi” với Twitter nếu như Musk xóa bỏ một số chính sách quản lý thông tin sai lệch và phát ngôn thù hằn. Những lãnh đạo có mối quan hệ sâu sắc nhất với các nhà quảng cáo đều đã bị sa thải.
Không khó để nhận ra Musk đang đứng trước áp lực rất lớn. Ông luôn là người thích hành động nhanh và mạnh mẽ. Nhưng với núi nợ và sự hỗn loạn mà Musk đã mang tới Twitter, lần này đó chính là lựa chọn duy nhất.
Tham khảo Bloomberg