Lương cơ sở tăng từ 1/7, giá cả tiêu dùng sẽ thế nào?

Như Ngọc, Thùy Linh, Theo VOV 14:00 29/06/2024
Chia sẻ

Từ ngày 1/7/2024, lương tối thiểu sẽ tăng thêm 30%; lương cho người nghỉ hưu tăng 15%. Đợt cải cách tiền lương này được rất nhiều công chức, viên chức, người nghỉ hưu trông chờ. Tuy nhiên, song song cùng với niềm vui đó là nỗi lo thường trực: giá cả tăng theo lương.

Chị Ngọc Phương (sinh sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội) là người có thói quen đi chợ hàng ngày chia sẻ lo lắng khi giá cả thực phẩm những ngày gần đây có xu hướng tăng nhẹ.

"Mấy ngày nay tôi đi chợ đã thấy giá cả tăng hơn rồi. Chẳng hạn như Giá thịt lợn ba chỉ, bắp giò… đã tăng từ 120.000-130.000 đồng lên 140.000 đồng/kg; giá rau xanh cũng tăng từ 2.000-3.000 đồng/mớ; giá trứng vịt tăng từ 35.000 đồng/chục lên 38.000 đồng/chục… Cứ đà này, không biết đến khi tăng lương, giá cả còn tăng thế nào" - chị Ngọc Phương nói.

Không chỉ nỗi lo về giá cả thực phẩm, mà bản thân chị Phương Dung (quê Bắc Ninh đang làm việc và thuê trọ tại Hà Nội) còn băn khoăn về việc giá thuê nhà đã được “thông báo” sẽ tăng trong thời gian tới.

"Giá đồ ăn sáng tại các quán bình dân cũng tăng nhẹ, từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/bát bún; 15.000 đồng lên 17.000 đồng/chiếc bánh mỳ… Chưa kể, chủ nhà trọ cũng nói sẽ tăng giá thuê nhà trọ thời gian tới. Chưa cầm được đồng lương tăng nhưng nhiều chi phí dự báo sẽ tăng cao nên chúng tôi rất lo lắng" - chị Phương Dung chia sẻ.

Lương cơ sở tăng từ 1/7, giá cả tiêu dùng sẽ thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: TL

Tại nhiều khu chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá cả hàng hóa đã bắt đầu rục rịch tăng giá nhẹ sau thông tin sẽ điều chỉnh lương từ ngày 1/7 tới. Các mặt hàng tăng giá đều là hàng hóa thiết yếu như lương thực thực phẩm, rau xanh… Trong khi đó, tại các siêu thị, giá cả vẫn được giữ tương đối bình ổn.

Trong những phiên thảo luận của Quốc hội vào tuần này, các đại biểu thống nhất với Chính phủ về thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1 triệu 800 nghìn đồng/tháng lên 2 triệu 340 nghìn đồng/tháng, cho rằng đây là mức tăng đáng ghi nhận trong quá trình điều chỉnh tiền lương, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc.

Đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang cho rằng: "Mức tăng lương dự kiến tổng quỹ lương dành cho thực hiện cải cách tiền lương theo phương án xây dựng là khoảng hơn 900.000 tỷ. Dùng tiền đấy để tăng lương theo bảng lương cũng tăng theo bảng lương cũ thì tất cả mọi đối tượng về cơ bản đều tăng cả, sẽ tạo ra không khí phấn khởi.

Nhưng mà chúng ta chưa giải quyết được căn bản vấn đề là bảng lương mới. Bảng lương mới là chưa có trong thực tiễn. Tức là thực ra đây chính là quá trình mà chúng ta làm chậm lại và thực hiện từng bước yêu cầu của Nghị quyết 27".

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách; Tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát sau khi tăng lương.

Đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn Hậu Giang đề nghị: "Chúng ta cần có các giải pháp đảm bảo hạn chế được các tác động tiêu cực, đặc biệt hạn chế thấp nhất tình trạng tăng lương nhưng kèm theo tăng giá, dễ làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương. Trên cơ sở đó đề nghị Chính phủ xem xét đánh giá những tác động như những lần tăng lương trước mà có ảnh hưởng các yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng đến yếu tố giá và lạm phát cần quan tâm thêm.

Khi tăng tiền lương cũng làm tăng thêm chi tiêu công, liên quan đến yếu tố lạm phát cũng cần phải xem xét yếu tố tác động giá cả các mặt hàng chiến lược".

Lương cơ sở tăng từ 1/7, giá cả tiêu dùng sẽ thế nào? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: VGP

Từ nhiều năm nay, phản ứng thông thường của thị trường là lương tăng thì giá cũng tăng theo, thậm chí giá cả thị trường còn tăng trước khi chính sách tăng lương có hiệu lực. Từ thực tiễn đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước ổn định thị trường, giá cả, không để giá tăng theo lương.

Để hiện thực hoá được việc đó, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng Cục giá (Bộ tài chính) cùng với Tổng cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) cần rà soát đầu ra, đầu vào của giá thành những mặt hàng thiết yếu để xem xét giá bán có tăng không và mức tăng có hợp lý không. Theo ông, điều này rất quan trọng vì ảnh hưởng ngay đến đời sống cũng như mặt bằng giá.

"Bên cạnh đó, các Cục quản lý thị trường cùng các đội quản lý thị trường phải cùng với chính quyền kiểm tra đầy đủ các nhà hàng, cửa hàng kinh doanh, hộ tiểu thương cũng như chợ dân sinh việc tăng giá cả, đảm bảo niêm yết giá và tăng giá phù hợp.

Cơ quan quản lý nhà nước phải xem xét, nếu có việc tăng giá điện hay tăng giá các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo thì phải xem mức tăng có phù hợp và phải có thời gian giãn cách không tạo ra những cú sốc về giá.

Đặc biệt việc kiểm tra, giám sát phải thực hiện thường xuyên, liên tục trước và sau khi tăng lương. Quan trọng nhất là nếu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh nào tăng giá bất hợp lý thì phải có chế tài xử lý nghiêm" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ: Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2024.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày